Đặc biệt, lượng tiêu thụ đồ uống có cồn tăng cao ở các quốc gia thu nhập thấp - trung bình như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, còn ở các quốc gia thu nhập cao lượng tiêu thụ đồ uống này duy trì ổn định.
Xu hướng tiêu thụ đồ uống có cồn tăng ở nước có thu nhập thấp
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học từ Trung tâm Sức khỏe tâm thần tại Toronto, Canada và Đại học Dresden, Đức cho thấy, mức độ tiêu thụ đồ uống có cồn gia tăng nhanh chóng và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong vài thập kỷ tới. Các nhà nghiên cứu thấy rằng trong khi lượng tiêu thụ đồ uống có cồn ở các quốc gia thu nhập cao không thay đổi nhiều thì ở các nước có thu nhập thấp - trung bình, lượng tiêu thụ này đang gia tăng ở tốc độ đáng kinh ngạc. Trên toàn thế giới, tổng số lượng đồ uống có cồn được tiêu thụ mỗi năm tăng tới 70% từ năm 1990 - 2017, từ 20 tỉ lít lên 35 tỉ lít.
“Trước năm 1990, hầu hết rượu, bia được tiêu thụ ở các nước có thu nhập cao, đặc biệt là các quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, mô hình này thay đổi đáng kể, với mức giảm lớn trên khắp Đông Âu và tăng mạnh ở một số nước thu nhập trung bình như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam” - ông Manthey cho biết. “Hơn nữa, xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục đến năm 2030, khi châu Âu không còn được dự đoán là có mức độ sử dụng đồ uống có cồn cao nhất.
Ở châu Âu, mức độ tiêu thụ rượu ở người trưởng thành tính theo đầu người mỗi năm giảm 12% từ 11,2 lít xuống còn 9,8 lít trong giai đoạn năm 2010 đến năm 2017. Mức độ tiêu thụ rượu, bia, đồ uống có cồn tăng 34% ở các nước Đông Nam Á từ 3,5 lít lên 4,7 lít. Ở Mỹ, mức tiêu thụ rượu đã tăng một chút không đáng kể từ 9,3 lít - 9,8 lít, ở Anh giảm từ 12,3 lít xuống còn 11,4 lít bình quân đầu người mỗi năm. Các khu vực có mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người thấp nhất được ghi nhận là Bắc Phi và Trung Đông.
Gánh nặng bệnh tật tăng lên cùng với sự gia tăng tiêu thụ rượu, bia.
Các nhà nghiên cứu cũng quan sát thấy rằng, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, khối lượng rượu tiêu thụ tăng cao hơn số người uống rượu, đồng nghĩa với việc lượng rượu trung bình mỗi người uống sẽ tăng lên. Cụ thể, mức tiêu thụ rượu nguyên chất trên đầu người mỗi năm tăng từ 5,9 lít năm 1990 lên 7,6 lít/người/năm vào năm 2030.
Nghiên cứu này cũng cho thấy, đến năm 2030, một nửa số người trưởng thành trên thế giới sẽ uống bia rượu và gần như một phần tư tương đương với 23% sẽ uống quá mức ít nhất một lần mỗi tháng.
Theo ông Manthey: “Việc sử dụng rượu, bia là phổ biến trên toàn cầu theo tôn giáo, các chính sách về tiêu thụ rượu, bia và mức độ tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia. Tăng trưởng kinh tế giải thích sự gia tăng tiêu thụ rượu, bia toàn cầu trong vài thập kỷ qua. Ví dụ, sự tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, Ấn Độ dẫn đến việc sử dụng rượu, bia tăng lên. Đồng thời, thị trường tiêu thụ bia, rượu đang gia tăng nhanh chóng ở các nước có thu nhập trung bình”.
Gánh nặng bệnh tật tăng do rượu, bia
Mức độ gia tăng tiêu thụ rượu bia đáng báo động cho thấy thế giới đang đi không đúng hướng với các nỗ lực kêu gọi giảm lượng tiêu thụ rượu bia của WHO. Trong một báo cáo hồi tháng 9/2018, WHO cho biết đã có hơn 3 triệu người tử vong do sử dụng rượu, bia quá mức trong năm 2016. Đồng thời, báo cáo cũng cho thấy cứ 20 người sử dụng rượu, bia thường xuyên thì có 1 người tử vong. TS. Manthey phát biểu rằng: “Mục tiêu của WHO là giảm 10% số người tiêu thụ rượu, bia ở mức gây hại cho cơ thể vào năm 2025 sẽ không đạt được”.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương. Uống rượu, bia ở mức nguy hại gây ra các hậu quả có hại với sức khỏe về thể chất hay tâm thần hoặc các hậu quả xã hội. Năm 2012, thế giới ghi nhận 3,3 triệu người tử vong liên quan đến rượu bia, chiếm khoảng 5,9% tổng số ca tử vong và 5,1% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. WHO cho biết, nguyên nhân tử vong do rượu bia đứng hàng đầu là các bệnh không lây nhiễm. Các bệnh này chiếm tới 46% tổng số ca tử vong. Và nếu mức độ tiêu thụ rượu, bia gia tăng nhanh chóng như hiện nay, các chuyên gia y tế đánh giá việc tiêu thụ rượu, bia sẽ vẫn là một trong những yếu tố rủi ro hàng đầu đối với gánh nặng bệnh tật trong tương lai.