“Tôi đã chọn nghề cứu người”

“Mình chọn ngành hồi sức, vì cảm giác cứu sống được bệnh nhân thoát khỏi cửa tử”. ThS. BS. Phạm Thế Thạch - Bí thư chi Đoàn, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai đã bắt đầu câu chuyện như thế.

Sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo thuộc Diễn Châu - Nghệ An, vì thế hơn ai hết ThS. BS. Phạm Thế Thạch hiểu được cái khổ, cái cùng cực của nghèo đói, nghèo mà lại còn mắc bệnh nặng... Thạch đã chọn nghề y, ngành hồi sức tích cực để có thể góp một phần sức lực, sự hiểu biết để cứu người. Khi chưa vào nghề Thạch mới chỉ hiểu được cái sự nghèo đói, thiếu thốn, vất vả thế nào, nhưng hơn 10 năm đứng trong hàng ngũ những người thầy thuốc, những ngày làm ở khoa hồi sức tích cực, nơi ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết luôn hiện hữu, anh mới thấm thía được nỗi cùng cực của những người nghèo mà lâm bệnh nặng.

BS. Thạch là 1 trong 10 gương mặt thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018.

BS. Phạm Thế Thạch nhớ lại những năm học nội trú, khi khám cho bệnh nhân, người nhà đứng ngoài ô cửa kính quan sát các bác sĩ làm việc. “Khi ấy, không hiểu sao trong lòng tôi lại vang lên những câu nói như động viên, khích lệ của người nhà bệnh nhân. Chắc hẳn họ đang mong mỏi, hy vọng tôi và các bác sĩ như tôi cứu chữa người thân của họ thoát khỏi tay thần chết. Và mỗi lần cứu được một bệnh nhân qua cơn nguy kịch, nhất là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, những bệnh nhân tưởng chừng chỉ có thể về để chờ chết, tôi lại như có thêm sức mạnh, thêm tình yêu để theo đuổi đam mê của nghề thầy thuốc.

ThS.BS. Phạm Thế Thạch kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân.

Giành lại sự sống từ tay tử thần

Ở Khoa Hồi sức cấp cứu, nơi Thạch làm việc, có rất nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, sự sống chỉ mong manh như ngọn nến trước gió nhưng lại thiếu tiền đóng viện phí... Có trường hợp vì chậm trễ mà khiến việc điều trị bị gián đoạn, làm bệnh càng nặng thêm. Đã không ít trường hợp phải xin về chỉ vì không đủ tiền chạy chữa... Đứng trước những nghịch cảnh ấy, Thạch và những bác sĩ đồng nghiệp của anh vô cùng khó xử. Rất nhiều lần Thạch đã đứng ra kêu gọi sự ủng hộ của nhân viên toàn khoa và bệnh viện. Không chỉ tiền viện phí mà bữa ăn của người nhà bệnh nhân cũng được các y bác sĩ trong khoa chia sẻ. Nhưng bệnh nhân nghèo thì nhiều mà “sức” cũng có hạn...

BS. Thạch nhớ lại, năm 2012, bệnh nhân là sinh viên Trường đại học Sư phạm, nhập viện trong tình trạng viêm phổi, ho ra máu. Trước đó, bệnh nhân đã điều trị ở nhiều bệnh viện nhưng không khỏi. Khi được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai thì tình trạng bệnh đã rất nặng. Sau khi tiên lượng bệnh, dự trù chi phí điều trị khá lớn, gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, vì thế các bác sĩ tại đây đã thông qua báo chí kêu gọi nhà hảo tâm tặng tiền giúp đỡ cho bệnh nhân. Nhờ đó, sau một thời gian điều trị bệnh nhân đã khỏi bệnh và được ra viện.

“Sau lần đó, tôi nhận thấy đây là cơ hội có thể giúp đỡ bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn không có tiền để chữa bệnh. Tôi cùng các bạn đã kết hợp với nhiều báo kêu gọi các nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.

Năm 2013, với mong muốn giúp bệnh nhân nghèo có thêm nguồn hỗ trợ để tiếp tục chống chọi với bệnh tật, BS. Thạch đã lên facebook cá nhân kêu gọi mọi người trợ giúp. Cũng thật may mắn, cũng từ những lần chia sẻ facebook cá nhân nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ ủng hộ. BS. Thạch nhớ lại trường hợp chị N.T.H. (27 tuổi ở Hải Phòng), mang thai 31 tuần nhưng bị nhiễm cúm A/H1N1. Khi nhập viện, trong vòng 12 tiếng, tim chị H. gần như ngừng hoạt động. Bệnh nhân cận kề cái chết. Sau nhiều giờ chạy đua với tử thần, chị H. đã được cứu sống. Tuy nhiên, việc điều trị lại cần rất nhiều tiền. Mà hoàn cảnh của chị H. lại khó khăn... Sau khi kêu gọi trên trang cá nhân của mình BS. Thạch đã được đông đảo nhà hảo tâm ủng hộ và giang tay hỗ trợ chị H. Chị H. được tặng số tiền rất lớn (khoảng 600-700 triệu đồng). Nhờ đó, các chi phí điều trị cũng không còn là vật cản.

Cho đến bây giờ, BS. Phạm Thế Thạch cũng không thể quên được bệnh nhân Vi Thị Ăm, 36 tuổi, dân tộc Thái, quê Bản Chạy, xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã, Sơn La. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng vàng da, phù nặng trong khi đang mang thai 12 tuần tuổi. Trước đó do hai chân bị sưng, chị Ăm đã khám tại một bệnh viện huyện và các bác sĩ chẩn đoán suy thận. Tuy nhiên, sau điều trị chị không khỏi và buộc phải đưa lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ đã chẩn đoán chị bị suy gan, suy thận, chảy máu tiêu hóa và chỉ định tiến hành lọc máu thận, thở máy và sử dụng kháng sinh. Dự trù kinh phí điều trị rất tốn kém. Trong khi đó hoàn cảnh của chị Ăm rất khó khăn, thuộc hộ nghèo... BS. Thạch đã kêu gọi mọi người trợ giúp cho chị Ăm. May mắn thay, sau một thời gian điều trị, nhờ có lòng hảo tâm của mọi người, chị Ăm đã hoàn toàn khỏi bệnh và được xuất viện.

Quỹ “Chương trình bảo lãnh cho bệnh nhân cấp cứu” ra đời

Không ít trường hợp khi được kêu gọi nhận được rất nhiều tiền ủng hộ, có khi trả hết tiền điều trị mà vẫn dư đến 700 - 800 triệu đồng, thậm chí khi khỏi bệnh về đến nhà vẫn có người mang tiền đến giúp. Có trường hợp bệnh nhân xin được hỗ trợ ngay, có trường hợp lại không xin được... Và, không phải lúc nào câu chuyện kêu gọi hỗ trợ cũng như mong muốn. BS. Thạch xúc động chia sẻ: “Nhiều trường hợp bệnh nhân nghèo, không có tiền đủ để nộp viện phí. Các bác sĩ đứng ra kêu gọi ủng hộ của các nhà hảo tâm. Song chưa kịp kêu gọi hỗ trợ thì bệnh nhân đã tử vong. Lúc ấy, thật đau lòng!”.

Phải làm thế nào bây giờ? Làm sao để những bệnh nhân nghèo khi cần cấp cứu đã có ngay một số tiền để đảm bảo cho cuộc cấp cứu thành công? Phải có một quỹ để có thể cho bệnh nhân nghèo dựa vào mà không phải mất quá nhiều thời gian kêu gọi hỗ trợ?

Thế là BS.Thạch và đồng nghiệp cùng với những người có tấm lòng thiện nguyện đã thành lập Quỹ “Bảo lãnh cho bệnh nhân cấp cứu”. BS. Thạch cho biết: “Đây là quỹ dự phòng với một số tiền nhất định. Quỹ sẽ hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho những bệnh nhân nặng cần được can thiệp y tế ngay nhưng thiếu tiền điều trị (bệnh nhân nghèo nhưng chi phí lớn, hoặc gia đình chưa kịp đóng viện phí). Quỹ sẽ bảo lãnh tài chính để bệnh nhân được điều trị, sau đó dựa trên chi phí điều trị thực tế của bệnh nhân để hỗ trợ, số còn dư sẽ tiếp tục hỗ trợ người khác.

Cho đến nay, hàng trăm bệnh nhân đã được “bảo lãnh cấp cứu” thành công ở Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai. Được thế là nhờ sự phối hợp của các đồng nghiệp tại bệnh viện cùng các nhà thiện nguyện như chị Hoàng Thuý Nga và  sự đóng góp không  nhỏ các bác sĩ hồi sức tích cực trong đó có BS. Thạch.

Bác sĩ Phạm Thế Thạch trao quà của vợ chồng bệnh nhân anh Ẩn, chị Ăm điều trị tại khoa Hồi sức tích cực.

Giấu tiếng thở dài

“Mỗi lần ngẩng lên nhìn qua ô cửa kính ở bệnh viện, tôi lại cảm nhận được đôi mắt mong mỏi, hy vọng của người nhà bệnh nhân đặt lên đôi vai chúng tôi. Nhưng mỗi ca bệnh là một thử thách phải vượt qua, thử thách này không chỉ của người thầy thuốc, mà còn là của cả bệnh nhân, của gia đình người bệnh có quyết tâm đồng lòng hay không. Với tôi ám ảnh nhất là khoảnh khắc đối diện với nỗi đau của người nhà bệnh nhân. Đó là giây phút lặng lẽ tôi giấu đi tiếng thở dài khi chứng kiến bệnh nhân lìa đời...”, BS. Thạch chia sẻ. Anh vẫn nhớ như in trường hợp bệnh nhân 16 tuổi, quê ở Nam Định, bị viêm cơ tim. “Khi nhập viện, gia đình bệnh nhân chỉ có 30 triệu, chúng tôi đã đứng ra bảo lãnh cấp cứu bệnh nhân. Nhưng lúc đó, do thiếu máy ECMO nên chúng tôi phải mượn của Bệnh viện 108. Trong thời gian đó, chúng tôi phải ép tim liên tục, đồng thời khuyên người nhà của bệnh nhân bình tĩnh... Nhưng những ngày sau đó, bệnh nhân có diễn biến xấu. 14 ngày tim không hồi phục. Đầu của bệnh nhân vẫn tỉnh táo nhưng tim không đập, không có tín hiệu hồi phục...

Vận dụng hết mọi sức lực, mọi cố gắng, nhưng khi dừng máy, bệnh nhân đã tử vong. Ánh mắt thất vọng, kiệt cùng, pha chút uất hận của bố mẹ bệnh nhân khi buông câu “Bỏ cả cục tiền vô ích, chúng nó cố làm để lấy tiền”... khiến tôi và đồng nghiệp thực sự rất buồn.

Buồn vì không cứu được bệnh nhân và càng buồn hơn khi người nhà không có niềm tin ở các bác sĩ. Đó là thất bại niềm tin, mà thất bại này quan trọng hơn các vấn đề khác rất nhiều”.

Với các bác sĩ, niềm tin của người bệnh rất quan trọng. Sự tin tưởng ấy là động lực to lớn, nguồn khích lệ không lời giúp cho những chiến sĩ áo trắng như BS. Thạch ngày đêm làm việc cứu chữa người bệnh không mệt mỏi, không chán nản.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thế Thạch cùng lãnh đạo khoa hội chẩn các ca bệnh nặng.

Lặng lẽ tỏa hương

Đến bây giờ, với 37 tuổi đời và hơn 10 năm tuổi nghề, BS. Phạm Thế Thạch đã tham gia cấp cứu nhiều thảm họa như vụ sập cầu Chu Va - Lai Châu, tham gia hội chẩn cấp cứu, điều trị các bệnh nhân nặng của đơn vị khác như tham gia điều trị các chiến sĩ trong vụ rơi máy bay ở Hòa Lạc, Lào Cai. Ngoài ra, BS. Phạm Thế Thạch cũng trực tiếp tham gia cấp cứu, điều trị cho hàng trăm bệnh nhân cúm A/H1N1 nặng có biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển nặng, bệnh nhân sốc tim do viêm cơ tim virut biến chứng suy đa tạng, ngừng tuần hoàn và nhiều bệnh nhân khác...

BS. Thạch đã giành Giải Nhất Hội thao sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế lần thứ 25 và 26. Năm 2018, BS. Thạch cũng được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế về thành tích cứu sống các bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Bạch Mai, Bằng khen của Công đoàn ngành y tế Việt Nam. Mới đây, anh được bình chọn là 1 trong 10 gương mặt Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018 có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong suốt năm vừa qua được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam vinh danh.

Chia tay “Bác sĩ bảo lãnh cấp cứu” trong một chiều cuối xuân, khi ánh nắng yếu ớt đang trải dài trên mọi nẻo đường, tôi vẫn không quên được ánh mắt của Thạch khi nói về mơ ước bác sĩ là cầu nối đưa những tấm lòng vàng vào bệnh viện: “Đất nước mình còn nhiều người nghèo lắm, mà nghèo đi liền với đói và bệnh tật. Mình cũng chưa giúp được gì cho họ cả. Chỉ mong sao có một chế độ nào...!”. Với tôi, sự giúp đỡ của anh như vậy là quá đủ dù là nhỏ bé nhưng đáng quý biết bao giữa cuộc sống còn đang bộn bề gánh nặng cơm áo...

Ý kiến của bạn