Ngày 6/4, trao đổi nhanh với phóng viên Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống), ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội QLTT số 1 (Cục QLTT TP Hà Nội) cho biết, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm Gạo Ông Cua ST25 giả được gia công, đóng gói rất tinh vi, giống hàng thật 100% và bằng mắt thường, người tiêu dùng rất khó hoặc không thể nhận biết được đâu là hàng thật - giả.
"Kể cả khi đặt hai túi Gạo Ông Cua ST25 thật - giả bên cạnh nhau mà không đánh dấu, chắc chắn người tiêu dùng không thể nhận biết được hàng "xịn". Bởi hàng giả với hàng thật giống nhau từ màu chữ, màu bao bì đến công nghệ in 3D, tem chống hàng giả cũng được đặt đúng vị trí như hàng thật", ông Nghĩa cho hay.
Do đó, để nhận biết Gạo Ông Cua ST25, người tiêu dùng chỉ cần sử dụng phần mềm Icheck để kiểm tra mã Qrcode trên bao bì sản phẩm.
Ông Nghĩa cho biết: "Nếu là hàng thật, chính hãng, trên phần mềm Icheck sẽ cho kết quả về số seri, ngày sản xuất, hạn sử dụng của bao gạo và các thông tin của nhà sản xuất. Nếu là hàng giả, khi kiểm tra sẽ không cho kết quả".
"Hàng giả có thể làm giống hàng thật nhiều điểm như chữ, nhãn… riêng mã Qrcode có thể in mã giống hàng thật nhưng không thể quét ra thông tin về nhà sản xuất. Đây là điểm duy nhất người tiêu dùng có thể sử dụng để phân biệt Gạo Ông Cua ST25 thật - giả", ông Nghĩa cho hay.
Đội trưởng Đội QLTT số 1 khuyến cáo người tiêu dùng, ngoài việc kiểm tra bằng phần mềm Icheck, khi mua Gạo Ông Cua ST25, người tiêu dùng cảm thấy có điểm đáng nghi ngờ trên bao bì, hình ảnh sản phẩm thì cần loại trừ luôn để tránh "tiền mất, tật mang".
Bởi theo ông Nghĩa, nhà sản xuất sẽ không bao giờ sơ xuất trong việc cho ra một sản phẩm thật, chính hãng, có số seri.
Liên quan đến vụ việc phát hiện hàng loạt sản phẩm Gạo Ông Cua ST25 giả tại nhiều cơ sở kinh doanh gạo trên địa bàn TP Hà Nội vào ngày 5/4, ông Nghĩa cho biết, lực lượng chức năng hoàn tất đến 90% việc xác minh hành vi vi phạm.
Vì đây là mặt hàng thực phẩm giả nên theo quy định, Đội QLTT số 1 dự kiến vào đầu tuần tới, sẽ chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan cảnh sát điều tra để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Trước đó, Ngày 05/4, Đội QLTT số 1, 5 và 15 (Cục QLTT thành phố Hà Nội) đồng loạt kiểm tra đột xuất 06 Cơ sở kinh doanh gạo nằm rải rác trên địa bàn 03 quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và Hoài Đức.
Cụ thể: Cơ sở kinh doanh Hệ thống phân phối Minh Thu Gạo Sạch (số 281 Tân Mai, Quận Hoàng Mai); Cơ sở kinh doanh Gạo Đình Phong (Đường Mới Thịnh Liệt, Quận Hoàng Mai); 03 Cơ sở kinh doanh Gạo Hồng Hằng (số 55, ngõ 150 phố Tân Khai, Quận Hoàng Mai); Cơ sở kinh doanh Gạo (số 19C Nguyễn Chính, Quận Hoàng Mai);
Cơ sở kinh doanh Gạo Tuấn Lý (số 288, Đường 422, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức); Cơ sở kinh doanh Siêu thị gạo sạch (số 25 đường Vĩnh Tuy, Quận Hai Bà Trưng).
Bước đầu ghi nhận, hoạt động kinh doanh hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh nói trên đều kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam; có dấu hiệu là hàng giả về bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa; giả mạo mã số mã vạch của hàng hóa, giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa.