Ngày 12/12/2015, được tin TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp (một trong số người trẻ vừa được nhà nước phong hàm PGS vào tháng 1/2015) trở thành Phó hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch TP.HCM ở tuổi 39, tôi liền gọi điện chúc mừng anh. Bởi 10 năm trước, tôi đã thực sự ngưỡng mộ bác sĩ trẻ có luận án tiến sĩ được hội đồng giám khảo Đại học Y Bordeaux (Pháp) đánh giá xuất sắc và trở thành tiến sĩ y khoa trẻ nhất VN tốt nghiệp tại Pháp ở tuổi 29 (12/2005). Có lẽ, ít ai biết rằng với BS. Hiệp cả một quá trình nỗ lực học tập không ngừng là để… báo hiếu! Mỗi một thành công, anh coi như món quà cho đấng sinh thành.
Cha tôi
Trời Sài Gòn sắp vào xuân. Những cơn gió dịu hờ hững làm nhẹ lòng người, nhưng khi nhắc đến ba mình, PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp kể: “Ấn tượng nhất lưu lại ký ức thời thơ ấu là gia đình rất cực khổ. Nhà ở quận 3, ba Hiệp thì công tác ở Hóc Môn, mỗi ngày phải đi về bằng xe đạp nên cả nhà chuyển về Hóc Môn để ba tiện đi làm. Hiệp nhớ khi chuyển nhà trên chiếc xe tải nhỏ còn có cả chú heo con. Ba dựng căn nhà tạm, làm chuồng heo ở kế bên. Năm học lớp 5, lớp 6 Hiệp đã nhận “nhiệm vụ” xắt chuối cho heo ăn, đi xếp hàng lãnh gạo, lãnh nhu yếu phẩm theo tem phiếu cho mẹ… Mẹ là giáo viên tiểu học,với chiếc xe đạp cũ, mẹ chở Hiệp đi học vẽ, học đàn rất cực. Có lẽ vì vậy mà Hiệp theo nghề giảng dạy”!
Khi nhắc về người cha mất ở tuổi 59 (năm 2011) vì ung thư gan, giọng anh nghẹn lại. Đã 4 năm, hình ảnh người cha vẫn không thể nguôi ngoai. Hồi còn nhỏ, nhà nghèo, ba sắm được chiếc xe honda 67, chở Hiệp ngồi trên bình xăng phía trước, phía sau là thùng thuốc tây mua về cho cửa hàng dược của mẹ bán. Cứ thế, Hiệp tíu tít khoe với ba mỗi khi được điểm cao. Từ năm lớp 2 đến 12, Hiệp luôn đứng nhất lớp, rồi thi đậu cùng lúc ba trường đại học…
Cả cuộc đời ba không nề hà gian khổ, luôn tận tụy, hy sinh tất cả. Ba tằn tiện từng li từng tí để lo cho các con. Thương ba mẹ quá cực khổ nên tự nhủ phải học thật tốt, học thật giỏi vì chữ hiếu, những thành quả đạt được sẽ là món quà để đáp đền tấm lòng của ba mẹ. Nhưng - Hiệp trầm tư - đôi lúc nhìn lại thấy hối tiếc vì cuộc đời đưa đẩy để mình không gần được người thân, không có nhiều thời gian bên ba. Chỉ nghĩ học thật giỏi để báo hiếu, có học bổng là lên đường, rồi lao vào công tác, lập gia đình… Ba bị ung thư gan, khi phát hiện đã giai đoạn cuối, đưa sang Bỉ chữa trị, về được một năm thì mất. Ba sống rất giản dị, cuối đời còn sợ các con cực, không muốn mọi người phải lo…
Ba không đi kiểm tra sức khỏe vì ngại mất thời gian của con. Nên bây giờ, Hiệp càng quyết tâm theo định hướng y học gia đình để phòng bệnh cho nhiều người.
Con đường đã chọn
Năm 1994, Hiệp đậu cả 3 trường đại học: đậu thủ khoa vào khoa địa chất Đại học Tổng hợp, có học bổng đi Úc; thi ĐH Y dược thì đủ điểm đậu ngành dược nên mẹ khuyên Hiệp hãy theo nghề mẹ, để “cắm” nhà thuốc sẵn có, nhưng do thích ngành y nên quyết định vào Trung tâm Đào tạo & Bồi dưỡng cán bộ y tế. Hồi đó, mẹ bị người ta cười - vì con học trường “Tề thiên Đại Thánh” (chế từ các chữ cái của Trung tâm Đào tạo). Mẹ nói con phải vô hỏi sau 6 năm bằng ra sao. Tôi vô gặp thầy Trang Vĩnh Thuận, thầy cho coi bằng thấy “bác sĩ đa khoa” nên gia đình yên tâm, chứ nếu không thì phải luyện thi lại.
Cuối năm học Y 1, được chọn học bổng 3 tháng ở Pháp. 19 tuổi, sang Pháp, Hiệp bị “hớp hồn” trước một nền văn minh, nên quyết tâm sau này ra trường phải quay lại Pháp. Cuối năm tốt nghiệp (năm 2000), anh đậu thủ khoa của khối học tiếng Pháp (năm 1994 là khóa đầu tiên trường ký hợp tác với Pháp đào tạo y khoa Pháp ngữ). Sang Pháp, xác định rõ là rất muốn làm giảng viên đại học để sau này đào tạo sinh viên y và nhận được học bổng Đại học Bordeaux, rồi học bổng Đại sứ quán Pháp. Năm 2005, anh về trường làm giảng viên của trường, tham gia là bác sĩ điều trị ở khoa thận BV. Nhân Dân 115.
Khi làm chuyên môn khám ở bệnh viện, thấy sao cứ quá tải, gặp bệnh nhân mấy phút thì y tá hối để cho bệnh nhân khác vô. Có cách nào để giải quyết tình trạng quá tải này? Và rất may khi gặp BS. Didier Giet - Trưởng khoa BS Gia đình của Đại học Liège Vương Quốc Bỉ, sang nói chuyện trong một hội thảo tại Trung tâm Đào tạo, Hiệp xin học bổng làm nghiên cứu sinh về y học gia đình ở Bỉ. Đã có tiến sĩ y khoa ở Pháp, lại xin học 3 năm y học gia đình ở Bỉ người ta nói mình “khùng”, nhưng sau đó xin được một dự án của Chính phủ Bỉ tài trợ cho trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch để phát triển trường đại học - mà trong đó có phát triển y học gia đình.
Để bổ sung kiến thức về lĩnh vực này, từ năm 2009 - 2011, TS.BS. Thanh Hiệp lại đi học và lấy bằng chuyên khoa 1 bác sĩ gia đình tại Đại học Y dược TP. HCM. Anh nói đó là một quá trình học rất đam mê. Đam mê từ nghiên đến giảng dạy và hiện có rất nhiều mơ ước để làm.
Bước vào nhiệm vụ mới, TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp với đầy ắp hoài bão: thế hệ sau này sẽ ngày càng giỏi hơn, đạt đẳng cấp quốc tế, hòa nhập quốc tế. Chương trình y 6 năm Pháp văn Y khoa (giảng dạy bằng tiếng Pháp) hiện vẫn duy trì để sau khi ra trường các bác sĩ trẻ của trường có trình độ nghiên cứu. Sắp tới sẽ xây dựng một chương trình Anh văn Y khoa. Việc triển khai mạng lưới bác sĩ gia đình tại TP.HCM dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã dần hình thành rõ nét và được sự ủng hộ tích cực từ Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM. Tại các nước có hệ thống bác sĩ gia đình hoàn chỉnh đã mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe người dân, Cuba là một điển hình. Ngân hàng Thế giới đã tổng kết qua thực tiễn 50 năm cho thấy: đầu tư cho bác sĩ gia đình sẽ giảm tỉ lệ tử vong từ 3 - 5%, do phòng bệnh tốt, số bị các bệnh chuyên khoa giảm và số ca bệnh nặng cũng ít đi.
PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp còn có một ước mơ nữa: thành lập Hội cựu sinh viên để đánh giá sự thành đạt và thành quả đào tạo của trường. Bởi các thế hệ bác sĩ tốt nghiệp từ Trung tâm Đào tạo & Bồi dưỡng cán bộ y tế ngày nào (nay đổi tên là Đại học Y Phạm Ngọc Thạch) nhiều người có chuyên môn tốt, là phó giám đốc, là trưởng, phó khoa của nhiều bệnh viện trong thành phố.