Gắn xây dựng phát triển kinh tế với bảo vệ biển đảo

03-06-2014 23:02 | Thời sự
google news

SKĐS - Tại phiên thảo luận về tình hình KT-XH, các lĩnh vực kinh tế, xã hội đã được đại biểu Quốc hội nêu ý kiến thẳng thắn, đánh giá, phân tích tình hình, kết quả thực hiện...

Tại phiên thảo luận về tình hình KT-XH, các lĩnh vực kinh tế, xã hội đã được đại biểu Quốc hội nêu ý kiến thẳng thắn, đánh giá, phân tích tình hình, kết quả thực hiện, nguyên nhân của thành tựu và những hạn chế yếu kém. Liên quan đến tình hình phức tạp ở biển Đông hiện nay, sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự bức xúc và đồng tình cao với những chủ trương, chính sách, giải pháp giải quyết vụ việc này của Đảng và Nhà nước.

Đại biểu Vũ Chí Thực - Quảng Ninh: Đặc biệt quan tâm tới nội lực, xây dựng nền kinh tế tự chủ

Nhờ sự điều hành quyết liệt hơn từ Chính phủ, niềm tin kinh doanh đã và đang được củng cố và tăng lên. Tuy nhiên, xu hướng ổn định của nền kinh tế thực sự chưa vững chắc, nhất là tình hình hiện nay nguy cơ tiềm ẩn có thể gây mất ổn định trở lại, đã và có thể xuất hiện thêm những tình huống tác động tiêu cực đến sự phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế của đất nước ta. Bên cạnh đó, những diễn biến gần đây ở biển Đông và tác động không thuận của tình hình thế giới, khu vực và nước ta lại một lần nữa nhắc nhở chúng ta bên cạnh việc tận dụng tốt các cơ hội của hội nhập quốc tế phải đặc biệt quan tâm phát huy nội lực, xây dựng nền kinh tế tự chủ, nền quốc phòng, an ninh vững mạnh. Tăng cường đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu của thế lực thù địch, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và chủ quyền toàn vẹn của lãnh thổ. Trước mắt phải kiên trì đấu tranh buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi lãnh hải Việt Nam, tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam, chuẩn bị các phương án để đối phó mọi tình huống, kể cả khởi kiện ra tòa án quốc tế.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa - TP. Đà Nẵng: Chủ động tìm kiếm thị trường xuất, nhập khẩu

Sự bất ổn tình hình biển Đông trong những ngày gần đây đang tác động bất lợi về tâm lý thị trường. Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ cần quan tâm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong thời kỳ mới. Có biện pháp chủ động trong tìm kiếm thị trường xuất, nhập khẩu, đề phòng khả năng Trung Quốc gây sức ép về kinh tế. Đồng thời có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang vướng nợ đến hạn của các ngân hàng thương mại, có chính sách hỗ trợ, đặc biệt là ngư dân đánh bắt xa bờ. Chính phủ vừa qua đã kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn ưu đãi để nâng cấp tàu đánh cá, đồng thời mua trang thiết bị ngư cụ hiện đại nhằm chuyển đổi cơ cấu tàu thuyền, chế biến dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng bền vững, củng cố và phát triển nghiệp đoàn nghề cá vững mạnh để bảo đảm phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường nguồn lợi thủy sản và an ninh quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc.

Đại biểu Đỗ Văn Đương - TP. Hồ Chí Minh: Cần thiết phải dành 16.000 tỷ đồng, thậm chí nhiều hơn cho lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư

Trước tình hình xảy ra tại biển Đông, chúng ta phải bình tĩnh, sáng suốt nâng cao cảnh giác, cảnh giác sâu sắc mang tầm chiến lược từ trong suy nghĩ đến hành động trên đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh. Tôi rất đồng ý cần thiết phải dành 16.000 tỷ đồng, thậm chí nhiều hơn cho lực lượng Cảnh sát biển, lực lượng Kiểm ngư. Cùng đó, tôi cũng cho rằng Chính phủ cần yêu cầu các địa phương tổng rà soát, tạm dừng triển khai những dự án chưa thực sự bức xúc, chưa thật sự cần thiết, những dự án được cho rằng nhu cầu sử dụng dân sự được hình thành trong tương lai để tập trung nguồn lực, tiềm lực cho quốc phòng, an ninh, tăng cường sức mạnh cho quân đội và công an nhân dân.

Đại biểu Trần Du Lịch - TP. Hồ Chí Minh: Thể hiện cho được chính sách “thắt lưng buộc bụng” bằng hành động

Liên quan đến vấn đề ngân sách, tôi đề nghị một cách mạnh mẽ hơn, Quốc hội lần này trong nghị quyết phải thể hiện cho được chính sách “thắt lưng buộc bụng” bằng hành động. Tôi ủng hộ 16.000 tỷ đồng cắt để ủng hộ biển Đông, nhưng 16.000 tỷ đồng chưa đủ. Tôi đề nghị Quốc hội lần này cắt phần lớn tất cả khoản chi thường xuyên mà không nằm trong lương và trợ cấp xã hội. Những kiểu như giao tế, tiếp khách, mua sắm, đi lại... chúng ta phải cắt tối đa.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc - Bình Thuận: Tiếp tục đầu tư xây dựng khu tránh trú bão cho tàu thuyền, nâng cấp hệ thống các công trình phòng thủ trên các đảo

Trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trên biển Đông, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và vùng lục địa của nước ta. Tôi nhất trí cao với quan điểm và phương thức đấu tranh mà Đảng và Chính phủ đã và đang chỉ đạo triển khai. Chúng ta phải bằng mọi biện pháp đồng bộ, quyết liệt, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia ở biển Đông, nỗ lực giải quyết tình hình phức tạp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Mặt khác, từ thực tiễn này tôi đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa đầu tư, khắc phục tình trạng xâm thực biển, xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nâng cấp hệ thống giao thông và các công trình phòng thủ trên các đảo.

Văn Hậu - Anh Tuấn

 


Ý kiến của bạn