Bà như một hiện thân tiêu biểu của của người phụ nữ Việt Nam từ thời chiến đến thời bình, vượt qua nhiều nghịch cảnh để không chỉ “gánh gánh gồng gồng” bản thân mà còn là trách nhiệm “sông núi trên vai”.
Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng sinh năm 1929 tại Huế. Xuất thân trong một gia đình quý tộc phong kiến, bà đi theo kháng chiến từ năm 16 tuổi. Bà đã ghi tên mình vào lịch sử phim tài liệu Việt Nam, với các tác phẩm Việt Nam và chiếc xe đạp (1974), Khi tiếng súng vừa tắt (1975), Khi những nụ cười trở lại (1976), Hai tiếng quê hương (1978), Tôi viết bài ca hồi sinh (1979), Trên một đoạn Trường Sơn (1985)...
Bà Xuân Phượng tại buổi ra mắt sách Gánh gánh gồng gồng tại Hà Nội, năm 2020.
Một thời chiến đầy dũng cảm
16 tuổi, từ một tiểu thư khuê các con nhà dòng tộc Hoàng triều Nguyễn, bà đi theo Cách mạng, chấp nhận và kiên cường vượt qua mọi khó khăn cực khổ, đi đến chiến thắng cuối cùng của các cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ... Từng là một chiến sĩ chế tạo vũ khí nổ, rồi lại được đào tạo ngành y, rồi làm thông dịch viên trong ngành ngoại giao văn hóa, nữ phóng viên chiến trường báo hình, đạo diễn phim tài liệu, làm truyền hình... Tất cả bà đều hoàn thành xuất sắc, không những thế còn để lại những dấu ấn cuộc đời đầy vinh quang và tự hào.
Ở tuổi 37, bà quyết định trở thành một phóng viên chiến trường chỉ với một suy nghĩ: Đất nước đang bị bom Mỹ tàn phá, cần phải có người xông pha vào chỗ khó khăn để phản ánh, tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ. Năm 1968, Xuân Phượng trở thành nữ đạo diễn, phóng viên chiến trường duy nhất ở Việt Nam làm việc tại bộ phận truyền hình (tiền thân của Đài Truyền hình Việt Nam ngày nay). Bà xông xáo thực hiện hàng loạt các phim tài liệu mang tính thời sự, phản ánh những sự kiện chiến sự nóng bỏng tại chiến trường Campuchia, biên giới phía Bắc, là một trong những phóng viên đầu tiên vào Dinh Độc lập theo trung đoàn xe tăng... Những bộ phim tài liệu của bà ngoài tính chính luận còn bộc lộ sự trăn trở của một người nghệ sĩ luôn đau cùng nỗi đau nhân vật và thể hiện thái độ trách nhiệm với mỗi số phận con người, sự kiện của thời cuộc và đất nước.
Con đường đến với điện ảnh của bà bắt nguồn từ một cơ duyên đặc biệt. Đó là cuộc gặp gỡ với vợ chồng đạo diễn Joris Ivens - Marceline Loridan trong thời gian họ ghi hình tác phẩm Vĩ tuyến 17 - chiến tranh nhân dân tại Vĩnh Linh, Quảng Trị. Lúc này, bà Phượng đang công tác tại Ủy ban liên lạc Văn hóa với nước ngoài - trực thuộc Văn phòng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, được giao vai trò phiên dịch và chăm sóc sức khỏe cho vợ chồng đạo diễn người Hà Lan. Theo lời khuyên của đạo diễn Joris Ivens, cùng với trải nghiệm quý giá khi tham gia cùng đoàn làm phim tại nơi khốc liệt nhất của chiến trường, bà đã mạo hiểm quyết định từ bỏ công việc hiện tại, thu nhập ổn định và gia đình êm ấm với 3 con nhỏ.
Tuổi cao, ý chí nghị lực càng cao
90 tuổi hơn, bà vẫn tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp điện ảnh nước nhà. Với sự giúp đỡ đầy trí tuệ và tận tâm của bà, nhóm đề án Sưu tầm, Nghiên cứu và Phổ biến tư liệu phim về Việt Nam của nhà làm phim Joris Iven, của Viện phim Việt Nam đã có thể hoàn thành tác phẩm Vĩ tuyến 17 - chiến tranh nhân dân, sang cuốn sách Hai tháng trong lòng đất và thực hiện thêm cuốn sách song ngữ Joris Ivens với Việt Nam - Joris Ivens and Việt Nam. Tháng 4/2019, tại Lễ trao giải Cánh Diều năm 2018 của Hội Điện ảnh, cuốn sách Joris Ivens với cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam và bộ phim Joris Ivens và Ngọn gió Việt Nam do Viện phim Việt Nam thực hiện đã đoạt 2 giải Cánh Diều Bạc.
Quay ngược lại thời gian, từ khi về hưu ở Đài Truyền hình TP.HCM, đạo diễn Xuân Phượng trở thành một nhà sưu tập tranh tầm cỡ. Năm 1991, Gallery Lotus ra đời với ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp thanh tao của văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Bà tâm ý, mở một Gallery không chỉ vì muốn có một công việc nuôi sống mình và niềm yêu thích với hội họa mà còn bởi đây cũng là thông điệp ngắn nhất ra nước ngoài khi muốn khẳng định: Việt Nam không chỉ có chiến tranh, đói nghèo mà là một quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời, đặc sắc với những tác phẩm nghệ thuật không thua kém các quốc gia khác trên thế giới. Bà như một “bà đỡ”, nhiều họa sĩ trẻ ra nước ngoài triển lãm, tham gia hội chợ và tham quan các bảo tàng để mở rộng hiểu biết mỹ thuật quốc tế. Bà cũng đã liên tục mở các cuộc triển lãm tranh Việt - Pháp 2 lần/năm trong suốt 22 năm, rồi với vốn tiếng Pháp xuất sắc, bà còn thực hiện nhiều cuốn sách về văn hóa, lịch sử Việt Nam sang tiếng Pháp và ngược lại. Với những nỗ lực vun đắp bền bỉ cho cây cầu văn hóa Pháp - Việt, bà Xuân Phượng đã được Chính phủ Pháp trao Huân chương Bắc Đẩu bội tinh Đệ Ngũ đẳng vào năm 2011.
Đại dịch COVID-19 không làm bà nao núng tinh thần, bởi những khó khăn trong việc mua bán tranh và tổ chức các cuộc triển lãm, mà chính là thời gian bà hoàn thành cuốn hồi ký Gánh gánh gồng gồng, được NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM xuất bản tháng 10/2020, chưa kể bà viết lại cuốn Áo Dài của mình bằng tiếng Việt, trước đó bà viết bằng tiếng Pháp và xuất bản ở Pháp năm 2001.