Gặp bạn học giữa hoàn cảnh éo le, nữ điều dưỡng thay đổi ý định bỏ nghề

12-05-2022 10:07 | Y tế
google news

Sợ máu, sợ chứng kiến nỗi đau, nhiều lần điều dưỡng Thu Hồng muốn bỏ cuộc. Nhưng chị thay đổi quyết định sau khi được cùng bác sĩ cứu bạn học là chiến sĩ cảnh sát bị mất trí nhớ sau lần bắt cướp.

Tự hào được làm "nghề cứu người"

Khoa ICU, BVĐK Tâm Anh TP.HCM có tới 32 điều dưỡng, mỗi điều dưỡng đến với nghề từ nhiều lý do khác nhau nhưng tất cả đều gói gọn trong chữ "duyên". Các điều dưỡng hay ví von như vậy, bởi công việc điều dưỡng ở ICU nặng nhọc, khó khăn, nhiều nỗi buồn hơn niềm vui nên ít ai chọn ngay từ đầu. Điều dưỡng Võ Thị Thu Hồng tâm niệm việc chăm sóc bệnh nhân không chỉ là cứu người mà còn "tích đức".

Gặp bạn học giữa hoàn cảnh éo le, nữ điều dưỡng thay đổi ý định bỏ nghề - Ảnh 1.

Phải yêu người bệnh như người nhà, điều dưỡng Thu Hồng (giữa) mới "bám trụ" được nghề điều dưỡng ở khoa ICU, BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Lâm

Lúc trẻ, thấy bạn bè bảo nghề y "oách" nên chị thi cho vui. Và "chữ duyên" bắt đầu từ đây. Những ngày mới ra trường, mỗi khi đi làm về, chị chỉ ôm mặt khóc. Chị quá sợ máu, sợ kim tiêm, sợ chứng kiến cả nỗi đau, nhìn người bệnh nặng, những hoàn cảnh thương tâm không còn cơ hội cứu chữa… chị muốn bỏ nghề. Thế nhưng ý định này thay đổi sau khi chị vô tình chăm sóc, dưỡng thương cho một cảnh sát bị dập nửa não, mất trí nhớ trong lần bắt cướp. Và bất ngờ khi người đó chính là bạn học chung lớp cấp 3 của chị.

Điều dưỡng Võ Thị Thu Hồng nhớ lại: "Cũng như mọi ca nguy kịch khi đưa vào khoa ICU, điều dưỡng chỉ biết chăm sóc hết mình. Lúc đó, nạn nhân hôn mê sâu, mặt sưng phù biến dạng nên không thể nhận ra. Sau những ngày cùng bác sĩ chăm sóc, tôi thấy tên người bệnh rất quen, lại bằng tuổi. Lục lại ký ức tôi vẫn không nhớ nổi vì bệnh nhân còn nhiều thương tích trên mặt và đã lâu năm không gặp. Không tò mò về người bệnh nữa, tôi tiếp tục chăm sóc. Thấy người bệnh đau đớn, tôi không cầm lòng".

Và điều kỳ diệu xảy ra, người bệnh đối diện với sống đời thực vật đã bắt đầu tỉnh lại nhưng bị mất trí nhớ. Bệnh nhân trầm cảm vì chỉ nhớ được chuyện quá khứ. Đến khi khuôn mặt bệnh nhân bớt sưng, chị bắt đầu thấy rất quen.

"Tôi thử hỏi thăm về những chuyện trong quá khứ, từng học ở đâu, có biết bạn học tên Hồng không… thì người bệnh nhớ tất cả. Cả hai đứa mừng đến khóc và từ đó mỗi ngày, bạn chỉ chịu tôi đút cơm ăn mới hợp tác điều trị. Và giờ đây, cậu bạn vẫn tiếp tục là một cảnh sát giỏi, còn tôi tự hào với nghề. Tôi tự nhủ, làm điều dưỡng, làm ngành y sẽ cứu giúp được nhiều người. Hơn nữa, khoa ICU BVĐK Tâm Anh TP.HCM có nhiều đồng nghiệp giỏi, máy móc hiện đại, tôi sẽ luôn học hỏi để giỏi hơn trong công việc, giúp được nhiều người hơn", điều dưỡng Thu Hồng chia sẻ.

Làm việc không phân biệt ngày và đêm

Khuya 9/5, khoa ICU ở tầng 6 BVĐK Tâm Anh TP.HCM tiếp tục sáng đèn, không khí làm việc giữa ngày và đêm không khác nhau, điều dưỡng Thu Hồng vẫn say mê với công việc của mình. Đang trò chuyện, bất thình lình, máy monitor ở giường số 7 báo động, điều dưỡng Thu Hồng nhanh chóng gắn lại kẹp đo nồng độ oxy cho bệnh nhân Đỗ Thị Xiêm, 73 tuổi bị tụt lúc trở mình. Chị kéo nhẹ tấm chăn lên để người bệnh tiếp tục ngon giấc.

1 giờ sáng, bệnh nhân Trần Văn Tiến 59 tuổi, ở giường số 4, đang ngủ bỗng đạp chăn, tự tay tháo mask trợ thở ra… Tiếng báo động của máy monitor lại vang lên. Điều dưỡng Thu Hồng chạy lại thì ông cho biết không ngủ được do đàm đọng ở cổ. Chị liền ấn tay vào giường bệnh, nhanh chóng chiếc giường hoàn toàn tự động nâng đầu người bệnh lên cao để dễ thao tác chăm sóc.

Nhanh tay, chị lấy bộ dụng cụ hút đàm đựng trong túi tiệt khuẩn riêng biệt rồi nhỏ nhẹ: "Chú đừng cắn ống, mở miệng lớn hơn chút nữa, con hút đàm ra cho dễ thở hơn". Hút đàm xong, bệnh nhân Tiến ngủ được 1 tiếng lại đòi vệ sinh răng miệng. Riêng hôm nay, bệnh nhân Tiến yêu cầu vệ sinh răng miệng đến lần thứ 7. Sau 15 phút trò chuyện, bệnh nhân Tiến chìm vào giấc ngủ, còn điều dưỡng Hồng tiếp tục lụi cụi với xấp hồ sơ y lệnh để báo cáo bác sĩ điều trị trước khi giao ca vào sáng hôm sau.

"Reng……." tiếng điện thoại đêm khuya lại vang lên, chị Hồng cùng các điều dưỡng khác chuẩn bị tiếp nhận thêm một bệnh nhân nặng (suy thận, tai biến mạch máu não, tiểu đường…) từ bệnh viện tỉnh chuyển tới, với hy vọng "còn nước còn tát".

Gặp bạn học giữa hoàn cảnh éo le, nữ điều dưỡng thay đổi ý định bỏ nghề - Ảnh 2.

Điều dưỡng Thu Hồng đang ghi lại tình hình người bệnh trong sổ theo dõi sức khỏe. Ảnh: Nguyễn Lâm

TS.BS Phan Thị Xuân, Trưởng khoa ICU, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ: "Nghề điều dưỡng đã vất vả nhưng làm điều dưỡng ở ICU còn khổ cực gấp nhiều lần. Các điều dưỡng ở khoa ICU như những chiến sĩ thầm lặng, bởi toàn ca bệnh nặng, nằm bất động… không có người nhà bên cạnh nên các em túc trực suốt 24/24. Ngoài theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh, điều dưỡng phải đáp ứng phản xạ nhanh, chính xác, đặc biệt đánh bắt tâm lý người bệnh để sớm hồi sức - cấp cứu. Điều dưỡng làm việc ở ICU của BVĐK Tâm Anh càng khắt khe hơn, không chỉ có tay nghề giỏi, biết sử dụng máy móc hiện đại bậc nhất ở đây như: máy hạ thân nhiệt, máy thở, máy lọc máu… mà còn thuần thục các kỹ thuật chăm sóc người bệnh. Vì công việc của các em quá cực, làm việc theo ca kíp xuyên đêm, thiệt thòi cho gia đình nên tôi chưa bao giờ rầy la, chỉ phân tích những chỗ chưa đúng để các em sửa sai, rồi cả khoa động viên nhau để làm sao người bệnh đến đây được hài lòng nhất, mau hết bệnh, sớm về nhà".

Hệ thống BVĐK Tâm Anh quy tụ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm cùng trang bị trang thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới, mang lại hiệu quả khám bệnh, phẫu thuật, điều trị thành công cao. Độc giả có nhu cầu tư vấn, khám chữa bệnh có thể liên hệ qua website, fanpage, hoặc đến trực tiếp Hệ thống BVĐK Tâm Anh:

Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, Phường Bồ Đề, Quận Long Biên. Hotline: 1800 6858

TP.HCM: 2B Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình. Hotline: 0287 102 6789

Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh

Website: https://tamanhhospital.vn


Nguyễn Lâm
Ý kiến của bạn