Mới đây, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã ban hành Quyết định số 80/QĐ-HĐGSNN công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023. Theo đó, GS.TS. Trần Vân Khánh (Trưởng Bộ môn Bệnh học phân tử, Khoa Kỹ thuật Y học; Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen-Protein, Trường Đại học Y Hà Nội) đã được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh Giáo sư ngành Y học. Đồng thời, GS.TS. Trần Vân Khánh cũng là giáo sư nữ duy nhất của ngành Y được công nhận trong năm nay.
Nhân dịp này, phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trò chuyện cùng GS.TS. Trần Vân Khánh về hành trình học tập, nghiên cứu và giảng dạy nhiều năm liền của mình.
- Chúc mừng GS.TS. Trần Vân Khánh! Cảm xúc của bà thế nào khi là một trong 12 nhà khoa học nữ đạt chuẩn chức danh giáo sư và là nữ giáo sư duy nhất của ngành Y được phong hàm giáo sư năm nay?
GS.TS. Trần Vân Khánh: Thực sự là tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì những cố gắng của mình đã được Hội đồng Giáo sư các cấp ghi nhận. Có thể nói đây là một cột mốc quan trọng để tôi tiếp tục phấn đấu trên con đường giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ người bệnh.
- Bà có thể chia sẻ ngắn về hành trình học tập và chọn nghề của mình, đâu là bước ngoặt để tạo thành công cho bà như ngày hôm nay?
GS.TS. Trần Vân Khánh: Tôi bước chân vào lĩnh vực bệnh lý phân tử và bệnh di truyền từ cách đây hơn 20 năm, lúc đó còn nhiều khó khăn vì đây là lĩnh vực rất mới ở Việt Nam, cơ sở vật chất trang thiết bị rất thiếu thốn, đội ngũ nhân lực chưa được đào tạo chuyên sâu và bài bản. Bước ngoặt đến với tôi khi tôi có cơ hội sang Nhật Bản làm tiến sĩ. Trong thời gian 6 năm học tập và nghiên cứu chuyên sâu về các bệnh lý này tại Nhật Bản là khoảng thời gian giúp tôi trưởng thành nhất nhưng cũng là khoảng thời gian khó khăn và vất vả nhất đối với tôi.
Khi trở về Việt Nam, tôi công tác tại Trường Đại học Y Hà Nội, ngôi trường có bề dày truyền thống lịch sử và là trường đại học Y khoa hàng đầu ở Việt Nam, nơi có nhiều chuyên gia giỏi trên nhiều lĩnh vực của Y học để hợp tác và tiếp tục phát triển chuyên môn của mình. Hơn nữa, Ban Giám hiệu nhà trường cũng rất quan tâm đầu tư để phát triển nghiên cứu khoa học, trong đó có các hướng nghiên cứu về lĩnh vực bệnh học phân tử và bệnh di truyền mà tôi đã được đào tạo trong thời gian làm tiến sĩ ở Nhật Bản. Tôi cùng với đồng nghiệp thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu, ứng dụng về các bệnh lý phân tử và di truyền, lần lượt triển khai các kỹ thuật từ cơ bản, nâng cao đến các kỹ thuật tiên tiến cập nhật nhất. Cơ sở dữ liệu của nhiều bệnh lý phân tử và di truyền ở các bệnh nhân Việt Nam đã được xác định.
Bên cạnh đó, cùng với các đồng nghiệp của mình, chúng tôi thực hiện việc quản lý bệnh nhân, người mang gen gây bệnh, tư vấn di truyền, chẩn đoán trước sinh, chẩn đoán tiền làm tổ giúp nhiều gia đình sinh ra những em bé khỏe mạnh, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh di truyền trong cộng đồng. Điều này thực sự ý nghĩa không chỉ cho các bác sĩ mà cho cả các gia đình người bệnh.
- Với các giảng viên - nhà khoa học nữ, để đạt được học hàm cao quý này là một hành trình nỗ lực cả trong khoa học và cuộc sống. Bà có gặp khó khăn gì trong nghiên cứu khoa học và có thể chia sẻ một vài câu chuyện ấn tượng tới độc giả báo Sức khỏe và Đời sống về nghiên cứu khoa học của mình?
GS.TS. Trần Vân Khánh: Làm nghiên cứu khoa học đã vất vả rồi, nhưng phụ nữ làm nghiên cứu khoa học còn vất vả hơn. Cái khó khăn nhất của tôi cũng như của các nhà khoa học nữ nói chung là làm thế nào để cân đối giữa công việc nghiên cứu và chăm sóc gia đình. Cũng rất may đến thời điểm này tôi đã có một sự nghiệp khá thành công và một gia đình hạnh phúc. Để có được điều này ngoài sự nỗ lực không ngừng của bản thân, tôi đã nhận được sự giúp đỡ và ủng hộ rất nhiều từ gia đình, thầy cô, bạn bè và đồng nghiệp, tôi trân trọng những gì mình có được và cảm ơn tất cả mọi người đã luôn đồng hành và ủng hộ tôi trong suốt thời gian qua.
- Một ngày của bà như thế nào khi vừa làm quản lý, làm nghiên cứu, lại vừa đi giảng dạy cho sinh viên?
GS.TS. Trần Vân Khánh: Một ngày làm việc của tôi thường khá bận rộn với việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, tôi cảm thấy vui khi được làm các công việc mà mình đam mê và yêu thích. Chúng tôi thấy rất vui khi các kết quả nghiên cứu của mình được ứng dụng trực tiếp cho người bệnh, các kiến thức mới về lĩnh vực bệnh học phân tử cũng được truyền đạt cho các em sinh viên, học viên sau đại học.
Cho đến nay chúng tôi đã đào tạo được nhiều chuyên gia về lĩnh vực bệnh học phân tử, sau khi tốt nghiệp, các em đã về đơn vị phát huy năng lực chuyên môn đã được đào tạo trong thời gian làm khóa luận, luận văn, luận án tốt nghiệp. Nhiều cán bộ đã giữ những trọng trách quản lý chuyên môn quan trọng: Trưởng khoa/phòng xét nghiệm tại các bệnh viện lớn Trung ương hoặc tuyến tỉnh hay trường đại học. Các cán bộ này đã triển khai các kỹ thuật sinh học phân tử chuyên sâu học được trong quá trình đào tạo để ứng dụng phục vụ bệnh nhân và nghiên cứu khoa học.
- Sau khi được công nhận đạt chuẩn chức danh Giáo sư ngành Y học, dự định của bà trong năm 2024 và các năm tiếp theo là gì?
GS.TS. Trần Vân Khánh: Từ thực tế trong quá trình triển khai nghiên cứu, ứng dụng về các bệnh lý phân tử, bệnh di truyền trong những năm qua, mục tiêu lớn nhất của tôi là cập nhật những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực này trên thế giới, tiếp tục phát triển để phục vụ cho người dân Việt Nam. Đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng liệu pháp điều trị gen cho các bệnh lý di truyền. Đây có thể coi là phương pháp có rất nhiều triển vọng để can thiệp và sửa chữa hiệu quả các tổn thương gen, giải quyết những vấn đề cốt lõi gây ra các bệnh lý di truyền.
Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống, phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực bệnh lý phân tử, bệnh di truyền cũng là mục tiêu rất quan trọng để chúng ta có thể phát triển bền vững phục vụ lâu dài cho chiến lược chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số cho người dân Việt Nam.
- Một câu hỏi cuối dành cho tân giáo sư: Bà có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đang theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học?
GS.TS. Trần Vân Khánh: Nghiên cứu khoa học là con đường đầy chông gai và vất vả, tuy nhiên nếu các em có khát vọng, có ý chí vươn lên, có niềm đam mê với công việc và cảm thấy công việc của mình làm thực sự có ý nghĩa cho cộng đồng thì chắc chắn sẽ đi đến thành công.
- Xin cảm ơn GS.TS. Trần Vân Khánh. Chúc Bà luôn mạnh khỏe và có nhiều công trình nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn!
Với nghiên cứu đột phá về liệu pháp điều trị gen bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne, các nghiên cứu về bệnh lý di truyền, GS.TS. Trần Vân Khánh đã vinh dự được nhận giải thưởng L'Oréal-UNESCO dành cho nhà khoa học trẻ có công trình nghiên cứu xuất sắc (năm 2011); Giải thưởng Kovalevskaia về thành tựu nghiên cứu Bệnh lý di truyền (năm 2017) dành cho nữ khoa học có thành tích xuất sắc cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ Y tế.