Ông Trần Văn Diến (xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, Bắc Ninh) đến Bệnh viện Phổi khám sàng lọc bệnh lao thông qua chương trình sàng lọc lao cộng đồng đang được bệnh viện triển khai tại tuyến xã.
Sau khi xét nghiệm đờm âm tính, ông được chỉ định nội soi phế quản để lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm. Quá trình soi, các bác sĩ phát hiện có một dị vật kích thước khoảng 1.5 x 2cm, nằm ở phế quản phân thùy số 9 bên phải.
BS CKI Phạm Phúc Côn - Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Khám bệnh – Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Phổi Bắc Ninh cho biết, dị vật là một mảnh xương và thời gian nằm tại phế quản được tính bằng tháng vì xung quanh dị vật có nhiều tổ chức hạt tăng sinh, nội soi thấy có hiện tượng xung huyết, phù nề niêm mạc phế quản.
Xác định đây là một ca tương đối phức tạp vì vị trí dị vật nằm ở khá sâu, bệnh nhân lại có bệnh nền là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, trong quá trình nội soi gắp dị vật có thể xảy ra tình trạng chảy máu ồ ạt khó cầm, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vốn có cũng có thể gây ra cơn co thắt phế quản khiến bệnh nhân bị suy hô hấp, ngừng tim và đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, bệnh viện đã hội chẩn và tính toán phương án điều trị tối ưu nhất.
Trước khi gắp dị vật, bệnh nhân này được dùng thuốc kháng sinh và chống viêm trong vòng 1 tuần để làm giảm tình trạng xung huyết, phù nề niêm mạc, từ đó bộc lộ rõ vùng xương và có những điểm bám gắp tốt để kíp nội soi có thể gắp dị vật dễ dàng hơn.
May mắn bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt, sau 1 tuần tích cực dùng thuốc, các bác sĩ đã tiến hành nội soi lần 2 để gắp dị vật. Quá trình này diễn ra tương đối thuận lợi do đã có sự chuẩn bị kĩ càng từ trước. Sau gắp dị vật, tình trạng bệnh nhân ổn định và không có biến chứng gì trong quá trình nội soi.
Ông Diến vui mừng cho biết, khi ở nhà ăn uống thì có đôi lúc cũng bị đầy hơi, khó nuốt. Bản thân có bệnh nền sẵn nên chủ quan nghĩ tình trạng này là do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Lên viện mới biết mình có một mảnh xương mắc ở phế quản từ lâu, bác sĩ hỏi mới nhớ ra là trước đây cũng bị hóc xương nhưng xong thấy không sao nên cũng không để ý đến. Sau khi được các bác sĩ điều trị, lấy cho mảnh xương ra, việc ăn uống thuận lợi, dễ dàng hơn nhiều.
BS CKI Phạm Phúc Côn cho biết thêm, với những trường hợp mắc dị vật phế quản, trong thời gian đầu khi vừa bị có thể xảy ra hội chứng xâm nhập khiến bệnh nhân rất khó chịu, đây cũng là thời điểm dễ phát hiện nhất để có thể giải quyết dị vật, trả lại sự thông thoáng đường thở cho bệnh nhân.
Nhưng trong một số trường hợp, dị vật nằm ở những vị trí không gây khó chịu quá cho bệnh nhân, và thường những người khỏe mạnh hay người già sẽ có tâm lí chủ quan, bỏ qua sự khó chịu vừa mắc phải. Đến một thời gian sau, khi dị vật mắc ở một điểm quá lâu khiến niêm mạc vùng phế quản xung quanh phát triển và trở thành điểm bám, phát triển bao quanh dị vật và gây ra vấn đề phù nề, xung huyết.
Vấn đề đầu tiên có thể gặp phải là cản trở đường thở, gây cho bệnh nhân những cơn thở rít, khò khè hoặc gây cho bệnh nhân tình trạng hay bị viêm nhiễm tái đi tái lại nhiều lần. Bệnh nhân dùng thuốc một thời gian có thể đỡ nhưng sau đó rất dễ bị lại. Những biến chứng có thể gặp phải sau đó có thể là áp xe, chảy máu, thậm chí có nguy cơ gây thủng phế quản, gây ra tình trạng tràn khí trung thất và những biến chứng nguy hiểm về sau.
Dị vật phế quản thường gặp là những người hay có sự lơ đãng trong quá trình ăn uống như trẻ nhỏ thường chơi đùa trong khi ăn uống gây sặc và dị vật lọt vào đường thở hoặc người cao tuổi, đặc biệt là những bệnh nhân có tiền sử bệnh lí về thần kinh như tai biến mạch máu não, bệnh parkinson, anzeime bị giảm sút trí nhớ khiến dị vật bị mắc vào phế quản trong quá trình ăn uống.
Đối với bệnh nhân có tuổi càng có tâm lí chủ quan, thường quên đi việc bị mắc dị vật và bỏ qua trong thời gian dài, đến khi phát hiện thì tình trạng đã khá nặng.
Vì vậy, để tránh các dị vật đường thở, các gia đình có người già và trẻ nhỏ là cần chú ý trong việc chăm sóc ăn uống. Nếu bị mắc dị vật cần sớm phát hiện và đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử lí kịp thời.