Điều đáng nói là bệnh nhân này có tiền sử ho ra máu do giãn phế quản nên đã dùng thuốc Bạch Cập – một loại thuốc Đông Y để điều trị xuất huyết và bệnh nhân có ăn thêm quả hồng ngâm trước khi nhập viện. Không loại trừ khả năng, khi vào dạ dày bột thuốc quyện cùng với thức ăn là thực phẩm khó tiêu như thịt nạc, chất xơ đã tạo nên những khối bã thức ăn kết dính “khủng” gây đau bụng và tổn thương loét trong dạ dày.
Theo như người nhà bệnh nhân, cách đây không lâu, người bệnh có xuất hiện những cơn đau âm ỉ ở vùng thượng vị. Do có tiều sử ho ra máu, nên bệnh nhân đã dùng thuốc Bạch Cập để cầm máu. Tuy nhiên, cơn đau không thuyên giảm mà có chiều hướng tăng, xuất hiện những cơn đau quặn, đầy bụng, ăn kém, không tiêu, gầy sút, nôn ra nhiều dịch màu xanh đen… Gia đình đưa người bệnh đến Bệnh viện E cấp cứu.
Gắp thành công 2 khối bã thức ăn “khủng” trong dạ dày.
Tại đây các bác sĩ đã thăm khám và chỉ định cho người bệnh nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng. Kết quả nội soi, bệnh nhân bị loét thực quản do trào ngược nhiều, viêm loét hang vị-ống môn vị. Điều bất ngờ là trong quá trình nội soi, bác sĩ đã phát hiện ra 2 khối bã thức ăn màu xanh đen, kích thước lớn 5cm và 3 cm, tròn nhẵn, cứng chắc trong dạ dày người bệnh.
Thông thường những dị vật bã thức ăn lớn trong dạ dày như vậy thì bệnh nhân phải phẫu thuật mới lấy ra được.
ThS.BS Vũ Hồng Anh – trưởng Khoa Nội soi - Thăm dò chức năng đã tiến hành cắt gắp khối bã thức ăn qua nội soi ống mềm. Bằng cách cắt nhỏ khối bã lớn thành nhiều mảnh, rồi lấy ra ngoài qua đường miệng bệnh nhân. Tổng thời gian thực hiện thủ thuật nội soi can thiệp kéo dài hơn 30 phút. Cuối cùng toàn bộ khối bã thức ăn đã được lấy ra toàn bộ.
ThS Vũ Hồng Anh cho biết: Đây không phải lần đầu tiên các bác sĩ khoa Nội soi - Thăm dò chức năng, Bệnh viện E phát hiện và điều trị thành công những trường hợp dị vật và khối bã thức ăn trong dạ dày bằng kỹ thuật nội soi. Nhờ kĩ thuật nội soi can thiệp, người bệnh đã tránh được phẫu thuật, hồi phục sức khỏe sớm, ăn uống bình thường trở lại sớm sau thủ thuật.
Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, khối bã thức ăn thường gặp ở người già. Hình thành khối bã khi thực phẩm có nhiều chất tanin như hồng ngâm, xoài xanh, ổi… và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng, thịt nạc, gân... Cộng thêm thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn. Nguy hiểm nữa, cùng với việc người già thường uống nhiều loại thuốc đông y khiến chúng quyện với thức ăn khó tiêu như thịt, chất xơ tạo thành khối bã thức ăn “khủng” trong dạ dày người bệnh.
Vì thế, theo các bác sĩ, để dự phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, cần lưu ý cách ăn uống cho người cao tuổi: thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ, mềm.. Mọi người nên uống đủ nước; tập thể dục đều đặn (giúp ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt); nấu chín thức ăn, nhai kỹ khi ăn - đặc biệt là người già. Không nên nuốt những thức ăn dai, cứng như gân, sụn để tạo thành nhân cho thực phẩm khác kết dính, vón cục. Không nên ăn quá nhiều đồ ăn có chất chát như ổi, hồng xiêm, quả hồng giòn... và đồ ăn như măng khô, ăn với lượng lớn, trong thời gian dài khối bã thức ăn sẽ dần tích tụ, gây tắc ruột, ảnh hưởng đường tiêu hoá.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kĩ và sử dụng các loại thuốc dạng bột hoặc loại thuốc dạng sắc đúng cách để không gây phản tác dụng, dẫn đến các hậu quả đáng tiếc.