Hà Nội

Gánh nặng chi phí điều trị sốt xuất huyết

03-09-2015 14:50 | Thời sự
google news

SKĐS - Điều tra của Bộ Y tế cho thấy, chi phí cho một bệnh nhân sốt xuất huyết dengue dao động từ 40,7 USD đến 122,5 USD, tương đương từ 900.000 đến 2.700.000 đồng tùy theo độ nặng và tuổi của người bệnh.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sốt xuất huyết dengue là bệnh lưu hành ở hầu hết các tỉnh thành phố của Việt Nam. Giai đoạn 2006-2010, trung bình mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 100.775 người mắc, và khoảng 96 người tử vong; giai đoạn 2010-2012 ghi nhận trung bình khoảng 94.686 trường hợp mắc, với khoảng 50 người tử vong. Khi mắc bệnh sốt xuất huyết dengue, người bệnh phải nghỉ học, nghỉ làm để điều trị bệnh, người thân phải nghỉ làm để chăm sóc người bệnh. Gánh nặng kinh tế, xã hội người dân phải chịu không hề nhỏ so với thu nhập của mỗi hộ gia đình, ảnh hưởng tới an sinh xã hội.

Theo nghiên cứu của Bộ Y tế tại một số bệnh viện thuộc khu vực miền Nam, trung bình mỗi người bị bệnh sốt xuất huyết dengue sẽ phải nghỉ để điều trị bệnh từ 7-14 ngày, người thân phải nghỉ việc để chăm sóc người bệnh từ 7-9 ngày. Chi phí cho người bệnh sốt xuất huyết dengue mà người dân phải chi trả bao gồm các chi phí trực tiếp cho y tế như khám, xét nghiệm, điều trị ngoài ra còn các chi phí khác như mua vật dụng, đi lại, chi cho người chăm sóc và chi phí bị mất do nghỉ việc và rất nhiều các khoản chi phí khác nữa.

Điều tra của Bộ Y tế cho thấy, chi phí cho một bệnh nhân sốt xuất huyết dengue dao động từ 40,7 USD đến 122,5 USD, tương đương từ 900.000 đến 2.700.000 đồng tùy theo độ nặng và tuổi của người bệnh. Bên cạnh đó còn chi phí của Chính phủ để duy trì hoạt động của hệ thống khám chữa bệnh chưa được tính đến.

Sốt xuất huyết đã và đang gây ra gánh nặng cho chi phí điều trị
Ảnh Internet
Sốt xuất huyết đã và đang gây ra gánh nặng cho chi phí điều trị Ảnh Internet

Với mức chi phí như trên, người dân sẽ giảm được gần 16 tỷ đồng chi phí cho mỗi 10.000 trường hợp mắc bệnh được phòng ngừa. Như vậy, năm 2013 đã giảm được gần 50 tỷ đồng và năm 2014 đã giảm được gần 100 tỷ đồng chi phí của người dân cho việc chăm sóc, điều trị bệnh sốt xuất huyết dengue tại bệnh viện so với giai đoạn 2010-2012.

Hiện nay, trên thực tế chưa phải tất cả mọi người đã ý thức được lợi ích và ý nghĩa của việc làm tốt công tác phòng bệnh và một số địa phương chưa ý thức được trách nhiệm đầu tư cho công tác phòng bệnh, sự huy động nguồn lực cho phòng chống sốt xuất huyết dengue còn gặp không ít khó khăn.

Cục Y tế dự phòng cho rằng, để giảm số người mắc sốt xuất huyết dengue hằng năm, giảm số người bệnh phải vào viện điều trị sẽ góp phần giảm gánh nặng cho công tác điều trị, giảm quá tải bệnh viện, giảm thiểu tối đa gánh nặng kinh tế và sức lao động của người dân, cần có sự quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp và ý thức phòng bệnh của mỗi người dân trong cộng đồng.

 

Không tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Theo Cục Y tế dự phòng, 8 tháng đầu năm 2015 cả nước ghi nhận gần 25 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 48 tỉnh, thành với 12 trường hợp tử vong. Thời điểm hiện tại, bệnh đang gia tăng mạnh tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Dù là bệnh lưu hành quanh năm, số lượng bệnh nhân mắc lớn nhưng Bộ Y tế khuyến cáo người bệnh sốt xuất huyết tuyệt đối không tự điều trị bệnh tại nhà.

Bộ Y tế khuyến cáo trong mùa sốt xuất huyết hiện nay, người dân bị sốt cao không nên tự điều trị tại nhà mà hãy đến bệnh viện khám để được bác sĩ tư vấn, dặn dò theo dõi. Khi được bác sĩ dặn dò theo dõi dấu hiệu, tái khám người dân sẽ biết cách nhận biết tốt dấu hiệu nguy cơ, thời điểm cần đến bệnh viện khi bị sốt xuất huyết. Bởi thực tế tuy nguy hiểm nhưng phần lớn các trường hợp sốt xuất huyết có thể chăm sóc tại nhà bằng cách uống paracetamol hạ sốt, nghỉ ngơi, tránh vận động nặng, cho ăn cháo, súp, sữa, uống nhiều nước chỉ khi có những diễn biến nặng mới nhập viện điều trị.

 

Thái Bình

 

 

 


Ý kiến của bạn