Là cán bộ trẻ, đi làm xa quê, chỉ có 1 mình nhưng Trinh đã mạnh mẽ vượt qua nỗi đau riêng để ngày đêm cống hiến sức lực vào công cuộc phòng chống dịch nói riêng và chữa bệnh cứu người nói chung.
Vượt nỗi đau mất mẹ, nữ điều dưỡng vững vàng chống dịch
Gặp lại Hà Thị Trinh sau gần 1 năm từ ngày Nữ điều dưỡng không thể về chịu tang mẹ do tham gia chống dịch COVID-19. Vẫn cô gái nhỏ bé, ít nói với cặp kính cận và mái tóc ngắn được buộc gọn gàng, lần gặp này, có điều kiện được trò chuyện, chia sẻ nhiều hơn nên chúng tôi hiểu thêm về Trinh.
Thời điểm làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trên diện rộng tại Bắc Ninh hồi đầu tháng 5/2021, mỗi ngày tỉnh ghi nhận hàng trăm ca F0, trong đó nhiều ca là trẻ nhỏ phải nhập viện.
Khi đó, Khoa truyền nhiễm – BVĐK tỉnh Bắc Ninh được phân công là đơn vị tiếp nhận cách ly và điều trị cho bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
BV Sản Nhi Bắc Ninh được yêu cầu cử một kíp cán bộ sang BVĐK tỉnh để điều trị cho các F0 là trẻ em và Trinh là một trong số những đó. "Với suy nghĩ đơn giản là mình công tác tại đơn nguyên truyền nhiễm, lại có sức trẻ, chưa có gia đình nên không vướng bận con cái nên em xung phong vào "tuyến đầu" thôi" - Điều dưỡng Trinh chia sẻ.
Nhưng đúng là có vào "chảo lửa" mới thấy "sức nóng". Cán bộ y tế đều chưa có kinh nghiệm, và vừa làm vừa học, gia đình các bé rất lo lắng khi con mắc bệnh, "thời tiết những ngày giữa hè lúc đó quả thực đến giờ ngồi nghĩ lại em vẫn thấy toát hết mồ hôi bởi cảm giác ướt sũng từ đầu đến chân khi gói mình trong bộ bảo hộ. Phải nói "Ở ĐÂU CŨNG NÓNG", – Trinh kể.
Ngày 9/6, khi đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc các bệnh nhân F0 điều trị tại BVĐK tỉnh, nữ điều dưỡng Hà Thị Trinh nhận được điện thoại báo tin mẹ mất đột ngột tại Hà Nội khi mới ngoài 50 tuổi.
Không kịp nói lời nào, cũng không thể nhìn mặt mẹ lần cuối. Đáng nói, vì dịch bệnh, đang làm vụ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nên Trinh không thể rời khỏi bệnh viện, không thể ra Hà Nội đưa mẹ về nơi yên nghỉ… Bên cạnh nữ điều dưỡng nhỏ bé này chỉ còn những người đồng nghiệp – những cán bộ y tế cũng đang ngày đêm phải chiến đấu với COVID-19, giành giật sự sống cho những bệnh nhân nguy kịch.
Khoảng thời gian mẹ mới mất, Trinh buồn tủi, chông chênh như chiếc lá không có cành để bám víu. Là con thứ 2 trong gia đình bố mẹ chỉ làm nông tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, nên hơn ai hết Trinh hiểu mình cần phải học để thoát ly.
Mẹ là nguồn động viên lớn nhất giúp Trinh chọn và cầm trong tay tấm bằng giỏi của Đại học Điều dưỡng Nam Định. Cũng chính bố mẹ là người động viên và mong muốn cô vào ngành y tế để.
Khi mới bước chân đến Bắc Ninh và vào Bệnh viện Sản Nhi làm việc chỉ có một mình, không người thân, không bạn bè. Những lúc tủi thân khi mới đến làm việc, chính mẹ là người thường xuyên gọi điện và động viên Trinh cố gắng.
Cũng vì mưu sinh nên mẹ Trinh mới lên Hà Nội làm việc để trang trải cuộc sống, hai mẹ con vẫn thường hẹn nhau cùng về nhà mỗi tháng 1 lần để đoàn tụ. Dịch căng thẳng, mẹ cũng là người gọi điện nhắc cô ăn uống, giữ gìn và chú ý bảo vệ bản thân. Trinh bùi ngùi nhớ lại.
Dịch bệnh bùng phát diện rộng, mọi hoạt động di chuyển, tiếp xúc đều bị hạn chế, nhiều lúc Trinh tưởng chừng như mình đã gục ngã. Mỗi lúc như vậy, nhớ lại những ngày còn bé được vui đùa bên mẹ, đến khi lớn lên vẫn được mẹ đồng hành trong từng dấu mốc của năm tháng đã đi qua, lại chứng kiến nhiều em bé trong khu điều trị phải cách ly gia đình, nhất là xa mẹ, nhưng các em vẫn vui vẻ và mạnh mẽ vượt qua…
Trinh lấy đó làm động lực, không thể gục ngã vì còn rất nhiều người, rất nhiều em bé cần cô để chiến đấu với COVID-19 sớm trở về nhà. Vượt lên đau thương, gạt đi những yếu đuối, tủi hờn, Trinh cùng các đồng nghiệp từng ngày, từng giỡ vẫn nỗ lực làm việc hết mình.
Chống giặc COVID - Nữ điều dưỡng cũng trở thành chiến binh
Giống như bao chiến sĩ trên mặt trận chống giặc COVID-19, mọi nỗi niềm riêng của điều dưỡng Hà Thị Trinh đều được nén lại và ưu tiên hàng đầu là sức khỏe của bệnh nhân. Liên tiếp trong năm 2021, BV Sản Nhi nơi Trinh công tác được giao cách ly, điều trị cho các F1; thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho phụ nữ có thai và các đối tượng khác theo chỉ đạo của Sở Y tế.
Và tất nhiên, công việc nào cũng đều có mặt của Trinh. Từ đầu năm 2022, độ bao phủ vaccine đã đạt mức cơ bản, số ca mắc trong cộng đồng tăng cao nhưng tỉ lệ diễn biến nặng là rất thấp. BV Sản Nhi được Sở Y tế Bắc Ninh phân công là tuyến điều trị các F0 là trẻ nhỏ, và tất nhiên về khoa Bệnh Nhiệt đới – Tiêu hóa phụ trách.
Nhân lực của khoa có hạn, thời điểm đông tiếp nhận điều trị cùng lúc lên đến 80 – 90 bệnh nhân nhi/ngày nên khoa phải tổ chức phân ca trực thành 3 ca, 4 kíp. Trinh cho biết, hầu hết trẻ nhỏ nhiễm COVID-19 đều có triệu chứng nhẹ và được chỉ định điều trị tại nhà. Tuy nhiên, những trẻ phải vào viện điều trị đều có bệnh lí nền như tim mạch, hội chứng thận hư, tan máu bẩm sinh… Vì vậy, việc chăm sóc và điều trị cho những trẻ này khó hơn và phức tạp hơn nhiều.
Sức khỏe của trẻ vốn đã yếu, lại thêm bị COVID nên trẻ mệt nhiều hơn, người nhà cũng lo lắng hơn. Cán bộ y tế song song với việc phải dành nhiều thời gian để thăm khám, theo sát diễn biến bất thường của trẻ, cũng cần là người bạn đồng hành và chia sẻ, giải thích cho gia đình trẻ nhiều hơn.
Nói về quãng thời gian qua, dấu ấn sâu sắc với không chỉ riêng Trinh mà có lẽ là của cả khoa Bệnh Nhiệt đới – Tiêu hóa, bởi khi điều trị F0 nhi có nhiều bệnh nền phức tạp, khoa đã phải triển khai thở oxy, thậm chí là thở máy xâm nhập (CPAP) để hỗ trợ cho trẻ.
Bệnh nhân đầu tiên phải thực hiện thở máy ở khoa là một em bé 4 tháng tuổi bị viêm phổi nặng và đang điều trị tại khoa hồi sức tích cực. Là F1 nên bé được chuyển xuống khoa theo dõi, điều trị; được 3 hôm thì tình hình của bé chuyển nặng, phải chỉ định thở CPAP.
Trinh cho biết, mặc dù em và các cán bộ trong khoa đã được đi học tại Bệnh viện Nhi trung ương, được trực tiếp chăm sóc cho những em bé thở máy rồi, nhưng vì đây là bệnh nhân đầu tiên của khoa, em bé lại quá nhỏ và tình trạng suy hô hấp nặng nên mọi người đều rất căng thẳng khi thực hiện.
Đã được thở CPAP, nhưng tình trạng của bé vẫn không cải thiện nhiều, diễn biến nặng lên, xuất hiện ngừng tuần hoàn, có những ngày ngừng tuần hoàn 2, thậm chí là 3 lần. Mỗi lần như vậy, khoa lại được dịp "căng não" khi thực hiện cấp cứu, người ép tim, người thì bóp bóng, chỉ mong đường chỉ số vọt lên.
Tình trạng của bé xấu đến mức cán bộ y tế và gia đình đã có lúc chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất. Thế nhưng, dường như thấu hiểu được những nỗ lực, cố gắng và nghe được những "lời thì thầm" của Trinh và các cán bộ ở đây, bằng sức mạnh phi thường, bé đã vượt qua và cải thiện dần tình hình sức khỏe. Sau 14 ngày điều trị cách ly tại khoa, kết quả xét nghiệm PCR âm tính và bé được chuyển lên khoa hồi sức tiếp tục điều trị.
Giống như chia sẻ của nhiều đồng nghiệp, Trinh là một cô gái ít nói, rụt rè và khá nhút nhát trong giao tiếp. Khi chúng tôi hỏi về tương lai, Trinh chỉ cười và nhẹ nhàng bảo: "Mặc dù công việc có vất vả và cũng có những đặc thù nhất định, tuy chưa có gia đình nhưng hàng ngày tiếp xúc với bệnh nhi mắc bệnh truyền nhiễm, em cũng hiểu và cảm thông rất nhiều với những người mẹ khi con mình không khỏe. Em chỉ mong sao được tiếp tục gắn bó với khoa, với các anh, chị em để tiếp tục làm việc và góp một chút sức lực nhỏ bé giúp trẻ em có một sức khỏe tốt nhất thôi ạ!".
Dù biết, trong cuộc chiến chống kẻ thù "giấu mặt" những ngày qua đã có biết bao tấm gương y bác sỹ đã dũng cảm đã cống hiến hết mình vì sức khỏe nhân dân. Với nữ điều dưỡng Hà Thị Trinh, sự hi sinh, thiệt thòi thầm lặng trên trận tuyến chống giặc COVID – 19, sự nỗ lực vượt qua nỗi đau để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ thơ cũng là điều thật đáng trân trọng.