Gặp lại người được ghép tim

24-11-2014 00:19 | Y học 360
google news

SKĐS - Gặp lại Trần Mậu Đức - người được ghép tim từ người cho chết não hơn 3 năm về trước (tháng 3/2011), tôi không khỏi bồi hồi.

Gặp lại Trần Mậu Đức - người được ghép tim từ người cho chết não hơn 3 năm về trước (tháng 3/2011), tôi không khỏi bồi hồi. Lần này, tôi cũng gặp Đức tại Bệnh viện Trung ương Huế nhưng không phải là bệnh nhân với trái tim yếu ớt đang nằm chờ ghép tim mà đang làm việc giữ xe cho cán bộ công chức bệnh viện.

Nhìn Đức khỏe mạnh dắt những chiếc xe máy để đúng vị trí, tôi hết sức ngỡ ngàng. 3 năm trước, Đức bị suy tim giai đoạn cuối, cơ thể yếu ớt, chỉ một sơ suất nhỏ trong sinh hoạt cũng có thể bị tử vong, được bệnh viện chăm sóc ở phòng đặc biệt để chờ ghép tim. Nếu không có tim thay thế thì nhịp đập trái tim của Đức chỉ kéo dài thêm được 3 tháng!

​Anh Đức cùng gia đình. Ảnh: Võ Nhân

Kể chuyện của mình trong 3 năm qua, từ ngày ghép tim thành công đến nay, tôi nghe mà cứ nghĩ như chuyện của người nào đó có sức khỏe rất tốt chứ không phải chuyện của Đức. Thường sau ghép tim, bất cứ độ tuổi nào sức khỏe bệnh nhân cũng bị yếu đi do nhiều nguyên nhân: đau đớn trong quá trình phát bệnh, mất máu trong lúc phẫu thuật thay tim… rất khó phục hồi. Vậy mà Đức vẫn khỏe. Sau ghép tim, bệnh nhân phải có môi trường sống đảm bảo vệ sinh để chống nhiễm trùng, không được lao động nặng, ảnh hưởng sức khỏe; Có chế độ bồi dưỡng đặc biệt. Chỉ kiêng cữ trong vài tháng đầu khi ra viện. Thế mà ngày nào Đức cũng thức dậy từ 3 - 4 giờ sáng đến chợ đầu mối cách nhà 5km để lấy rau về cùng vợ bán ở chợ. Một thời gian thấy nghề bán rau có thu nhập thấp, Đức lại chuyển sang nghề khác. Đức đi bán kẹo cao su dạo ở các vùng quê. Nhưng nắng, nóng, bụi bặm và mưa dầm đã thay nhau bào mòn sức khỏe, rồi tiền xăng tốn kém. Một lần nữa, đêm nằm ngủ Đức lại vắt tay lên trán. Là trụ cột trong gia đình, làm sao để có thêm kinh phí, giảm bớt gánh nặng cho vợ? Thế rồi, Đức xin làm bốc vác cho một đại lý sữa ở TP. Huế. “Ban đầu, em chỉ vác hàng nhẹ cân. Sau đó, em vác nặng hơn, đi băng băng, không thấy mệt. Em cũng ngạc nhiên không hiểu sao mình lại khỏe hơn cả người bình thường. Có lẽ người cho em tim đã có một trái tim rất khỏe, đã giúp em vượt qua được những khó khăn thường ngày trong cuộc sống”, Đức nói.

- Còn chuyện làm việc ở Bệnh viện Trung ương Huế? Tôi hỏi. “Đây là việc nhân nghĩa! Công việc bốc vác không phù hợp với sức khỏe của em về lâu dài. Thực ra, em cũng muốn xin vào bệnh viện khi em mới ra viện, vì suốt quá trình điều trị ở đó, em đã thân thiết với Giám đốc là GS.TS.BS. Bùi Đức Phú - người đã trực tiếp ghép tim và thường xuyên thăm khám cho em. Nhưng rồi em nghĩ bệnh viện đã cưu mang, cho em sự sống, giờ mình không nên làm phiền. Dù mỗi lần đến tái khám, em lại ước ao được vào làm việc ở đó. Thế rồi, có một ngày may mắn. Một sinh viên y khoa đã đến nhà em làm việc, tìm hiểu về thành tựu kỹ thuật cao của bệnh viện, trong đó có ca ghép tim cho em. Khi biết người đó là con trai của GS.TS. Bùi Đức Phú, em nhờ anh ấy đề đạt nguyện vọng của mình. Vậy là chỉ vài ngày sau, em được Bệnh viện Trung ương Huế gọi đi làm. Đến nhận việc, em vẫn cảm thấy mình như đang trong mơ. Em biết, xã hội có nhiều người có điều kiện tốt hơn em vẫn rất khó xin việc làm. Giờ em chỉ biết làm tốt công việc để không phụ lòng những người đã cưu mang em”, Đức nói.

Điều bất ngờ với mọi người và kỳ diệu với gia đình Đức là sau khi ghép tim trở về, Đức đã có thêm một bé gái!

Đinh Hoàng - Xuân Hồng


Ý kiến của bạn