Gạo trắng: nguyên nhân gia tăng số bệnh nhân đái tháo đường

16-08-2014 17:42 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Gạo trắng là thực phẩm chính trong khẩu phần ăn của người Việt, với khoảng 70% năng lượng từ chất đường làm tăng mức độ đáp ứng đường máu ở Việt Nam trong độ tuổi từ 60-65, khiến nguy cơ bệnh đái tháo đường ĐTĐ tăng cao

Chiều 15-8, tại Hà Nội, Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế đã phối hợp với Viện Nghiên cứu FANCL (Nhật Bản) tổ chức hội thảo cập nhật một số giải pháp về dinh dưỡng phòng chống bệnh đái tháo đường và ký kết chương trình hợp tác nghiên cứu về dinh dưỡng giữa hai viện.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nêu rõ, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với gánh nặng ngày càng gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là tim mạch, ung thư và đái tháo đường. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ bệnh ĐTĐ tăng nhanh nhất thế giới. Qua các điều tra của ngành Y tế cho thấy năm 2012, tỷ lệ rối loạn dung nạp đường huyết lứa tuổi 30-69 là 12,%, tỷ lệ ĐTĐ lứa tuổi 30-69 là 5,7% tăng gấp đôi so với kết quả điều tra năm 2002. Trong khi đó theo số liệu của Quỹ đái tháo đường quốc tế (IDF), ước tính năm 2013, Việt Nam có khoảng 3,3 triệu người mắc và trên 50.000 ca tử vong có liên quan tới bệnh ĐTĐ và nằm trong 5 nước có số mắc bệnh cao nhất khu vực Tây Thái Bình Dương. Đáng lo ngại, ĐTĐ cũng là bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: biến chứng về mắt, tim mạch, thần kinh và suy thận.

 

Lễ ký kết giữa Viện trưởng Viện Dinh dưỡng với Viện trưởng Viện Nghiên cứu FANCL
Lễ ký kết giữa Viện trưởng Viện Dinh dưỡng với Viện trưởng Viện Nghiên cứu FANCL

 

Trước thực trạng đáng báo động về sự gia tăng của bệnh ĐTĐ, GS. Shigeru Yamamoto, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dinh dưỡng và văn hóa ẩm thực châu Á, Đại học Jumoji, Tokyo, Nhật Bản cho biết: Qua các nghiên cứu cho thấy chế độ dinh dưỡng của người châu Á, cũng như người Việt Nam do thói quen ăn gạo trắng là nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc ĐTĐ ở người châu Á và Việt Nam cao hơn và dễ mắc hơn. “Chế độ ăn giàu chất đường bột của người Việt Nam (chủ yếu là gạo trắng) là nguyên nhân chính dẫn đến người Việt Nam bị ĐTĐ ở BMI (chỉ số cân nặng cơ thể) bình thường chứ không phải yếu tố di truyền. Vì thế cần phải giảm lượng sử dụng gạo trắng và tăng cường sử dụng dầu thực vật và dầu cá để hạn chế nguy cơ mắc ĐTĐ...”- GS. Shigeru Yamamoto nhấn mạnh. Còn TS. Yasushi Sumida, Viện trưởng Viện nghiên cứu FANCL nêu rõ, những nghiên cứu ở Nhật Bản cho thấy việc sử dụng gạo lật nảy mầm thay thế gạo trắng, hoặc kết hợp thay thế một phần gạo trắng bằng gạo lật nảy mầm trong dinh dưỡng sẽ giúp ngăn ngừa và kiểm soát bệnh ĐTĐ cho người châu Á và Việt Nam tốt hơn.

Trong khi đó, về phía Viện Dinh dưỡng, TS Bùi Thị Nhung- Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và Ngành nghề cho biết, qua các nghiên cứu: Gạo trắng là thực phẩm chính trong khẩu phần ăn của người Việt, với khoảng 70% năng lượng từ chất đường làm tăng mức độ đáp ứng đường máu ở Việt Nam trong độ tuổi từ 60-65, khiến nguy cơ bệnh ĐTĐ tăng cao. Với việc sử dụng gạo lứt, gạo lật nảy mầm sẽ làm giảm mức độ đáp ứng đường máu sau ăn hơn so với gạo trắng. Hơn nữa, gạo lứt, gạo lật nảy mầm còn có giá trị dinh dưỡng cao hơn gạo trắng và có tác dụng giảm béo phì và tăng cường sức khỏe cho phụ nữ đang cho con bú./

V.A

 

 


Ý kiến của bạn