Ga Phố Lu lúc 5 giờ 30 sáng, trời lạnh, chuyến tàu cuối cùng Hà Nội - Lào Cai vẫn chưa lên đến nơi. Tôi vào quán ăn bên đường ngay cạnh bến xe, đối diện cửa ga, gọi một bát phở, tuy không ngon lắm nhưng cũng phần nào làm vơi đi nỗi nhớ Hà Nội đang dâng lên trong lòng tôi lúc này, khi chỉ có một mình lang thang trên đất khách cũng là lúc cái cảm giác cô đơn trỗi dậy. Ăn xong quay ra hỏi chủ quán mới biết mỗi ngày chỉ có một chuyến ô tô đi Bắc Hà xuất bến lúc 6 giờ, hôm nào gặp trục trặc, tàu lên muộn thì giờ xuất bến cũng được dời lại để không ai bị lỡ chuyến.
Nữ tài xế trứ danh và chuyến xe "lịch sử”
6g30, một người phụ nữ dong dỏng cao đi qua chào chủ quán rồi cất tiếng gọi lanh lảnh: "Ai đi Bắc Hà ra xe chuẩn bị xuất bến!". Chiếc xe 24 chỗ ngồi nhìn bề ngoài cũng không đến nỗi nào nhưng leo lên mới biết nó vô cùng già nua và cũ kĩ. Tôi leo lên ngồi ở đầu xe, ngay cạnh tài xế. Chỉ có gần chục khách đi Bắc Hà gồm hai bà buôn chuyến, một anh cán bộ, hai cô cậu sinh viên về thăm nhà... mạnh ai nấy tìm chỗ ngồi; cuối xe có mấy tải rau thơm, hành, ớt, bánh phở và... năm can nước mắm phảng phất... tỏa hương.
Việc thường ngày của phụ nữ Mông. |
Xe chạy được chừng dăm cây số tôi mới biết mình đang... "cưỡi trên lưng hổ". Đường đi Bắc Hà đầy ổ gà ổ voi, rất xấu, lại đèo dốc quanh co, có những đoạn cua tay áo hẹp đến mức tôi cứ tưởng tượng nếu có một chiếc xe nào lù lù xuất hiện gặp nhau ở đây thì không biết tránh kiểu gì? Đã thế, đập vào mắt tôi liên tục là những biển báo giao thông cảnh báo nguy hiểm. Mồ hôi mẹ, mồ hôi con bắt đầu rịn ra trên trán tôi, các thớ cơ căng ra.
Xe chạy được hơn chục cây số, đến ngã ba Ngầm thì chị Liên có điện thoại. Dừng lại nghe xong chị kêu lên thảng thốt: "Quên béng đi mất cái đám cưới người ta đã hợp đồng từ trước mà ông xã lại đưa khách đi Lao Cai từ sáng, lại là đám cưới người nhà họ hàng xa bên chồng mới chết...". Người khách có lẽ là cán bộ lên tiếng tỏ ra thông cảm: "Nếu không quá xa cô nên quay lại đón người ta, chuyện trăm năm mà ở đây chứ có phải dưới xuôi đâu để gọi xe khác, chúng tôi lên muộn một chút cũng không sao. Chỉ sợ họ không thông cảm!". Được lời như cởi tấm lòng, chị Liên đánh ngay vô lăng cho xe quay lại: "Cám ơn các bác, việc đó đơn giản, được cái nhà ông này cũng dễ xuề xòa cho qua ngay. Họ sống chân thật lắm, không cầu kì kiểu cách đâu, em sẽ bảo xe hỏng dọc đường, mình chỉ cần chạy nhanh hơn một tí là được. Các bác thôi không phải trả tiền xe nữa, thông cảm với em được như thế là tốt lắm rồi...".
Đoàn rước dâu đã đợi sẵn ở ven đường, người đứng người ngồi lố nhố. Ông già có lẽ là bố chú rể chắp tay sau lưng đi đi lại lại chốc chốc nhìn đồng hồ, thấy xe đến thì tất cả cùng nhao lên. Không cầu kì kiểu cách, tất cả chừng mười tám hai mươi người ào lên xe sau khi nghe chị Liên giải thích lí do đến muộn. Chuyện dọc đường nổ ra như pháo rang. Chú rể, còn rất trẻ, chỉ độ chừng mười tám đôi mươi mặt "trát" loang lổ phấn bẽn lẽn ngồi gần cuối xe chốc chốc lại nhìn đồng hồ ra chiều căng thẳng mặc cho những hành khách như tôi chọc đùa. Vậy mà chưa hết đâu, dọc đường tài xế còn dừng xe mấy lần để chị buôn chuyến đưa hàng cho khách...
Xem phim chưởng phụ đề... tiếng Mông và những chuyện khác
Món thắng cố trứ danh dù được trình bày đẹp mắt đến thế nào đi chăng nữa trong những bát những đĩa thời công nghiệp cũng không "đã" bằng ngồi giữa chợ Bắc Hà trong một cái quán nhỏ sập xệ, nồng mùi hơi người để thưởng thức cùng với mèn mén (một loại bột ngô xay nhỏ) thêm chút rượu ngô Bản Phố và thật tuyệt nếu một anh "tộc" nào đó hứng chí ngắt lá làm kèn hay hát những bài tình bằng tiếng Mông nghe da diết. Tôi đã choáng váng khi nhìn vào cái chảo to gộc đặt trên bếp củi, bên trong lổn nhổn những thịt, những tiết và cả những thứ gì nữa thì chỉ... có trời mới biết sôi lục bục, nghi ngút khói. Chị chủ quán, một phụ nữ dân tộc, dùng chiếc vá (muôi) gỗ múc vào cái bát sứt mẻ, cáu bẩn vừa được "chần" vội qua nước sôi cho chúng tôi mỗi người một bát, thu luôn 2 nghìn đồng. Anh chàng thanh niên người dân tộc ngồi bên rót mời tôi một bát rượu. Trận rượu tối qua vẫn còn chếnh choáng nên tôi định chỉ nhấp môi nhưng anh ta bảo: "Như thế là không được đâu, có quí nhau mới mời rượu lớ...", tôi đành nhoẻn cười uống hết. Rượu nặng, nóng rát chạy qua cần họng. Anh chàng có vẻ như uống đã nhiều, nói nhiều và nhanh như súng liên thanh. Qua câu chuyện ngắt quãng bởi những chúc tụng cụng bát ồn ào, tôi được biết anh chàng tên Hoàng Văn Năm, nhà ở Bản Phố. Mỗi chủ nhật, Năm lại "cưỡi" xe win xuống chợ, khi thì bán mận bán đào, lúc mang rượu ngô xuống, cũng có khi là thảo quả... "Rượu nhà tôi lúc nào cũng sẵn nhưng uống một mình chán lắm, uống ở đây mới vui! Chốc nữa mời các người đẹp về nhà tôi chơi cho biết...".
Gần trưa, Năm bảo "chiêu đãi" chúng tôi một buổi "cinema" đặc biệt. Ý thức không cưỡng lại được nổi sự tò mò, chúng tôi gần như cúi gập người theo Năm chui vào... "rạp chiếu phim", ngay sát bên hông chợ. Gọi là rạp cho có khí thế chứ thực ra đó chỉ là một căn nhà rộng chừng dăm chục mét vuông đã đông kín người, chủ yếu là thanh niên dân tộc Mông, ngồi dán mắt vào màn hình tivi xem phim chưởng có phụ đề bằng tiếng dân tộc. Tôi nhìn lên màn hình, chỉ thoáng qua những cảnh "người phi vèo vèo, đánh đấm eo xèo" cũng đủ nhận ra bộ phim mà mình đã từng xem không biết bao nhiêu lần: Thần điêu đại hiệp! Năm chạy quanh kiếm ghế mời chúng tôi ngồi, không quên "thuyết minh": "Phim mới đấy, tuần nào tôi cũng phải xem phim xong mới về. Có 500 đồng/vé, xem đến khi nào chán thì thôi...". Nước này thì tôi chỉ biết im lặng chứ biết nói gì, người dân tộc dù sao vẫn còn giữ được chút hồn nhiên sẵn có...
Ghi chép của Nguyễn Khánh Linh