Bác sĩ của những chú voi
Chẳng mất nhiều thời gian để tìm gặp vị “lương y” của những chú voi của đại ngàn Tây Nguyên, đến huyện Lăk của tỉnh Đăk Lăk hỏi bất cứ một nài voi hay chủ voi nào về ông thầy chữa bệnh cho voi Đàng Đăng Long, đều được chỉ dẫn tận tình.
Chúng tôi tới gặp đúng lúc ông đang chuẩn bị cho chuyến đi chữa bệnh cho một nài voi tận bên Campuchia. “Mình chỉ có chừng 30 phút cho các bạn, vì công việc nên các bạn thông cảm. Hoặc có thể trở lại lần sau” - Đàng Đăng Long cho hay. 30 phút được ngồi trò chuyện với ông là quá quý hiếm đối với chúng tôi rồi, nhưng với những chú voi thì 30 phút ấy là cả một sinh mệnh.
Ông Đàng Đăng Long cho voi ăn gạo.
Chưa kịp vào đầu câu chuyện, ông đã thổ lộ ngay: “Thực ra tôi chỉ là một “thầy lang” đơn thuần, chẳng có gì mà bí quyết cả. Do kinh nghiệm nhiều năm chăm sóc đàn voi nhà và rút ra kinh nghiệm để chữa bệnh cho chúng mà thôi. Cũng có đôi chút được thừa hưởng từ gia đình để lại”.
“Trước đây, khi voi bị bệnh, chủ voi thường thả voi về lại rừng, tự voi sẽ biết cách tìm những cây, lá để tự chữa bệnh cho mình. Nhưng hiện nay, rừng bị tàn phá nặng nề nên những loại cây có dưỡng chất chữa bệnh không còn nữa, hoạc có chăng thì khá khan hiếm nên voi không tìm được” - ông Long cho biết.
Theo vị lương y này đúc rút, voi vốn là động vật to lớn, sức khỏe vô biên nên các bệnh thường mắc phải phần lớn là do tác động từ con người như việc: bắt voi kéo gỗ, chở những vật dụng quá sức... khiến cho voi kiệt quệ sức lực. “Trong vài năm trở lại đây xuất hiện thêm bệnh sưng u bướu trên cơ thể của voi. Bệnh này xuất phát từ nguồn thức ăn và nguồn nước bị ô nhiễm, dẫn đến việc voi bị thiếu những dưỡng chất, thiếu chất đề kháng trong cơ thể”.
Theo kinh nghiệm cũng như cha, ông truyền lại, bài thuốc đắc địa nhất của ông Long hiện nay là: Dùng vỏ cây lộc vừng rừng, lá cây trâm, một ít muối hạt đun sôi lên để rửa vết thương, sát trùng cho voi. Sau khi sát khuẩn, rửa sạch, ông Long dùng một loại đất đào từ tổ mối hoặc dùng men gạo (thứ men dùng để ủ rượu gạo - PV) đắp lên vết thương. “Cả hai loại này có sức kháng khuẩn, diệt ký sinh rất tốt đối với những con voi bị bệnh u bướu” - ông Long cho biết.
Cách đây hơn một tuần, chú voi có tên A Krưm (40 tuổi) bị một vết thương hở khá dài. Vết thương đã bưng mủ, ký sinh trùng đã làm tổ bên trong. Chủ voi đã phải tìm đến ông để nhờ chữa chạy. “Sau khi thăm khám, mổ vết thương để rửa sạch ổ bệnh, đắp thuốc non một tháng trời A Krưm mới khô vết thương và có dấu hiệu lành dần. Một phần bởi voi A Krưm đã nhiều tuổi, sức đề kháng trong cơ thể không còn mạnh nữa. Như những chú voi trẻ hơn, khỏe hơn thì chỉ chừng mười ngày là vết thương đã khép miệng” - ông Long dẫn giải.
Mặc dù chữa bệnh cho voi bằng kinh nghiệm dân gian nhưng ông Long cho hay, việc mổ xẻ, dao kéo đều phải tiệt trùng và phải dựa trên cơ sở khoa học, y học hiện đại. “Khi mổ xong vết thương thường rất khó khâu lại, sau khi mổ vết thương thì thường bị hở vì da voi rất dày. Bây giờ các trường hợp như vậy tôi thường kết hợp với thuốc của Tây y bôi lên để chống côn trùng. Dao kéo, dụng cụ mổ xẻ đều phải được tiệt trùng trước khi mổ”, ông Long cho biết thêm.
Một ca phẫu thuật cho voi Tây Nguyên.
Bà mối se duyên
Không chỉ là một vị lang chữa trị cho voi, Đàng Đăng Long còn được biết đến như một bà mối mát tay, không ít những cặp voi ông đã se duyên thành công, tuy nhiên, chúng chưa sinh sản được những chú voi như ý muốn.
Theo kinh nghiệm của ông Long và những chủ voi Tây Nguyên, voi chỉ ân ái mãnh liệt và thụ thai được trong không gian tự nhiên. Nhưng hiện tại, môi trường tự nhiên không còn, những cánh rừng ngày càng bị thu hẹp lại đồng nghĩa với việc đàn voi mất không gian gặp gỡ, giao phối và sinh con.
Được cho là người mát tay trong việc mối lái giữa các cặp voi với nhau, nhưng tỷ lệ thành công đến lúc này đối với ông Long chỉ là con số 0. “Nhiều cặp tôi đã từng ghép đôi khá tốt, chúng đã từng nảy sinh tình cảm, thậm chí yêu và phối giống với nhau. Nhưng chẳng thể thụ thai được” - ông Long đau đáu cho hay.
Đặc điểm của voi mỗi mùa sinh sản về, những con voi đực thường mạnh mẽ trong việc tìm bạn tình, nhưng điều khó khăn nhất là voi cái nó có chịu “nhận lời yêu” hay không thì quả thực rất khó. “Cặp Arưng và Tlaya cũng thế. Mùa yêu đương, tôi cùng nài voi đưa vào rừng cấy ghép. Chúng đã quấn quýt với nhau khá hợp. Nhưng rồi lại...chia tay”.
Trong câu chuyện của ông Long về việc làm mai cho các cặp voi, có một câu chuyện vừa khôi hài, vừa rơi nước mắt. Ấy là cách đây ba năm, ông làm mai cho một cặp voi, khi cả hai trải qua một quá trình tìm hiểu và yêu đến hồi kết thì tan vỡ. “Cả hai đang chuẩn bị hành sự thì bất chợt chúng phát hiện khách tham quan đang quay clip mình. Thế là cuộc yêu bị phá vỡ. Chúng nổi khùng không chỉ đuổi những vị du khách kia mà còn phá hết nương rẫy của người dân” - ông Long tiếc nuối.
Không chỉ kiệt sức về làm du lịch, không gian yêu đương cũng ngày càng bị thu hẹp; đội ngũ chuyên môn về bệnh của voi... đang là vấn đề bức thiết cho những chú voi nơi đây.
Trăn trở của ông lang vùng đại ngàn
Gắn bó hơn nửa cuộc đời với Tây Nguyên, lại được mệnh danh là người sở hữu nhiều voi nhất tỉnh Đăk Lăk, ông Đàm Đăng Long được gia đình truyền lại cho những bài thuốc quý để chữa bệnh cho voi. Tuy nhiên, ông bảo: Chỉ là chữa dân gian thôi, chứ thực ra cần lắm một đội ngũ được đào tạo bài bản, khoa học về thú y. Chứ như cách chữa của ông chỉ là “chữa cháy khi cần thiết mà thôi”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Việt Nam chưa có một tổng kết hay một cơ sở khoa học nào về việc chữa bệnh cho voi. Các nước trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan... 50 năm trước đã có những nghiên cứu, bảo tồn, chữa bệnh cho voi.
“Hiện tại Trung tâm Bảo tồn voi Đăk Lăk có hơn 10 biên chế, trong đó gồm cả bác sĩ thú y và kỹ sư về bảo tồn loài voi. Tuy nhiên, những người được đào tạo bài bản về voi thì chưa có, phần lớn chỉ là kinh nghiệm nuôi và chăm sóc lâu năm mang lại”.
Để giải bài toán này, những chủ voi, nài voi cho biết, cần lắm những người được đào tạo bài bản, có trình độ “Có thể vừa đào tạo vừa thực hành để giải quyết vấn đề trước mắt như sức khỏe, bệnh tật, sinh sản chứ đào tạo xong mới làm thì sợ không kịp”.
Những chủ voi ở đây cũng cho biết, khi một voi mẹ sinh được một voi con, chủ voi được hỗ trợ khoảng 400 triệu đồng, nài voi được khoảng gần 200 triệu. Tuy nhiên, trong bối cảnh như hiện nay, môi trường nuôi nhốt, không gian yêu đương dần bị thu hẹp đang là rào cản đặc biệt đối với những cặp voi.
“Trước đây, ở bản Đôn nhiều voi, nhưng không phải con nào cũng sinh sản được. Cứ bình quân 10 con thì chỉ khoảng 2-3 con là sinh sản được thôi. Với cá tính kén chọn. Dù con cái đã không thích thì con đực có theo thế nào nó cũng không chịu” - ông Long cho biết.
Theo ông Nguyễn Đức, Trưởng bộ phận Trung tâm Du lịch bản Đôn cho biết, voi không chịu sinh với nhau không chỉ bởi không gian yêu đương không có mà vấn đề tuổi tác của voi cũng đang là rào cản. Mỗi mùa voi đực động đực, các chủ voi lại phải đem voi đực vào rừng để tránh trường hợp chúng quậy phá, điều này vô tình cũng làm mất đi khả năng gặp gỡ, giao phối và sinh sản của chúng.
Chia tay với ông Long và những con người đang trăn trở, đau đáu về đàn voi Tây Nguyên đang dần già cỗi, bất chợt nhớ câu nói của già làng Y Linh năm nào tôi đã từng gặp: Phải khoanh vùng, tạo ra một không gian thiên nhiên rộng mở với nhiều cây rừng, sự tận tâm của những người nài, quản nếu không muốn chúng bị chặt ngà, cắt đuôi, làm du lịch... thì chúng còn đâu sức mà ân ái rồi sinh con nữa...