Cô bé tí hon được nuôi sống đầu tiên đã 5 tuổi
Năm 2010, lần đầu tiên tại Việt Nam, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã nuôi sống thành công cháu bé Bùi Hiền Thục sinh non 25 tuần tuổi và nặng 500g. Trên thế giới, giữ kỷ lục về chăm sóc trẻ sinh non cân nặng nhỏ nhất hiện nay là các bác sĩ người Đức đã nuôi sống em bé Tom Thumb chỉ nặng 275g. Thành công của các y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng chính là điểm mốc ghi nhận công tác chăm sóc trẻ sinh non nước nhà sánh ngang với trình độ của thế giới.
Gặp lại bé Hiền Thục, thật sự, tôi đã ngỡ ngàng. Không còn là hình ảnh em bé nhỏ như chiếc bơm tiêm ngày nào, giờ đây, cô bé tý hon đã tròn 5 tuổi và nặng 25kg. Một cô bé bụ bẫm, xinh xắn, đáng yêu với nước da trắng và thích múa hát. Chị Ngọc (Hải Dương), mẹ cháu cho biết, so với các bạn cùng lớp, Hiền Thục cao và bụ bẫm gần như nhất lớp. Chị Ngọc bắt đầu phải hãm, không dám cho con ăn nhiều vì sợ con “lớn” quá mức.
Sinh nhật bé Hiền Thục tròn 5 tuổi.
Nói về sự phát triển của cháu, với vợ chồng chị Ngọc, đó là một hành trình gian nan vất vả. Anh chị nhắc nhiều tới BS. Nguyễn Thanh Hà - BV Phụ sản Trung ương và BS. Hoa - Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tìm gặp BS. Hà - Trưởng khoa Chăm sóc sinh non và là người trực tiếp điều trị cho bé Hiền Thục từ khi mới sinh tại BV Phụ sản Trung ương, hiện giờ, tuy về nghỉ hưu nhưng trường hợp bé Hiền Thục là một trong những ca đặc biệt khiến bà không quên. Bà vẫn quen gọi cháu bằng cái tên quen thuộc: bé Gái. Bởi đây là tên do các y, bác sĩ trong khoa gọi cháu ban đầu với ý nghĩ, gọi bằng tên dân dã cho dễ nuôi như các cụ xưa kia hay quan niệm.
Bé Bùi Hiền Thục phổng phao, cao hơn nhiều bạn cùng lứa, hiện đã nặng 25kg.
BS. Hà kể lại: “Tôi vẫn nhớ như in cảm giác ngỡ ngàng khi đón bé Gái vào khoa. Tiếp nhận bé từ phòng đẻ về, đọc trước hồ sơ bệnh án nhưng tôi và tập thể bác sĩ, y tá đã có những tiên lượng xấu về trường hợp này. Toàn thân cháu tím đen do xuất huyết dưới da. Nhịp tim và mạch chỉ 120 lần/phút trong khi trẻ sơ sinh để sống được phải đạt 150 lần/phút. Trương lực cơ và phản xạ thì hầu như không có... Nguy hiểm nhất là bộ phận hô hấp của cháu hoạt động rất yếu ớt. Thông thường, những trẻ sinh non phải hít vào thở ra mạnh, người ngoài sẽ nhìn thấy được sự phập phồng của ngực các cháu. Còn cháu Gái thì phản xạ thở quá yếu. Cháu chỉ thở nấc, nghĩa là thỉnh thoảng mới nấc được một tiếng.
Suốt ba tháng điều trị trong khoa là ba tháng quyết đấu với tử thần. Thời gian đầu, cháu thường xuyên có những cơn sốt cao kéo dài không rõ nguyên nhân. Đó là dấu hiệu của nhiễm khuẩn cũng như sự phản ứng lại của cơ thể khi chưa thích ứng được với môi trường bên ngoài. Dù đã 30 năm trong nghề chăm sóc trẻ sinh non nhưng tôi và các y tá không sao cầm nổi nước mắt khi chứng kiến sự vật lộn của cháu. Một tháng đầu, mắt cháu không mở như những trẻ bình thường. Cháu cũng không đại tiểu tiện được mà phải rạch đường nhân tạo để hỗ trợ. Chúng tôi phải bóp bóng theo phương pháp thủ công chứ không dùng máy bởi sức cháu yếu, không thích nghi với thở máy. Đến kíp trực của người nào thì người ấy phải đứng bóp bóng đến đỏ cả tay. Các y tá phải luân phiên nhau bóp bóng. Đã không ít lần, chúng tôi phải gọi điện mời người nhà tới để thông báo tình hình xấu và làm công tác tư tưởng.
Sau khi bé Thục được xuất viện và đưa về nhà nuôi, niềm vui chưa được bao lâu thì 2 tuần sau, bé có những biểu hiện của chứng vàng da nặng. Cả người vàng ươm, nhìn bằng mắt thường cũng thấy và hay quấy khóc. Gia đình quyết định đưa cháu lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Với chị Ngọc, có lẽ đó là quãng thời gian vất vả nhất đối với gia đình trong hành trình nuôi Hiền Thục. Ngày đưa cháu lên viện, dòng người xếp hàng quá dài và con chị thì vẫn non nớt, yếu đuối, mới chỉ 2,5kg như một đứa trẻ sơ sinh. Chính các bác sĩ khám cho cháu ban đầu còn sửng sốt sau khi biết cháu sinh ra chỉ có 500 gam và cũng có thoáng e ngại trước trường hợp này.
Sẽ không bao giờ chị Ngọc quên TS.BS. Nguyễn Phạm Anh Hoa - Trưởng khoa Gan mật BV Nhi Trung ương, người đã nhiệt tình chữa trị cho Hiền Thục và như một lần nữa, sinh ra Thục. Sau khi khám, BS. Hoa kết luận, cháu bị chứng vàng da ứ mật của trẻ sơ sinh. Nếu không điều trị, khả năng tử vong sẽ rất cao. Hơn 2 tháng liền, Hiền Thục tiếp tục nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt của Khoa Gan mật. Chị Ngọc và gia đình lại tiếp tục những ngày tháng cách biệt con, mỗi ngày chỉ được vào thăm con vài phút theo quy định của bệnh viện. BS. Hoa là người theo dõi và điều trị trực tiếp cho Hiền Thục. BS. Hoa cho biết, hồi đó, Hiền Thục là một trong những bệnh nhân nằm điều trị lâu trong khoa. BS. Hoa và khoa hồi đó gọi Hiền Thục bằng cái tên “Lavie” tức là bé như chai nước Lavie.
Trong suốt quãng thời gian từ sau đợt điều trị tới hiện tại, mỗi tháng, gia đình lại đưa Hiền Thục lên Khoa Gan mật - Bệnh viện Nhi Trung ương để kiểm tra định kỳ chức năng gan. Lần nào, BS. Hoa cũng trực tiếp khám cho cháu. Ảnh của Hiền Thục luôn có trong máy BS. Hoa mỗi lần nhắc tới bé, bác Hoa khi nào mắt cũng ngời sáng và cười rạng rỡ.
Cặp song sinh đặc biệt đón sinh nhật 1 tuổi
Câu chuyện kỳ diệu thứ hai là câu chuyện về cặp song sinh một trai, một gái: Thiên Ân và Thiên Bảo, sinh non ở tuần thứ 24 với cân nặng của bé trai Thiên Bảo: 600g (anh), bé gái Thiên Ân (em): 500g. Lần đầu tiên, Việt Nam nuôi sống thành công cặp song sinh trong ống nghiệm có cân nặng thấp và sinh non như vậy.
Câu chuyện với chị Hồ Thị Hải Yến (thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình), mẹ của cặp song sinh toàn xoay quanh việc ăn, uống, ngủ,... những chuyện không đầu không cuối nhưng giọng nói nhiều tiếng cười và gương mặt rạng rỡ của chị khiến ai cũng cảm nhận được, chị đang hạnh phúc. Lễ sinh nhật cũng là Lễ thôi nôi hai cháu vào ngày 5/12 vừa qua là một trong những dấu mốc quan trọng đối với cả gia đình chị.
BS. Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sinh non BV Phụ sản Trung ương tái khám hằng tháng cho cặp song sinh ở tuần thứ 24.
TTƯT, BS nhi khoa Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sinh non Bệnh viện Phụ sản Trung ương đồng thời là người điều trị, theo dõi trực tiếp cho cặp song sinh này suốt từ khi sinh ra cho biết, mỗi tháng 1 lần, gia đình vẫn đưa hai bé tới viện khám sức khỏe định kỳ theo chỉ định của bệnh viện. Tròn một tuổi, mỗi bé nặng 8kg, cao 70cm, có 5 răng và biết ngồi. Các kết quả kiểm tra thính lực, thị lực đều bình thường, thần kinh bình thường.
Đánh giá về tốc độ tăng trưởng của cặp song sinh, BS. Lợi cho biết, tuy cặp song sinh này sinh non ở tuần thứ 24 (tương đương với 6 tháng tuổi thai) tức là bị sinh sớm trước 4 tháng nhưng những chỉ số phát triển hoàn toàn bình thường. Điều đáng ngại nhất đối với những ca sinh non là bệnh lý não úng thủy nhưng tới hiện tại đã khẳng định chắc chắn, cặp song sinh này hoàn toàn bình thường.
Cặp song sinh khi mới chào đời nặng 500g và 600g.
Cặp song sinh 500g khi 12 tháng tuổi
Bố mẹ cùng Thiên Ân, Thiên Bảo trong Lễ sinh nhật tròn một tuổi tháng 12/2015
Với chị Yến, hai đứa con đúng là lộc trời cho. Tất cả như một giấc mơ quá sức tưởng tượng và mong đợi. Vợ chồng chị tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm và được kết quả là hai cháu Thiên Ân, Thiên Bảo. Tuy nhiên, chỉ mới mang thai tới tuần thứ 24 thì chị sinh non. Khi chuyện xảy ra, thực lòng, vợ chồng chị đã chuẩn bị sẵn tinh thần nghĩ tới điều xấu nhất. Vậy mà không ngờ, điều kỳ diệu đã tới.
Trong lời kể không giấu được niềm vui, chị Yến cho biết, hai bé ăn rất tốt, đêm ngủ ngoan và trộm vía cũng không nóng sốt khi mọc răng. Ba chiếc răng cứ lặng lẽ mọc, tới khi mẹ sờ thấy mới biết hai con đã có răng. Là một chiến sĩ cảnh sát nên công việc của chị cũng khá bận rộn, chồng chị, anh Hà lại thường xuyên đi công tác xa tại Hải Phòng nên việc chăm sóc các cháu phải nhờ tới bác và bà ngoại của các cháu. Từ sau khi sinh, bà ngoại ở cách nhà chị vài km nhưng đã tới ở luôn để tiện làm bảo mẫu chăm sóc hai cháu 24/24h. Thấy hai con phát triển như các trẻ bình thường, đã biết theo, biết hóng chuyện sớm, chị Yến vui lắm.
Mùa xuân đã về reo vui trong tiết trời se lạnh và trong lòng của gia đình các em bé tý hon đặc biệt. Ngoài kia, không khí Tết rộn ràng, hối hả và bên trong những căn phòng của Khoa Chăm sóc sinh non Bệnh viện Phụ sản Trung ương, những người thầy thuốc vẫn miệt mài chăm chút từng mầm non sự sống để mang lại mùa xuân cho nhiều gia đình.