Hà Nội

Gặp người 19 năm lái xe cho Bác Hồ và Bác Tôn

19-08-2011 11:39 | Xã hội
google news

Ông tên đầy đủ là Nguyễn Văn Mùi, sinh năm 1931 tại thôn Bắc Cầu (Xuân Hùng, Xuân Trường, Nam Định). Sinh ra tại miền quê, lớn lên, khắp xóm làng chịu ách đô hộ của thực dân Pháp và tầng lớp phong kiến, năm 17 tuổi ông tự nguyện tham gia du kích.

Với dáng người nhỏ, cách ăn mặc giản dị, một cuộc sống khiêm nhường, luôn được mọi người tôn trọng và quý mến là những gì còn lại của một cựu lái xe của Văn phòng Chính phủ. Ngoài tự hào được lái xe phục vụ hai vị Chủ tịch nước uy tín - Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Ðức Thắng - ông còn có tự hào riêng đó là việc được gần gũi, được học tập đạo đức và cuộc sống hết sức nhân văn của hai vị Chủ tịch, để mà tu sửa và rèn luyện mình. Từ việc được gần gũi, học tập và tu sửa này mà bao năm nay, ông chưa để bà con xóm làng, ngõ phố của mình ta thán về cá nhân một tí gì.

Duyên may của đời

Năm nay đã bước sang tuổi 80, 19 năm gắn bó với chiếc vô-lăng để đón đưa hai vị Chủ tịch nước nổi tiếng mà không để lại một sơ suất gì. Tâm sự với tôi về cuộc đời mình, ông vẫn cho rằng việc được chọn để làm lái xe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh là duyên may của mỗi đời người và ông đã là người được hưởng duyên may đó.

Ông tên đầy đủ là Nguyễn Văn Mùi, sinh năm 1931 tại thôn Bắc Cầu (Xuân Hùng, Xuân Trường, Nam Định). Sinh ra tại miền quê, lớn lên, khắp xóm làng chịu ách đô hộ của thực dân Pháp và tầng lớp phong kiến, năm 17 tuổi ông tự nguyện tham gia du kích.

Vào những năm giữa của thập niên này, do phong trào cách mạng và dân quân du kích phát triển mạnh nên thực dân Pháp và bè lũ tay sai đã đàn áp dã man. Nhiều tổ chức cách mạng, nhiều phong trào du kích của ta thời kỳ này bị phá vỡ. Theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến, không nề hà, chia tay với xóm làng, người quen, ông tìm lên Chiến khu Việt Bắc với ý định tìm, tham gia và đóng góp tiếp cho cách mạng.

Lên đến Việt Bắc, đang trong lúc tìm tòi móc nối với các cơ sở cách mạng thì ông gặp anh trai mình, lúc này đang làm ở xưởng đúc tiền của Chiến khu Việt Bắc. Gặp anh trai, ông trình bày lý do, không nề hà, anh trai ông đã rủ ông xin vào làm công nhân của xưởng đúc tiền. Đúc tiền, làm công nhân cũng là đóng góp cho cách mạng, ông Mùi đã đồng ý ngay và trở thành công nhân của xưởng đúc tiền ngay sau đó.

Năm 1950, sau Chiến dịch Biên giới, lúc này ta chuyển từ tiêu tiền xu sang tiền giấy, xưởng không việc làm, ông trở thành “thất nghiệp” tạm thời. Là người chăm chỉ, với mong muốn tìm lên Việt Bắc là góp sức cho cách mạng, không chấp nhận cảnh “ăn không ngồi rồi”, ông chuyển sang bộ phận áp tải lương thực ở chiến khu.

Lúc này, tại bộ phận áp tải lương có 2 chiếc Môn-tô-lô-va, trong khi làm nhiệm vụ, do tính ham học hỏi, lúc rỗi ông lại nhờ mấy anh em dạy cách xử lý và tập học lái xe. Do là người thông minh, nhanh nhẹn nên sau đó một thời gian ông đã lái được xe.

Do bộ phận tải lương của ông đóng gần Ban kiểm tra 12, một bộ phận của cơ quan chuyên phục vụ lãnh đạo của Chính phủ kháng chiến lúc bấy giờ nên lúc rỗi rãi ông thường qua chơi. Năm 1952, đúng lúc Ban kiểm tra 12 thiếu lái xe, thấy ông hiền lành, có đạo đức nên họ đã đặt vấn đề với ông.

Cuộc đời ông chính thức có sự chuyển đổi về nghề và phận hết sức đặc biệt vào năm 1954, lúc này ông Vũ Hoàng, phụ trách hành chính của Ban 12 đã gọi ông lên giao nhiệm vụ lái xe chở đội cảnh vệ tháp tùng Bác Hồ về tiếp quản Thủ đô. Từ đây chính thức ông trở thành lái xe của Ban 12.

Năm 1961, ông không ngờ duyên may lại đến với ông một lần nữa, ấy là khi ông Vũ Hoàng lại cho gọi ông lên. Một nhiệm vụ đặc biệt, nằm ngoài mơ tưởng của ông được ông Vũ Hoàng giao: Ông sẽ trở thành người trực tiếp lái xe cho Bác Hồ.

Thế là cuộc đời ông, sự nghiệp của ông từ đây đã gắn liền với Bác Hồ, ông có trách nhiệm đưa đón Bác mỗi khi Bác đi công vụ. Ông làm nhiệm vụ thiêng liêng và đầy tự hào này đến ngày Bác mất. Sau đó, đến tháng 10/1969, ông lại được giao tiếp nhiệm vụ lái xe cho Chủ tịch Tôn Đức Thắng thêm 11 năm nữa.

 Bác Hồ chúc tết anh em công nhân vùng mỏ.     Ảnh: TL

Những kỷ niệm thiêng liêng

Hiện nay đã về nghỉ hưu, thế nhưng khi nhắc lại thời kỳ được lái xe cho hai vị Chủ tịch nước, ông Mùi như trẻ lại, với những kỷ niệm thật bồi hồi, xao xuyến và đầy nâng niu. Ông bảo, những gì ông có được như ngày hôm nay, nhất là về đạo đức và lối sống cho một con người, đều do ông học được, tự tu sửa và rèn luyện mình từ cuộc sống đời thường, đến công việc mà ông đã từng thấy, từng chứng kiến từ hai vị Chủ tịch kính yêu.

Với Bác Hồ, trong hàng nghìn, hàng vạn cử chỉ, hành vi về đạo đức, ông nhớ nhất là bản tính tiết kiệm và giản dị của Người. Hồi mới về lái xe cho Bác, ban đầu đội xe phục vụ toàn là xe Gát do Liên Xô (cũ) sản xuất. Sau đó, Liên Xô có tặng Bác một chiếc Zít-nanh-đơ, xe này sản xuất cho các nguyên thủ thời ấy nên rất sang, xe có cả kính chắn đạn.

Nhận xe về nhưng Bác không thường xuyên sử dụng vì Bác bảo xe sang quá đi đâu hay gây sự chú ý, không an toàn và không gây thân thiện với các tầng lớp, nhất là nhân dân lao động. Vì lý do này nên Bác đã chuyển sang dùng thường xuyên xe Pô-bê-đa.

Sau đó nhiều lần, vì lo cho Bác nên cán bộ văn phòng có ý đổi xe. Mỗi lần như vậy Bác thường gọi ông Mùi ra hỏi xem chiếc xe đang sử dụng còn tốt không. Ông Mùi bảo xe còn tốt thì Bác bảo: Tốt thì nên dùng. Đổi xe lãng phí và Bác vẫn dùng xe cũ.

Trong thời gian lái xe phục vụ Bác, ông Mùi còn có một kỷ niệm không quên, ấy là có một chiều ông lái xe đưa Bác đi công tác về. Ông đang làm công tác bảo dưỡng xe thì Bác lại gần chỉ một chi tiết trong động cơ hỏi ông nó có tác dụng gì? Sau khi nghe ông giải thích, Bác lại ôn tồn: Từ ngày mai, thỉnh thoảng chú rảnh, dành thời gian dạy Bác học lái xe với. Ông Mùi chưa kịp hiểu đề xuất của Bác thì Bác lại ôn tồn: Học để biết, nếu có tình huống gì thì mình tự biết để mà xử lý.

Thông thường, sáng nào cũng vậy, cứ đúng giờ là ông Mùi lại có mặt ở cơ quan. Việc lái xe đưa Bác đi đâu ông thường được văn phòng thông báo trước. Gần 10 năm lái xe cho Bác, ông chưa hề bị Bác quở mắng và tuyệt nhiên chưa bao giờ ông bị Bác sai đi làm việc riêng.

11 năm lái xe cho Bác Tôn ông cũng có nhiều kỷ niệm. Bác Tôn vốn xuất thân từ thợ máy nên Bác sống cũng hết sức mộc mạc, giản dị và thẳng thắn. Sau khi Bác Hồ mất, theo đề xuất, ông Mùi lại tiếp tục lái xe cho Bác Tôn. Thời gian lái xe cho Bác Tôn, ông Mùi được quản lý hai chiếc xe, một chiếc Volga và một Com-măng-ca. Thế nhưng, cũng như Bác Hồ, chỉ khi nào tiếp khách quan trọng Bác Tôn mới sử dụng xe Volga, còn bình thường Bác chỉ dùng xe Com-măng-ca cho dân dã.

Bác Tôn thường hay thể dục buổi sáng và môn thể dục Bác ưa chuộng nhất là đạp xe. Thế nhưng để giữ an toàn cho Bác nên sáng nào cũng vậy mỗi khi Bác đạp xe là lại có hai, ba cảnh vệ đạp xe cùng để bảo vệ Bác. Vì là người giản dị không thích làm phiền người khác nên có lần Bác Tôn đã bảo với anh em: Bác già rồi, các chú cứ mặc kệ Bác. Bác không làm sao đâu, các chú cứ ngủ nghỉ cho khỏe, dậy sớm làm gì (Bác Tôn thường dậy và đạp xe tập thể dục vào lúc 5h sáng). Và nhiều lúc, để dỡ phiền phức cho anh em nên có hôm Bác Tôn đã một mình đạp xe ra cổng làm anh em cảnh vệ “trở tay” không kịp…

 Tận tâm với Bác trong công việc hàng ngày và túc trực bên linh cữu người (ông Mùi người đứng cuối, bên trái ảnh).

Niềm vui của tuổi già

Từ du kích đến công nhân xưởng đúc tiền và vinh dự được lựa chọn để lái xe cho hai vị Chủ tịch nước đáng kính, với sự tận tụy của mình, ông Mùi còn được lái xe cho các lãnh đạo cao cấp khác như Nguyễn Lương Bằng, Võ Chí Công, Đỗ Mười… Từ một lái xe, với những học hỏi và rèn luyện nên ông Mùi đã được bầu làm Đội trưởng đội xe của Văn phòng Chính phủ.

Trong ngôi nhà giản dị, nằm ở đường Phương Mai, ông Mùi vẫn đang sống một cuộc sống giản dị bằng đồng lương hưu của mình với người con trai duy nhất, hiện anh cũng đang làm bên bộ phận lễ tân của Văn phòng Chính phủ. Ông tâm sự, trong cuộc đời mình, điều ông cảm thấy tâm đắc nhất đó là đức tính giản dị mà mình đã học được và rèn luyện để có được từ hai vị Chủ tịch đáng kính là Hồ Chí Minh và Tôn Đức Thắng. Đây là tài sản lớn nhất và duy nhất còn lại của cuộc đời ông và ông vẫn đang dành thời gian còn lại của mình để truyền dạy cho cháu con. Và theo ông thì chính đức tính khiêm tốn, giản dị sẽ đem lại cho con người ta một sự thanh thản nhất trong cuộc đời kể cả lúc ra đi về với cõi vĩnh hằng. 

  Ký của Ðơn Thương


Ý kiến của bạn