Gặp gỡ đầu năm: Diện mạo sinh viên Y khoa và bác sĩ trẻ thời nay

06-02-2016 09:33 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đó là chủ đề cuộc gặp gỡ với PGS.TS.BS. Châu Ngọc Hoa - Phó hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Y , Đại học Y Dược TP.HCM. PGS.

Đó là chủ đề cuộc gặp gỡ với PGS.TS.BS. Châu Ngọc Hoa - Phó hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Y , Đại học Y Dược TP.HCM. PGS. Châu Ngọc Hoa vừa làm nhiệm vụ quản lý, đồng thời là người thầy của nhiều thế hệ sinh viên Y khoa, một bác sĩ lâm sàng chuyên khoa Nội Tim mạch nổi tiếng. Do vậy, việc phác thảo dáng dấp của một sinh viên ngành Y, một bác sĩ trẻ, hy vọng được đề cập khá toàn diện qua cuộc trao đổi này.

PGS.TS.BS. Châu Ngọc Hoa (ngồi) và các bác sĩ trẻ khoa Tim mạch BV. Nhân dân Gia Định TP.HCM

Học chăm chỉ nhưng không thiếu kỹ năng mềm

- Trước hết, xin chị cho bạn đọc hình dung về việc học của sinh viên Y khoa? Tôi từng chứng kiến sinh viên khoa Y Đại học Y Dược TP.HCM lúc 3 giờ sáng còn miệt mài học tập ở khoa cấp cứu của một bệnh viện nhi. Đó có phải là nét chung của sinh viên trường này?

- Nếu bạn có mặt ở nhiều khoa cấp cứu của các bệnh viện, bạn cũng sẽ thấy những sinh viên Đại học Y Dược TP.HCM học tập, bất kể đó là giờ gì. Y khoa là một trong số những ngành nghề có thời gian học rất dài và đòi hỏi sự nỗ lực cao của người học. Do đó, không phải là ngẫu nhiên mà tất cả các trường Y trên thế giới đều có sự tuyển chọn rất gắt gao, không phải vì các môn học khó mà vì tính đặc thù của ngành là chăm lo sức khỏe cho con người. Người ta ví von với nhau là nếu sự thành công của cuộc đời con người là một dãy số đứng đầu là con số 1,và số 0 ghi tiếp theo là một sự thành công trong cuộc sống, chúng ta có thể có những dãy số khác nhau 1,10, 100, 1.000… Nhưng dù dãy số là bao nhiêu, nó cũng không có ý nghĩa nếu không có số 1 đầu tiên. Người thầy thuốc chăm lo cho con số 1 đó. Hình dung như vậy sẽ thấy đào tạo bác sĩ là quan trọng như thế nào.

- Chị có thể nói rõ hơn, qua ví dụ cụ thể cuộc đời sinh viên của chị với những kỷ niệm đáng nhớ?

- Trong 6 năm học tại Đại học Y Dược TP.HCM, trừ năm thứ nhất con đường đi của tôi là từ nhà đến trường rồi đến thư viện, các năm học sau đó chúng tôi được thực tập tại tại bệnh viện, và bệnh viện gần như là ngôi nhà thứ 2. Ngoài những giờ học chính thức tại trường và bệnh viện, lớp tôi còn trực thêm bệnh viện để học và đặc biệt là ở khoa cấp cứu. Có thể là vì lúc đó cuộc sống còn khó khăn, không như bây giờ, không có gì để chơi chỉ biết học và học. Học ở cấp cứu thì học được rất nhiều, từ cách khâu vết thương, cách xử lý tình huống chấn thương, cấp cứu ban đầu ở nơi mà lằn ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Tôi vẫn còn hình dung rất rõ những khoa cấp cứu của các bệnh viện mình đã đến học tập. Hồi đó, tôi không có nhiều tiền để mua sách mà chỉ mượn đọc sách của các thầy cùng các anh chị nội trú (bác sĩ nội trú) trong các đêm trực. Tôi vào bệnh viện để mượn được thêm sách, rồi học rất nhiều từ các thầy, các anh chị, cả về chuyên môn lẫn cách cư xử. Tôi nhớ một phiên trực ở bệnh viện Nhi Đồng. Lúc đó đang có dịch về bạch hầu. Tôi và các anh chị trực loay hoay đủ cách mà chưa phết họng được để làm xét nghiệm, bé khóc và mệt, ai cũng lúng túng. Thầy xuống, nhẹ nhàng khuyên bà mẹ dỗ lại đứa bé, chùi nước mắt nước mũi. Thầy hỏi chuyện bà mẹ, không khám gì đứa bé, và sau đó thì đột ngột bóp mũi đứa bé, đứa bé há miệng thở, thầy quẹt họng và đưa chúng tôi đi làm xét nghiệm. Không có sách vở nào dạy điều đó. Và tôi nhớ mãi ánh mắt người mẹ nhìn thầy lúc đó. Cái mệt mỏi sẽ mất đi khi mình làm được điều gì cho người bệnh. Cái hạnh phúc làm được gì đó giúp chúng tôi nỗ lực hơn, sự khổ cực và niềm hạnh phúc luôn hiện diện và đan xen trong nghề.

- Học tập chăm chỉ như chị là “lời khuyên” thực tế sinh động cho lớp trẻ?

- Tôi cũng không khuyên các em phải như tôi chỉ biết học và học đâu. Sinh viên Y khoa ngoài học chuyên môn, còn phải trau dồi nhiều kiến thức xã hội nữa. Các em cần dành thời gian cho công tác xã hội, cho việc đọc sách khác ngoài ngành y, học các kỹ năng mềm trong cuộc sống, kiến thức xã hội… Đó là những điều kiện để thành người thầy thuốc tốt nhất trong chăm sóc sức khỏe, để có thể chia sẻ, đồng cảm với người bệnh và với đồng nghiệp. Tôi kể lại câu chuyện này cho các bạn trẻ: khi còn đang học ở Pháp, tôi hỏi GS.TS. Nguyễn Đình Hối - Hiệu trưởng Đại học Y Dược  TP.HCM lúc bấy giờ: tôi có nên ở lại Pháp làm việc không? Thầy nói: “Nếu em muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa hãy đi với tập thể”. Định hướng của người thầy có ảnh hưởng nhất định đến thế hệ trẻ không chỉ đơn thuần là chuyên môn mà còn bằng vốn sống, tình yêu nghề.

- Học Y rất khó khăn, đào tạo Y khoa cũng rất khó khăn với những chuẩn đào tạo rất cao. Chị nghĩ gì khi nơi này, nơi nọ vin vào lý do thiếu bác sĩ đang có dự định hạ chuẩn trong đào tạo, mở khoa Y khi chưa đủ các điều kiện?

- Đây là một trong những vấn đề được xã hội quan tâm. Vì khi đào tạo người thầy thuốc, ưu tiên đầu tiên vẫn là chất lượng cao và sự tinh hoa. Bên nước ngoài, điểm thi cao chưa đủ vào trường Y, mà còn phải qua phỏng vấn để xem tư chất người học có phù hợp không. Có người quan niệm đầu vào có thể lấy thấp, sau đó quá trình giảng dạy đào tạo sẽ bù đắp được, nhưng thực ra chuẩn đầu vào cũng quan trọng, vì học Y như tôi nói, cần tư duy tốt và năng lực để theo được và hoàn thành tốt việc học tập của mình. Đào tạo Y khoa ngoài chuẩn đầu vào, còn cả vấn đề cơ sở thực hành, chương trình đào tạo, đội ngũ thầy cô phải truyền được cả kiến thức và “lửa” cho sinh viên. Quan trọng nhất của đào tạo Y khoa là chất lượng.

Không ngừng đổi mới đào tạo

- Quay trở lại với khoa Y, nơi chị đang làm trưởng khoa. Theo chị, năm 2015 vừa qua, khoa Y, nơi chủ yếu của Trường Đại học Y Dược TP.HCM đào tạo bác sĩ, đã làm được điều gì khiến chị hài lòng nhất?

- Năm vừa qua cũng như vài năm gần đây, chúng tôi đã làm được 3 điều ghi nhớ:

Thứ nhất, chúng tôi đang làm Chương trình đổi mới đào tạo khoa Y, đã trình Bộ Y tế và dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 9/2016. Nội dung đổi mới chính là sự lồng ghép các bộ môn cho học viên. Đặc biệt, chương trình có sự hợp tác của một số chuyên gia của Đại học Y Harvard và của Thụy Sĩ.

Thứ hai, chúng tôi đã và đang làm những chương trình đào tạo Y khoa liên tục, nhằm giúp các bác sĩ nâng cao tay nghề chuyên môn ở các quận, huyện và tỉnh. Chương trình bắt đầu từ năm 2010, các bài cập nhật và trình ca lâm sàng được trình bày cụ thể cho các bác sĩ.

Thứ ba, chúng tôi đang làm đề án “Thực hành tiền hành nghề bác sĩ đa khoa”. Đây là đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, bác sĩ ra trường sẽ thực tập tại một bệnh viện trong 18 tháng để có chứng chỉ hành nghề. Các bác sĩ trẻ khi thực tập sẽ có lương.

Các bác sĩ trẻ khoa Ngoại tiêu hóa BV. Đại học Y Dược TP.HCM trong một cuộc trao đổi chuyên môn

- Xin chị nói rõ hơn về Chương trình đổi mới đào tạo khoa Y. Cụ thể: ở đây sự hợp tác của Harvard cùng chuyên gia Thụy Sĩ như thế nào?

- Mục tiêu chung của dự án này là cải cách và tăng cường chất lượng của chương trình đào tạo y khoa 6 năm, thông qua cuộc cải cách chương trình giảng dạy toàn diện, đào tạo ra các thầy thuốc thế kỉ 21 hướng đến cộng đồng, phòng ngừa và chăm sóc hiệu quả cho cộng đồng Việt Nam. Trong quá trình cải cách, chương trình giảng dạy sẽ giải quyết sứ mệnh đào tạo của khoa Y:

Đào tạo ra các bác sĩ có năng lực và là nguồn nhân lực y tế nòng cốt cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe và đạt được các chuẩn chất lượng toàn cầu cơ bản về chương trình đào tạo y khoa. Trong dự án này, chương trình giảng dạy 6 năm hiện nay sẽ được thiết kế lại theo hướng một chương trình giảng dạy dựa trên năng lực. Với mô hình tích hợp, chú trọng thực hành và kết quả học tập (chuẩn đầu ra). Chương trình mới sẽ giúp sinh viên có khả năng ứng dựng kiến thức vào thực tế, giải quyết vấn đề, điều trị lâm sàng, giao tiếp, quan hệ cá nhân, tác phong chuyên nghiệp, kỹ năng làm việc theo nhóm và năng lực học tập suốt đời. Trong nỗ lực này, khoa Y đã phát triển các nội dung chương trình theo các tiêu chuẩn về năng lực và nhu cầu Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng như thực hiện thu thập thông tin phản hồi và bằng chứng nhằm hỗ trợ các trường có thể đồng thời tiến hành đổi mới.

Những bác sĩ trẻ khoa Phẫu thuật tim mạch BV. Đại học Y Dược TP.HCM đang thảo luận về một ca bệnh

- Nếu nói về vị thế, theo chị, Đại học Y Dược TP.HCM đang đứng ở đâu trong cộng đồng giáo dục các nước ASEAN, châu Á, thế giới?

- Nói đến vị thế tức là nói đến xếp hạng. Hiện có hai tổ chức xếp hạng các trường có uy tín là bảng xếp hạng của Times Higher Education (Anh) và bảng xếp hạng Shanghai Jiao Tong (Thượng Hải, Trung Quốc). Để được xếp hạng phải có các tiêu chí chung, cần có sự đầu tư và cải cách lâu dài. Xếp hạng cũng là điều cần thiết để biết mình đang đứng ở đâu. Hy vọng 10 - 20 năm nữa, Đại học Y Dược TP.HCM sẽ được trong Top 200 - 400 trên thế giới. Hiện tại Đại học Y Dược đang củng cố và phát triển về cơ sở vât chất để tạo điều kiện tốt nhất. Bên cạnh đó, cũng có những phát triển mũi nhọn như Trung tâm huấn luyện Nội soi Bệnh viện Đại học Y Dược (đã và đang đào tạo nhiều bạn học viên nước ngoài), trung tâm Phẫu thuật thực nghiệm, bộ môn Giải phẫu học khoa Y,… được đánh giá cao so với các trường Y tại Việt Nam cũng như trong khu vực.

- Thử hình dung: sinh viên của trường được chọn lựa khắt khe từ đầu vào, được đào tạo bài bản; việc học của sinh viên đòi hỏi nỗ lực cao. Thêm nữa, sau khi ra trường các bác sĩ sẽ còn được đào tạo theo chương trình 18 tháng tiền hành nghề bác sĩ đa khoa, chương trình đào tạo liên tục; rồi chưa kể đến các chương trình chuyển giao kỹ thuật 1816, bệnh viện vệ tinh… Những điều đó khiến chúng ta tạm an lòng cho chất lượng bác sĩ, bắt đầu và dưới sự đào tạo và “bảo hành suốt đời” của Đại học Y Dược TP.HCM?

- Nâng cao chất lượng cho nhân viên Y tế là điều quan tâm hàng đầu của Bộ Y tế. Đại học Y Dược  TP.HCM, luôn song hành và dẫn đầu trong các lĩnh vực này từ việc thay đổi chương trình đào tạo, đào tạo sau đại học, đào tạo liên tục, chuyển giao công nghệ cho các bệnh viện, cũng như tham gia đề án 1816, và sắp tới là chương trình 18 tháng. Tất cả đều vì chăm sóc sức khỏe người dân. Dù vẫn còn rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, chúng tôi luôn cố gắng để hoàn thành sứ mệnh của khoa Y mà bạn có thể thấy ngay khi bước chân vào khoa, đó là: “Xây dựng một đội ngũ các thầy thuốc cam kết cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất nhằm làm giảm nỗi đau và bệnh tật cho con người”.

- Xin cám ơn và chúc PGS năm mới dồi dào sức khỏe, thành công, hạnh phúc!


NGUYỄN HƯNG (thực hiện)
Ý kiến của bạn