Để phòng bệnh, cần thiết kế những “thành lũy” kiên cố, bền bỉ và cũng không kém phần linh hoạt. Bàn về những “thành lũy” này, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TS.BS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, người có nhiều thời gian cọ xát với dịch bệnh cả trên cương vị lãnh đạo lẫn nghiên cứu và trực tiếp tham gia phòng chống.
“Thành lũy” y tế dự phòng
- Thưa PGS.TS. Phan Trọng Lân, ông có thể đánh giá tình hình dịch bệnh trong một vài năm gần đây có xu hướng như thế nào? Phải chăng nó có vẻ đang phức tạp hóa lên, như việc nhiều dịch bệnh bùng phát, “dịch chồng dịch”, rồi mối nguy dịch bệnh ngoại lai kiểu Ebola, dịch hạch đang rình rập?
* Trong những năm gần đây, điều kiện sinh thái của môi trường cũng bị tác động nhiều bởi tốc độ phát triển, thay đổi mô hình kinh tế xã hội trên toàn thế giới, đã gây ảnh hưởng đến mô hình bệnh tật trên người và động vật.Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 70% các bệnh mới nổi, tái nổi có nguồn gốc từ động vật, đây là một thách thức mới đối với ngành y tế và cộng đồng. Trong điều kiện kinh tế xã hội, giao thương, du lịch rộng rãi khắp nơi trên thế giới như hiện nay, việc lây lan các bệnh truyền nhiễm từ nơi này sang nơi khác là rất dễ dàng và nhanh chóng.
Như chúng ta đã biết, bệnh viêm đường hô hấp cấp do Coronavirus ở Trung Đông xuất hiện từ 2012 đến nay vẫn tiếp tục ghi nhận các ca mới ở các nước ngoài Trung Đông. Dịch Ebola bùng phát mạnh ở 3 nước Tây Phi từ tháng 3/2013 đến nay đã làm khoảng 19.000 người mắc với hơn 6.400 ca tử vong là nỗi kinh hoàng cho toàn nhân loại. Thêm vào đó, bệnh dịch hạch xuất hiện ở Madagascar - châu Phi trong tháng 8 năm 2014 cũng là một vấn đề y tế mà cộng đồng rất quan tâm. Bệnh do virút cúm gia cầm xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới từ 2003 với chủng cúm A (H5N1) thì nay có thêm các chủng mới như: H7N9, H5N6, H5N2, H6N1, H10N8…
Việt Nam nói chung và khu vực miền Nam nói riêng bệnh truyền nhiễm cũng có diễn biến khó lường.Theo thống kê báo cáo số liệu bệnh truyền nhiễm trong 10 tháng 2014 tại khu vực phía Nam có 8/27 bệnh có số ca mắc tăng so với cùng kỳ 2013, trong đó nhóm bệnh hô hấp (sởi, rubella, thủy đậu, ho gà, não mô cầu) và bệnh tay chân miệng có số mắc tăng đáng chú ý hơn cả. Bên cạnh đó một số bệnh giảm đáng kể như: sốt xuất huyết (giảm 36%), tiêu chảy (21%), thương hàn (12%). Đây là các bệnh lưu hành nhiều năm tại khu vực phía Nam.
Như vậy, có thể ở một thời điểm trong năm số mắc nhiều của một vài bệnh lưu hành trong nước xảy ra đồng thời nguy cơ xâm nhập các bệnh từ các quốc gia khác vào Việt Nam có thể gây quá tải cho ngành y tế, cả hệ dự phòng và điều trị.
- Điều này đang khiến các thầy thuốc hệ y tế dự phòng đang phải gồng mình lên chống dịch và luôn cảnh giác, luôn sẵn sàng để đối phó với dịch bệnh?
* Khi dịch mới chỉ bùng phát ở đâu đó trên thế giới là ở Việt Nam đã có sự cảnh giác và đề phòng, xây dựng kế hoạch giám sát, phòng chống dịch chủ động. Việc Bộ Y tế ra văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch hạch và xây dựng kế hoạch phòng chống là một ví dụ cụ thể gần đây nhất, khi mà bệnh dịch hạch xuất hiện ở Madagascar - châu Phi trong tháng 8/2014.
Khi mà có nhiều dịch cùng bùng phát tại một thời điểm, tại một địa phương thì sự huy động toàn lực của cán bộ y tế dự phòng là việc cần thiết, nhất là khi cán bộ y tế dự phòng còn thiếu ở hầu hết các đơn vị. Bên cạnh đó, phòng chống dịch còn cần có sự tham gia của cả cộng đồng và phối hợp các ban ngành khác, trong đó có giới truyền thông, báo chí.
- Để phòng chống dịch được tốt, nhiều người cho rằng, điều đầu tiên là nâng cao vai trò của hệ y tế dự phòng. Theo ông, hiện hệ y tế dự phòng đã được coi trọng một cách thích đáng chưa?
* Tại Việt Nam mạng lưới hệ thống y tế dự phòng từ trung ương đến địa phương được thành lập và hoạt động có hệ thống từ nhiều năm nay. Sự phối hợp giữa các cơ sở y tế dự phòng và điều trị cũng được thực hiện nhịp nhàng, đặc biệt trong công tác phát hiện sớm các ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tính lây lan nhanh.
Trong những thập kỷ qua, hệ thống y tế dự phòng đã đóng góp vai trò lớn trong việc làm giảm tỉ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây ra. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế, đẩy lùi và thanh toán; số các trường hợp mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm giảm rõ rệt, đặc biệt các bệnh dịch mới lạ như: SARS, cúm A (H5N1).

PGS-TS Phan Trọng Lân (bên phải) thăm khám bà con vùng cao. Nguồn ảnh: Việt Báo
Chương trình tiêm chủng mở rộng được duy trì thường xuyên với tỉ lệ tiêm chủng đạt hơn 90% hàng năm; các bệnh truyền nhiễm gây dịch ở trẻ em đã giảm từ 10 đến hơn 100 lần so với trước khi thực hiện chương trình…
Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở y tế dự phòng trong thời điểm hiện tại chưa có đủ nhân lực (về số lượng và chất lượng) để đáp ứng với yêu cầu công việc. Kinh phí cho hoạt động y tế dự phòng ở một số địa phương còn hạn chế, chưa được cấp kịp thời. Vấn đề tiền lương và thu nhập của cán bộ y tế dự phòng còn hạn chế, chưa tương xứng với chức năng, vì vậy chưa khuyến khích, thu hút được nhân lực yên tâm công tác... Đó là những điều cần khắc phục để nâng cao vị thế, năng lực của hệ y tế dự phòng.
Vai trò của “thành lũy” gia đình và vắcxin
- Để chống dịch, phó giáo sư trên một tờ báo có nhắc đến “thành lũy gia đình”. Xin ông nói rõ hơn về vấn đề này...
* Gia đình là nơi dễ dàng bị biến thành nguồn bệnh cho tất cả các thành viên trong gia đình. Người lớn nhiễm bệnh từ nơi làm việc về lây cho con cái trong nhà. Trẻ em có thể nhiễm bệnh từ trường học về lây cho anh em trong nhà. Ngược lại, các thành viên gia đình có thể mang bệnh từ nhà lây nơi học và làm việc. Tập quán, lối sống, chế độ ăn uống nhiều nguy cơ tích lũy theo năm tháng có thể gây bệnh mạn tính cho các thành viên trong gia đình như: tăng huyết áp, tiểu đường, ung thư…
Để biến gia đình thành “thành lũy” bảo vệ sức khỏe chỉ cần thực hiện những biện pháp đơn giản mà hiệu quả rất to lớn như: tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em, diệt sạch lăng quăng trong nhà, giữ ngôi nhà sạch sẽ vệ sinh, giữ lối sống lành mạnh, chế độ ăn hợp lý.
- Nói gì thì nói, phòng chống dịch bệnh bằng vắcxin là vô cùng quan trọng. Xin ông nhắc lại vai trò của vắcxin trong phòng chống nhiều dịch bệnh để người dân hiểu rõ hơn, hưởng ứng việc cho con em mình đi tiêm phòng nhiều hơn…
* Vắcxin là một trong những biện pháp can thiệp y tế hiệu quả nhất trong thế kỷ trước và đã cứu sống hàng triệu người khỏi bệnh dịch. Như chúng ta đã biết trong quá khứ dịch đậu mùa đã cướp đi mạng sống của hàng triệu người. Tại Việt Nam, những năm 1957 - 1959, bệnh bại liệt gây thành đại dịch khủng khiếp, năm 1959 có tới 17.000 cháu bị bệnh, trên 500 trẻ đã chết, hàng ngàn trẻ sống sót thì trở nên tàn phế, chân tay teo đét... Nhờ có vắc xin mà năm 2000 Việt Nam đã thanh toán thành công bệnh bại liệt.
Theo thống kê của WHO, vắcxin có thể phòng ngừa tử vong cho khoảng 3 triệu trẻ mỗi năm. Nếu tăng cường sử dụng vắcxin rộng rãi trên toàn thế giới hơn nữa thì có thể ngăn ngừa thêm 1,6 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết mỗi năm.
Để có được những mũi tiêm chủng an toàn nhất cho trẻ em, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã có nhiều biện pháp nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu này như các cán bộ y tế cần thực hiện tiêm chủng an toàn theo đúng quy định, đồng thời các phụ huynh cần phối hợp tốt với cán bộ y tế để theo dõi trẻ sau khi tiêm, nếu có bất thường lập tức báo cho cán bộ y tế và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị.
- Ngoài ra, tiêm chủng còn hiệu quả về kinh tế, giảm chi phí cho nhà nước, người dân?
* Đúng vậy. Ví dụ, chi phí cho một trẻ được tiêm vắc xin sởi chỉ bằng 1/23 chi phí để điều trị cho trẻ bị bệnh sởi; 1 đôla chi cho vắcxin MMR (sởi - quai bị - rubella) thì tiết kiệm được hơn 21 đôla cho chi phí điều trị...
Bình an đón mừng năm mới
- Cuối cùng, xin phó giáo sư đưa ra những vấn đề để người dân lạc quan về một bức tranh phòng chống dịch bệnh, an tâm hơn cho sức khỏe của mình, trước hết là an tâm trong những ngày đón năm mới này...
* Thành quả phòng chống dịch bệnh trong những năm vừa qua là không thể phủ nhận, đội ngũ cán bộ y tế dự phòng đang được củng cố và lớn mạnh từng ngày từ số lượng, tri thức đến kỹ năng.
Bất cứ lúc nào, nơi nào kể cả những ngày lễ, tết cán bộ ngành y tế dự phòng cũng là những người luôn luôn thường trực trong tư thế sẵn sàng nhằm ngăn dịch bệnh không bùng phát để mọi người yên tâm làm việc, vui chơi, đón mừng xuân mới.
- Xin cám ơn ông!
NGUYỄN HƯNG (thực hiện)