Hà Nội

Gắp mảnh xương cá sắc nhọn trong thanh quản của bệnh nhi 2 tuổi

06-06-2022 15:11 | Y tế
google news

SKĐS - Dị vật là chiếc xương cá chiếm gần hết lòng khí quản, cắm ngang hạ thanh môn.

Ngày 6/6, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng vừa tiến hành nội soi gắp dị vật là một mảnh xương cá sắc nhọn ra khỏi đường thở cho một bệnh nhi 2 tuổi.

Gắp mảnh xương cá sắc nhọn trong thanh quản của bệnh nhi 2 tuổi   - Ảnh 1.

Dị vật mắc trong thanh quản của bệnh nhi.

Bệnh nhi là cháu N.D.P. (2 tuổi, trú tại thị xã Hoàng Mai) vào viện trong tình trạng ho, khàn tiếng, thở rít, chảy mũi trong nhầy, da niêm mạc kém hồng. Gia đình bé cho biết, trước đó, trẻ đang ăn cơm với cá thì bị sặc, trẻ tím tái, chảy nước mũi. Thấy bé càng lúc càng khó thở, kèm khàn tiếng gia đình vội đưa bé tới bệnh viện huyện gần nhà điều trị. Tại đây, bé vẫn khó thở và khàn tiếng, bệnh nhân được chuyển tuyến lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Qua thăm khám, bác sỹ khoa Tai mũi họng nội soi phát hiện dị vật màu trắng là xương cá chiếm gần hết lòng khí quản, cắm ngang hạ thanh môn. Ngay lập tức các bác sỹ đã dùng ống soi và kìm gắp xương cá ra khỏi đường thở của bệnh nhi an toàn. Sau khi soi gắp dị vật, chức năng hô hấp của bé phục hồi tốt.

BS CKI. Trịnh Thanh Hưng (khoa Tai mũi họng) cho biết: "Trường hợp của bé P. nếu không kịp thời phát hiện và tiến hành nội soi gắp dị vật ra sẽ rất nguy hiểm, có thể gây nhiễm trùng nặng và thủng khí quản... Bệnh nhi còn nhỏ, chỉ mới 24 tháng tuổi nên chúng tôi phải thao tác cẩn thận, khéo léo để tránh gây tổn thương cho khí quản của trẻ".

Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khuyến cáo, bệnh viện đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị hóc dị vật như: xương cá, cúc áo, các loại hạt, đồng xu... Nếu dị vật lớn có thể gây tắc đường thở và tử vong. Vì thế, các bậc phụ huynh cần kiểm soát được các vật dụng nhỏ, tránh cho trẻ em cầm đưa vào miệng. Khi cho trẻ nhỏ ăn cũng không nên ép trẻ ăn lúc khóc hay cười vì rất dễ bị sặc.

Bên cạnh đó, trẻ nhỏ chưa hình thành được phản xạ lựa xương khi ăn nên việc chế biến thức ăn cho bé, phụ huynh phải tuyệt đối thận trọng. Trường hợp trẻ bị ho sặc trong lúc ăn cần nghĩ đến khả năng bé đã nuốt phải dị vật. Nếu thấy trẻ có hiện tượng bất thường, phụ huynh cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất, trình bày rõ những yếu tố nguy cơ để trẻ được kiểm tra và can thiệp kịp thời.

Trẻ sặc dị vật có thể gây tử vong nếu cha mẹ cứ cố làm điều nàyTrẻ sặc dị vật có thể gây tử vong nếu cha mẹ cứ cố làm điều này

SKĐS - Bé 18 tháng tuổi hít sặc hạt đậu phộng nhiều ngày dẫn tới tắc nghẽn hoàn toàn phế quản gốc phổi trái, gây ứ khí phổi cần tiến hành nội soi gắp dị vật gấp.

7 thực phẩm chị em cần tránh trong những ngày 'đèn đỏ'



H.Yến - V. Đồng
Ý kiến của bạn