Gạo nếp cũng có tác dụng hỗ trợ trị nhiều bệnh

SKĐS - Gạo nếp được xếp vào nhóm thuốc bổ, thích hợp dùng trong các trường hợp có tình trạng kém ăn, buồn nôn, tiêu chảy, người dễ ra mồ hôi, mệt mỏi, suy nhược thần kinh, khó thở do khí hư.

1. Gạo nếp có tác dụng gì với sức khỏe?

Theo quan điểm của y học cổ truyền, gạo nếp có tính ấm, vị ngọt, tác dụng bổ khí kiện tỳ vị chỉ tả, ôn ấm trung tiêu, cố biểu liễm hãn (giảm tiết mồ hôi) và giảm đi tiểu thường xuyên.

Gạo nếp được xếp vào nhóm thuốc bổ, quy vào kinh phế và tỳ vị. Vì vậy thích hợp dùng trong các trường hợp có tình trạng kém ăn, buồn nôn, tiêu chảy do tỳ vị khí hư, hay người dễ ra mồ hôi, mệt mỏi, suy nhược thần kinh, khó thở do khí hư.

Gạo nếp có tác dụng rất tốt trong việc điều hòa tỳ vị khi dùng làm thuốc, vì theo quan điểm y học cổ truyền, vị ngọt có thể bổ tỳ vị, do đó trị buồn nôn, nôn, đầy hơi, tiêu chảy do tỳ vị khí hư, từ đó có thể làm tăng cảm giác thèm ăn và thúc đẩy quá trình kiện vận.

Gạo nếp còn có thể dùng làm thuốc an thần, bổ tâm huyết, vì vậy đối với các trường hợp mất ngủ, mơ màng, khó chịu, hồi hộp, khó thở do tâm huyết hư thì gạo nếp có thể dùng làm thuốc giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Sau khi sinh con, một số phụ nữ bị suy nhược do chảy máu nhiều và bị khí hư trầm trọng (khó thở, hụt hơi, mệt mỏi, đổ mồ hôi về đêm, chóng mặt, hoa mắt, táo bón sau sinh..). Thời gian này, có thể thường xuyên ăn một ít gạo nếp để cải thiện tình trạng khí huyết hư suy, giúp cơ thể mau chóng phục hồi. Ngoài ra, người bệnh đau dạ dày cũng có thể ăn một ít gạo nếp một cách thích hợp.

Gạo nếp cũng có tác dụng hỗ trợ trị nhiều bệnh- Ảnh 2.

Gạo nếp được xếp vào nhóm thuốc bổ với cơ thể.

2. Một số bài thuốc chữa bệnh từ gạo nếp

- Chữa động thai

Nguyên liệu: Gạo nếp 10gr, hoàng kỳ 30gr, xuyên khung 30gr.

Cách sử dụng: Mỗi ngày uống 1 thang, chia làm 3 lần uống.

Tác dụng: Bổ khí an thai. Thường dùng trong trường hợp động thai, đau bụng, ra máu hoặc ra nước đục trong thai kỳ.

- Chữa nôn liên tục

Cách 1: Gạo nếp 20gr, gừng tươi 3 lát. Gạo nếp sao vàng, sắc cùng với gừng, lấy nước uống.

Cách 2: Gạo nếp ngâm nước một ngày một đêm, thay 2-3 lần nước, vo rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, sao vàng và tán bột sẵn. Khi dùng hòa 10-20gr với nước sôi, cho thêm chút đường uống. Thường dùng trong trường hợp nôn khan do trào ngược dạ dày thực quản, hẹp môn vị, thai nghén...

- Tiêu khát thể phế âm hư

Nguyên liệu: Thiên hoa phấn 20gr, sinh địa 12gr, mạch môn 12gr, cam thảo 8gr, ngũ vị tử 8gr, gạo nếp 10gr.

Cách dùng: Sắc lọc bỏ bã, lấy nước uống trong ngày.

Tác dụng: Dùng trong trường hợp tân dịch hao tổn, khát nước uống nhiều, họng ráo, miệng khô, đi tiểu nhiều lần, rêu vàng mỏng, mạch hồng sác.

Gạo nếp cũng có tác dụng hỗ trợ trị nhiều bệnh- Ảnh 3.

Gạo nếp sao vàng.

Ngoài ra, gạo nếp cũng thường được dùng trong chế biến dược liệu y học cổ truyền:

- Rượu ủ từ gạo nếp: Đây là một nguyên liệu phổ biến dùng để sao tẩm, chế biến các loại dược liệu y học cổ truyền nhằm giúp tăng tính ôn ấm trung tiêu cho dược liệu.

- Nước vo gạo (mễ trấp): Dùng nước vo gạo để tẩm vào thuốc (bạch truật), nhằm tăng tác dụng kiện tỳ, giảm tính háo của vị thuốc. Hoặc dùng để ngâm một số vị thuốc nhằm loại đi các chất có vị chát (tanin) trong dược liệu (hà thủ ô), hoặc loại đi các chất có mùi hắc, tính háo nhiệt (thạch xương bồ, thủy xương bồ…).

Mời bạn xem tiếp video:

Những người không nên ăn cơm rượu nếp | SKĐS


BS. Bùi Thị Yến Nhi
Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh - Cơ sở 3
Ý kiến của bạn