Gạo là lương thực chính của người dân Việt Nam và các nước Á Đông, cung cấp năng lượng chính trong ngày. Từ gạo chế biến được nhiều dạng như phở, bún, miến... Gạo có chứa protein, lipid, tinh bột, các loại đường, sinh tố, B1, Fe, Ca, P... Gạo cũng là vị thuốc chữa nhiều bệnh.
Theo Đông y, gạo vị ngọt, tính bình; vào tỳ, vị. Có tác dụng bổ trung, ích khí, kiện tỳ hoà vị trừ phiền, chỉ tả, chỉ lỵ. Dùng cho các trường hợ tỳ vị hư nhược, mệt mỏi, ăn kém, chậm tiêu, đầy tức bụng, tiêu chảy, kiết lỵ. Sau đây là một số món ăn thuốc từ gạo tẻ.
Cháo Bạch hổ thang là món ăn thích hợp cho người sốt cao, vã mồ hôi, kích thích vật vã, đau đầu mỏi mệt.
Cháo gạo tẻ: Nấu ăn thường nhật, vào buổi sáng, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em, có tác dụng bổ dưỡng cơ thể, dễ tiêu hoá hấp thụ. Theo “Trửu hậu phương” ngày ăn hai bữa cháo có tác dụng điều hoà công năng tiêu hoá, trấn tâm an thần.
Cháo trắng hoàng kỳ: Gạo tẻ 300g, hoàng kỳ 30g. Nấu cháo chia 4 lần ăn trong ngày. Dùng cho phụ nữ trong 3 tháng đầu thai nghén, bị động thai đau bụng.
Cháo rễ sậy: Rễ sậy tươi 60 - 80g, gạo tẻ 50g nấu cháo vớt bỏ bã. Dùng cho người sau khi bị các bệnh nhiễm khuẩn (nhiệt bệnh), biểu hiện da nóng, bứt rứt, khát, loét miệng, nôn. Đặc biệt là trẻ em bị sốt, nôn.
Cháo đảng sâm hoàng kỳ: Chích hoàng kỳ 20g, đảng sâm 16g, gạo tẻ 200g, đường trắng vừa ăn. Gạo tẻ, hoàng kỳ, đảng sâm cùng nấu cháo, cháo chín nhừ, lọc bỏ bã thuốc, thêm đường, đun sôi. Dùng cho các bệnh nội khoa, người cao tuổi thể trạng hư nhược, thở gấp, thở ngắn, tim đập mạnh, vã mồ hôi (tự hãn), tỳ vị hư, bị chứng lỵ mạn tính, ăn kém, chậm tiêu.
Bạch hổ thang: Ngạnh mễ (gạo tẻ) 40 - 120g, sinh thạch cao 40 - 120g, tri mẫu 12 - 20g, cam thảo 8 - 10g. Thạch cao đập vụn, cam thảo, tri mẫu được gói trong vải xô, cùng đem nấu với gạo tẻ và một lượng nước sạch thích hợp. Đun to lửa cho gạo chín nhừ, bỏ bã, gạn nước cho uống ngày 3 lần. Dùng cho các trường hợp sốt cao, vã mồ hôi, kích thích vật vã, đau đầu mỏi mệt. Các hội chứng bệnh lý này nếu không được xử trí kịp thời sẽ dẫn đến trụy tim mạch, huyết áp tụt, hôn mê (do hậu quả của sốt cao mất nước).
Bạch hổ thang được dùng như một dạng truyền dịch cấp của Y học cổ truyền (đun nhanh to lửa, cho uống liền). Liều lượng trong thực đơn có thể thêm bớt theo chỉ định của thầy thuốc.
TS. Nguyễn Đức Quang