Những ngày vừa qua, người dân huyện Núi Thành và TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam bàn tán xôn xao về câu chuyện của một người dân ở xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành có nguyện vọng hiến xác cho Trường Đại học Y Dược Huế. Đó là ông Nguyễn Tấn Được (SN 1956, thôn An Đông, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, Quảng Nam).
Sáng ngày 21/1, tôi chạy ngược vào xã Tam Xuân 2 để hỏi đến nhà ông Được. Đến đầu xã, tôi hỏi đường thì nhiều người dân nơi đây cho biết, hiện ông đang sống với vợ cùng con trai ở thôn Đông Hải, xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành. Tôi lên xe đến xã Tam Anh Bắc hỏi thăm, lúc đến nhà thì ông đi bỏ mì cho khách chưa về, ngồi chờ khoảng nửa tiếng thì thấy ông Được về, tôi dặm hỏi câu chuyện mà bấy lâu nay người dân huyện Núi Thành bàn tán về ông.
Ông Nguyễn Tấn Được - người có tâm nguyện hiến xác cho Trường Đại học Y Dược. |
Ông Nguyễn Tấn Được tâm sự: “Nếu cho tôi được nghĩ lại để quyết định thì tôi vẫn giữ nguyên ý nguyện là muốn được hiến xác cho y học. Từ khi ý nguyện xin được hiến xác cho y học của tôi được Trường Đại học Y Dược Huế chấp thuận, tôi thấy cuộc đời mình sống có ý nghĩa hơn”. Ông kể, sau khi rời quân ngũ, năm 1981, ông thi vào Khoa Sư phạm Sinh trường Đại học Quy Nhơn, học được 1 năm thì căn bệnh viêm hoàng điểm của ông tái phát, thế là ông đành phải dang dở việc học. Trong khi đó, một phần cũng do điều kiện quá khó khăn, ông khăn gói về lại quê chữa trị. Ông quyết định ở lại quê hương nơi ông sinh ra và lớn lên lập nghiệp. Năm 1984, ông mới lấy vợ và sinh con.
Hớp miếng nước chè nóng, ông kể tiếp: Tình cờ năm 2003, tôi đọc được cuốn Tạp chí Y học Việt Nam trong đó có đề cập việc con người hiến xác sau khi chết, tạo điều kiện cho các sinh viên ngành y dược có tiêu bản người thật để học tập, nghiên cứu… Điều đó làm tôi nhớ lại những năm tháng khoác áo sinh viên. Khi đó, chúng tôi cũng rất cần các tiêu bản về giống cây, con vật để học tập, quan sát nên tự dưng trong tôi thoáng xuất hiện ý định sẽ hiến xác cho y học. Sau thời gian dài suy nghĩ, tôi đã đi đến quyết định viết lá thư bày tỏ ý nguyện xin được hiến xác gửi đến Trường Đại học Y Dược Huế và đã được trường chấp thuận vào ngày 6/12/2007”.
Thẻ hiến xác mà Trường Đại học Y Dược cấp cho ông Được khi ông tự nguyện hiến xác của mình. |
Tâm nguyện của ông là mong được hiến xác cho y học sau khi chết mà không muốn những người quen biết. Ông sợ họ không hiểu tâm nguyện của ông bởi đó là tâm nguyện chỉ có một không hai ở xứ Quảng Nam này. Chúng tôi đến nhà ông tìm hiểu thì có một số người dân xung quanh thì thầm chuyện của ông, họ nói: “Vì đời ai dại gì mà đi hiến thân xác của mình cho người khác muốn làm gì thì làm”. Cho dù người dân bàn tán như thế nào nhưng ông Được vẫn quyết thực hiện tâm nguyện của mình.
Vào năm 2005, sau khi nhận được bức thư bày tỏ ý nguyện xin được hiến xác cho y học sau khi chết, Trường Đại học Y Dược Huế đã có hướng dẫn cho ông Nguyễn Tấn Được làm các thủ tục hiến xác theo quy định như: địa chỉ cụ thể về nhân thân, xác nhận của địa phương về ý nguyện hiến xác là có thật; kèm theo đó là ý kiến đồng ý của gia đình... Sau khi gia đình ông chấp nhận ước nguyện của ông, cùng lúc này Trường Đại học Y Dược Huế đã cấp thẻ hiến xác cho ông Nguyễn Tấn Được.
Theo đó, sau khi qua đời, Bộ môn giải phẫu của Trường Đại học Y Dược Huế sẽ tiếp nhận thân xác của ông Nguyễn Tấn Được để phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu.
Ông Được bày tỏ tâm nguyện của mình với tác giả bài báo. |
Khi tôi đề cập đến vấn đề về chuyện của ông tự nguyện hiến xác cho Trường Đại học Y Dược Huế thì người nhà, bà con ông có cản trở hay không? Ông Được ngẫm một hồi rồi dứt khoát: “Tôi rất tỉnh táo khi viết thư bày tỏ ý nguyện xin được hiến xác cho y học sau khi qua đời. Tôi mong sau khi từ giã cõi đời này sẽ làm được điều gì đó có ích cho xã hội. Tôi cũng đã suy nghĩ, trăn trở rất nhiều để đi đến quyết định này”. Vợ và các con đều góp ý, bảo tôi phải suy nghĩ cho kỹ vì đây không phải là chuyện đùa. Tôi cũng đã phân tích cặn kẽ nên gia đình đều ủng hộ”.
Con trai đầu của ông Được - anh Nguyễn Tấn Nhân (29 tuổi) cho hay: “Đây là ý nguyện của cha nên gia đình đều ủng hộ hết lòng, ngày trước cha cũng đã học sư phạm nên cũng hiểu về các trường đại học y dược họ cần gì và sinh viên cần gì”.
Chia tay ông Được cùng gia đình, tôi thầm nghĩ đó là một ý tưởng và tâm nguyện cao cả của một con người. Tôi tin rằng ngoài ông Được ra cũng còn rất nhiều người dân mong muốn tự nguyện hiến xác như ông Được. Sự cống hiến và hy sinh của họ cho việc nghiên cứu khoa học tuy âm thầm, lặng lẽ nhưng trong mỗi trái tim của người dân chúng ta, họ vẫn mãi bất tử. Chúng ta sẽ mãi mãi tri ân nghĩa cử cao đẹp này.
Bài và ảnh: Trương Hồng Phong