Gánh nợ văn chương

01-02-2014 06:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Một hôm có ông Trương Nhuận là Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ gõ cửa nhà tôi, tay ôm bọc bản thảo nói là của Châu La Việt từ Sài Gòn gửi ra để anh đọc rồi cho vài trang đầu sách gọi là lời tựa.

Một hôm có ông Trương Nhuận là Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ gõ cửa nhà tôi, tay ôm bọc bản thảo nói là của Châu La Việt từ Sài Gòn gửi ra để anh đọc rồi cho vài trang đầu sách gọi là lời tựa.

Nhìn đống chữ trên bàn mà lo, lại mừng vì đã nhận được hồi âm của người bạn dưới tuổi nhiều năm bặt vô âm tín nay mới hiện về.

Rót nước mời khách tôi thủng thẳng, trong ấy ông này sống ra sao nhỉ, có dạo nghe tin đang ở mặt trận Lào, hành quân qua Cánh đồng Chum vào Bôlôven, nửa đêm gối đầu lên súng nhìn sao, gió lục địa lùa chạy như lửa thổi. Nằm để thức nghe người chỉ huy tiểu đoàn kể chuyện. Hồi ấy, tao cũng đang còn trẻ như các chú mày bây giờ, cùng đồng đội đuổi một sư Lê Dương chúng nó quẳng cả xe pháo mũ kiếm, vừa chạy vừa thở chửi con mẹ Việt Minh đuổi gì mà đuổi gớm thế này. Còn tụi mình thì cũng vừa đuổi vừa thở chứ chẳng hơn gì, hỏi nhau tụi này mất hồn mất vía hay sao thế nhỉ. Qua đây gặp một đống chum đá rải rác, lấy làm lạ, bảo là để chứa nước cho người qua đường uống chả chắc đã phải, lãnh đạo nói là để nhà vua đựng rượu dọc đường khao quân. Nghe thế thì biết thế. Đi vài ba ngày nữa là vào đến cao nguyên, một vùng đất bằng cây cỏ hoa lá xanh tốt, lúa bời bời, con gái như tiên giáng trần ngồi dệt cửi ra sông kín nước, mưa suốt ngày, sương mù lảng bảng như khói, đất trời mát mẻ như trong động. Nhiều thằng ao ước giá mà được ở lại đây làm một cô vợ sinh cơ lập nghiệp.

Đám Châu La Việt cũng lại nghe thế thì biết thế, họ thầm thì với nhau, ông này đang dùng mẹo Tào Tháo kể chuyện vườn mơ trong Tam Quốc để quân ta đi hăng đây mà.

Như muốn kéo tôi trở lại với chủ đề hôm nay, khách bèn ngắt lời, trong ấy giờ các cháu nhà ấy đều đã trưởng thành, đứa nào cũng học hành đàng hoàng, bà chị đảm đang, là giám đốc một đơn vị kinh doanh. Ông ta vẫn hì hục làm báo, rỗi rãi ngồi nhà viết văn, cắm đầu viết như thằng ngộ chữ. Lần này nhặt ít trang gửi ra để làm tội bác.

Sau tuần trà thứ hai tôi lại thủng thẳng, cũng chưa rõ văn chương của nó thế nào, nhưng dù chưa đến đâu thì đã làm sao. Thời buổi thiên hạ đua chen kiếm tiền, chạy đôn chạy đáo, ngược xuôi sấp ngửa, vậy mà lại có đứa cặm cụi đánh vật với chữ bảo không trân trọng sao được.

Mình xem ra các ông đều dòng dõi thư hương, dòng dõi mặc hương, nó là dấu hiệu văn hóa mang tính truyền thống lâu đời. Cái mùi sách mùi mực nó lạ lắm, dai dẳng đeo bám. Ra ngoài nghe có ai nhắc thằng cha ấy đặc thư hương nết nhà, vậy là đủ thấy phải quí nể.

Việc cầm bút với các ông đâu phải chuyện khó khăn, chỉ là lúc nào viết mà thôi. Nay vẫn chưa viết thì đợi một khi khác, đi đâu mà vội. Viết chẳng qua cũng chỉ là một nhu cầu tự thân, là thả lòng giãi bày cái tâm cái chí chứ toan tính gì danh lợi, kẻ khoác áo hư hão trà trộn vào chốn ấy mưu mẹo kiếm chác tiến thân là nhục lắm, chả ra làm sao.

Viết trước tiên là để cho mình, chưa hay phải cố bằng hay, một khi mình chưa thích thì bảo ai thích nổi, đó là một đời theo đuổi cái thiện cái đẹp. Trước cái thiện cái đẹp là cái chân. Nói cho đến cùng thì cũng chẳng nên khoe sự viết khỏe, có phải chuyện gánh nước bổ củi gì đâu mà bảo khỏe hay yếu, ít hay nhiều. Các bậc trí giả xưa nhiều người để lại cả chục xe sách, lại có người chỉ để lại vài bài phú vài bài thơ. Thế cũng xong, chả ai so đo hiềm tị ông để lại nhiều tôi để lại ít. Nhiều ít chưa phải đã là giá trị ở đây. Có câu lập thân tối hạ thị văn chương, phàm thằng con trai lớn lên đứa nào chả phải tính đến việc lập thân, không công hầu khanh tướng thì bét ra cũng phải cố mà có lấy dăm ba trang sách, cho nên phải giữ sự tao nhã, chớ mang nó làm những chuyện xoàng xĩnh.

Ông bầu gánh hát vừa nghe tôi độc thoại vừa nhấp nhổm xem đồng hồ ra ý muốn đi. Tiễn khách tới hành lang chung cư tôi quay vào một mình ngồi với một mình. Nhớ lại thấy thời gian đi nhanh quá, thoáng cái đã có trên bốn chục năm kể từ buổi gặp nhau lần đầu của hai anh em, tôi và Châu La Việt. Đó là ngày tôi lấy vợ, hôm ấy bạn bè Hà Nội đạp xe sang Bắc Ninh có đến vài chục. Tay bắt mặt mừng, vừa thấy nhau cậu ta đã tuyên bố một câu xanh rờn, trước sau em nhất định phải viết, viết được gì sẽ gửi anh đọc chơi, bút danh em cũng chọn cho mình rồi, Châu La Việt.

Khách khứa đông nên tôi chỉ kịp gật gù, nghe bút danh thế được đấy, chắc hẳn là tên mấy con sông con ngòi tuổi thơ chú. Một nụ cười rộng rãi, một đôi mắt sáng, một cái trán nom vào đã thấy bướng của thằng con trai mười bảy, đấy là Châu La Việt lần đầu về nhà tôi.

Đến cuối năm, Hà Nội sắp bước vào một cái Tết của thời chiến, trong Phủ Chủ tịch tổ chức một cuộc gặp gỡ lớn, một số văn nghệ sĩ cũng có mặt. Chiều sẩm trong khu vườn trông sang ao cá nhà Bác, tôi đứng nói chuyện hồi lâu với chị Tân Nhân. Chị là nghệ sĩ xuất sắc của nền âm nhạc ta và cũng là mẹ của Châu La Việt.

Tôi hỏi thăm thì chị kể, sau lần sang chú dự cưới về nó bảo phải đi cái đã, chả biết nó nghĩ gì mà nói thế, rồi ngồi viết đơn xin vào bộ đội. Đang ở Lào rồi, mặt trận rộng, tôi cũng chỉ mới biết vậy. Chắc nay mai nó sẽ có thư cho chú. Gia đình chúng tôi cũng chủ trương phải sớm cho cháu lội vào gian khổ tập lặn tập ngụp.

Nó đang dọa tôi sẽ viết văn, phải đi cái đã là có ý bảo không đi không thể viết được cái gì ra hồn. Chị chả nên lo lắng nhiều, thằng này xem tướng cách không phải vừa, đời sẽ nhào nặn nó thành người.

Đấy là tôi muốn an ủi để chị yên lòng về cậu con trai trưởng hình như gặp long đong ngay từ thuở lọt lòng. Chị nhìn tôi rồi cười nhẹ, một nụ cười nhiều nỗi niềm.

Trong ánh sáng tưng bừng dạ hội, theo yêu cầu của đồng chí Thủ tướng, chị đứng lên hát Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ. Hát như rút ruột mà hát. Đám đông lặng phắc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng bước đến ân cần đặt vào tay chị một bông hồng thắm.

*

Tôi đọc “Những tầng cây săng lẻ” trong vòng một tuần, mất thêm một tuần nữa loanh quanh nghĩ về bảy truyện ngắn trong tập này. Loanh quanh không phải để tìm một hướng viết lời tựa mà vì sức ám ảnh của những trang văn Châu La Việt.

Từ những trang viết ấy tôi gặp lại tiếng gió lùa xào xạc vòm lá những cánh rừng xa, tiếng gọi nghiêm trang của những năm tháng xa. Những cánh rừng trận mạc, những tháng năm trận mạc và tôi thầm cảm ơn anh về điều đó, đấy là một giá trị làm nên sức nặng cho những trang viết.

Không có sự bắt đầu nào là toàn bích, những trang viết đầu tay của mỗi nhà văn ít nhiều nhìn lại đều thấy có những thiếu hụt, với thời gian sẽ được lấp dần đầy. Cái có thể để người đọc đặt niềm tin nơi anh là sau những năm tháng lăn lộn nay anh đã thành từng trải.

Ngoại trừ “Theo gió trăng ngàn” có phần lạc lõng, đó là những kỷ niệm nhuốm màu lãng mạn cũ rích, là những gì của ai khác, ở một đời sống mà tác giả không được trải nghiệm. Sáu truyện còn lại rất nên bàn, mỗi truyện mang một vẻ riêng mà vẫn có chung một mạch văn, một hơi thở tinh thần của tác giả. Mộc mạc điềm nhiên, đôi chỗ vụng về, ấy vậy mà lại khơi gợi và ấm áp.

Bốn truyện đặt trong lòng sách đều là những truyện ít nhiều còn đang sơ sài, nghĩ sơ sài viết cũng sơ sài. Thật tiếc vì nếu anh đừng quá vội, nếu anh giữ được sự chậm rãi kỹ lưỡng, chịu khó bồi đắp nhiều hơn thì đó sẽ là những truyện ngắn vững vàng.

Tập sách tựu trung chỉ còn có hai cái ở đầu và cuối sách là đáng kể. Mở đầu bằng “Những tầng cây săng lẻ”. Một truyện ngắn công phu, tuyến truyện phát triển tưởng như đơn giản, chỉ là một tự sự của người lính trẻ, vậy mà lôi cuốn. Nó là một truyện hay, uyển chuyển nhịp điệu, giản dị như không cần bất cứ một sự cầu kỳ phô diễn nào hết.

Đặt cuối sách là truyện “Mai Pi Muôn”, tiếng đồng bào nghĩa là “một hai ba”.

Bút pháp tung hoành, điêu luyện và mới mẻ. Một Tây Nguyên hào sảng, hoành tráng hiện lên giữa những xô đẩy dữ dội của lịch sử đất nước. Không gian truyện rất gần không gian sử thi. Nhà văn trong khi đi tìm vốn sống ngoài đời cũng là đi tìm vốn sống đầy ắp cất giấu trong lòng mình. Những mảng hiện thực ở đây hiện lên ngồn ngộn, những nhân vật, những tình tiết, những cảm xúc ồ ạt tràn ngập làm ngợp hồn người đọc. Đây là một thiên truyện được viết một mạch hào hứng, đầy tự tin, một bản lĩnh vững vàng.

Tây Nguyên giữ một vị trí đặc biệt trong đời sống chung dân tộc, là một đề tài lớn cho nhiều nhà văn đã và còn tiếp tục khám phá. Thiên truyện này của Châu La Việt chỉ là một thành tựu nằm cạnh nhiều thành tựu khác, điều đáng nói ở đây, nó là một thành tựu mang ý nghĩa đẳng cấp, không thấy có nhiều lắm.

Sự đột trội của hai truyện vừa kể này đã khiến cho những truyện khác ở tầm trung bình trong sách thành vô duyên đôi chút, nhưng biết làm sao, đòi hỏi hết thảy mọi cái viết ra đều phải có đẳng cấp là không tưởng, ngay cả những tác giả đồ sộ cũng khó làm nổi.

Được biết anh vốn đã làm báo nhiều năm, báo có yêu cầu có đặc thù của báo, văn lại có yêu cầu, có đặc thù của văn, kinh nghiệm cho biết khi ngồi vào bàn văn ta phải nhanh chóng đẩy tay nhà báo trong mình lùi vào phía sau. Thường thì anh ta rất thích xúi bẩy vớ vẩn khiến cái ta viết ra dễ văn báo lẫn lộn. Ở đời không thiếu gì sự lẫn lộn nhưng cái lẫn lộn này nó làm khổ con người ta lắm lắm. Đến chữ nghĩa cũng đâm lười nhác, mất hết nhung tuyết.

*

Hình như đời văn cũng nên dài và nên sinh động như một dòng sông lớn, lắm ghềnh thác, quanh co uốn khúc, mùa vơi mùa đầy, rất giàu màu sắc nhịp điệu.

Những năm sắp đến với một Châu La Việt cầm bút chắc hẳn phải là một chặng đường cật lực, không ít nhọc nhằn mà cũng không ít kiêu hãnh. Biết làm sao, nếu muốn nhàn thân thì đã chẳng lựa chọn con đường khốn khổ này.

Người ta thường nói “con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh”. Trong ta như một thứ di truyền đã có sẵn từ buổi chào đời, đó là cái nết thư hương con nhà. Cái mùi sách mùi mực rồi ra nó sẽ còn dẫn dụ ta đi đến những đâu không rõ. Và không thể khác, đói no sang hèn, vẫn cứ phải cầm bút, bạn bè đang chờ đợi ở ta, hãy viết như mẹ ta đã hát.

Ngậm từng chữ nhả từng lời, đau như lòng tằm và sang như tấm lụa tằm tơ, say mê tột cùng mà yêu dấu cũng tột cùng.

Nhớ buổi ông Trương Nhuận ôm tập bản thảo của Châu La Việt đến tìm tôi, lúc sắp ra về tôi đã cầm tay như muốn nhắn một lời với cả hai. Rằng tôi vẫn đang chờ đợi. Cái khó không phải ở chỗ các ông không viết được mà là liệu đến lúc nào mới viết. Không phải các ông nợ nần gì tôi mà là các ông đang mắc nợ cuộc đời này. Cũng không phải chỉ riêng tôi giục mà thư hương nết nhà các ông nó đang giục.           

Nhà văn Đỗ Chu


Ý kiến của bạn