Hà Nội

Gần nửa các cơ sở y tế còn thiếu các công trình nước sạch cơ bản

15-12-2020 16:37 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo tham vấn góp ý hoàn thiện khung mô hình tích hợp quản lý nước sạch, vệ sinh và thích ứng với biến đổi khí hậu trong cơ sở y tế diễn ra hôm nay tại Hà Nội.

 

Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo “Nước sạch, vệ sinh và môi trường trong các cơ sở y tế” năm 2019 của Chương trình giám sát nguồn nước, vệ sinh và môi trường của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) trên thế giới cứ 4 cơ sở y tế thì có 1 cơ sở y tế thiếu những công trình nước sạch cơ bản và chỉ 55% các cơ sở y tế ở các quốc gia kém phát triển nhất có công tình nước sạch cơ bản. Bên cạnh đó, báo cáo này cũng chỉ ra rằng cứ 5 cơ sở y tế thì có 1 cơ sở không có công trình vệ sinh làm ảnh hưởng đến 1,5 tỷ người trên thế giới. Theo báo cáo này, Việt Nam đang thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường và xử lý tiêu huỷ rác thải y tế với 96% các cơ sở y tế đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường cải thiện và 70% có xử lý rác thải an toàn.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng gần một nửa các cơ sở y tế ở Việt Nam còn thiếu các công trình nước sạch cơ bản. Trong khi những công trình này đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với việc phòng ngừa lây nhiễm, giảm tình trạng kháng thuốc và mang lại dịch vụ chăm sóc y tế có chất lượng, đặc biệt là cho việc sinh nở an toàn.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế cung cấp thông tin tại Hội thảo

Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế Nguyễn Thị Liên Hương, các cơ sở y tế tại Việt Nam rất dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Do đó, cải thiện nước sạch, vệ sinh tại các cơ sở y tế cần được lồng ghép vào các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu để tăng cường tính bền vững của các cơ sở y tế trong cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân.

Cùng với đó, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, việc tăng cường năng lực của các cơ sở y tế trong ứng phó với đại dịch COVID-19 bằng cách thí điểm triển khai các mô hình cấp nước sạch tại các cơ sở y tế, lồng ghép với hệ thống nhà vệ sinh, nơi rửa tay xà phòng, kiểm soát nhiễm khuẩn, tiết kiệm năng lượng, giảm rác thải nhựa và dự phòng kháng kháng sinh để tăng cường năng lực thích ứng của các cở sở y tế.

“Hiện, Việt Nam đã triển khai một số mô hình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường tại các cơ sở y tế, tuy nhiên, chưa có mô hình nào lồng ghép cấp nước sạch và vệ sinh với các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu của các cơ sở y tế. Những mô hình này sẽ giúp tối ưu hoá các kết quả can thiệp và đóng vai trò quan trọng trong tăng cường năng lực cho các cơ sở y tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu để đạt mục tiêu phát triển bền vững”,PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định.

TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Trên thực tế, trong những năm gần đây dưới sự hỗ trợ của WHO, Cục Quản lý môi trường y tế cùng y tế đại phương đã lắp đặt các hệ thống xử lý nước lợ, nước biển tại một số cơ sở y tế ở các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, hệ thống thu gom nước mưa tại Hà Nam. Các chuyên gia đã tiến hành khảo sát thực trạng nước sạch, vệ sinh và thích ứng biến đổi khí hậu tại các cơ sở y tế thuộc 3 tỉnh được WHO hỗ trợ. Qua đó, đã có những kinh nghiệm và xây dựng được mô hình thí điểm tích hợp nước sạch vệ sinh môi trường, thích ứng với biển đổi khí hậu, ứng phó với đại dịch COVID-19 tại các cơ sở y tế trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường trong cơ sở y tế. Những nỗ lực này gồm cải thiện việc cung cấp nước sạch, quảng bá chương trình bệnh viện xanh sạch đẹp, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu…TS. Kidong Park cũng nhất trí với sáng kiến của Cục quản lý môi trường y tế trong việc xây dựng kết hợp vệ sinh môi trường và nước sạch trong cơ sở y tế. Bởi, thực tế cho thấy nếu chỉ tiến hành một mô hình đơn lẻ thì rất khó để thực hiện mục tiêu đề ra.

 


H.Nguyên
Ý kiến của bạn