Bệnh gan nhiễm mỡ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm gan và một số biến chứng nguy hiểm, trong đó có khoảng 20% tỷ lệ người bị gan nhiễm mỡ có nguy cơ xơ gan. Tuy nhiên, nhiều người thường chủ quan bỏ qua các dấu hiệu của bệnh nên không điều trị hoặc thay đổi lối sống.
1. Vai trò, chức năng của gan trong cơ thể
Gan là cơ quan nội tạng lớn và cũng là tuyến tiêu hoá lớn nhất trong cơ thể. Gan đóng vai trò vô cùng quan trọng, được ví như một "nhà máy hoá chất" kỳ diệu của cơ thể với sức làm việc bền bỉ, hoạt động không ngừng nghỉ. Gan có nhiều chức năng nhiệm vụ như: tổng hợp, dự trữ, chuyển hoá, giải độc, tạo và dự trữ máu nhằm duy trì sự sống của cơ thể.
Được xác định là cơ quan nội tạng lớn nhất của cơ thể vì gan chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể người lớn và khoảng 5% trọng lượng cơ thể trẻ em với khối lượng khoảng 1,2 -1,6 kg. Lá gan khoẻ là lá gan có thể chất mềm, màu đỏ sẫm, bề mặt nhẵn bóng, đồng nhất.
Điều đặc biệt gan có sức sống kỳ diệu, là một trong số ít tạng có khả năng tái tạo nhu mô bị tổn thương. Nếu khối lượng gan bị mất dưới 25% thì tạng này vẫn có thể khôi phục hồi toàn. Đây chính là cơ sở quan trọng trong các phẫu thuật ghép gan, cắt bỏ khối u ở gan.
Gan luôn phải hoạt động với cường độ lớn, do đó tuy gan có khả năng tái tạo tốt nhưng gan vẫn cần được bảo vệ và phục hồi chức năng thường xuyên. Điều này không chỉ giúp gan thực thiện tốt chức năng mà còn giúp ngăn ngừa một số bệnh nguy hiểm: gan nhiễm mỡ, viêm gan, suy gan, xơ gan, ung thư gan…
2. Gan nhiễm mỡ
Gan là bộ phận giữ vai trò quan trọng trong việc tích trữ và chuyển hóa các chất béo. Gan nhiễm mỡ là thuật ngữ trong y học dùng để mô tả tình trạng mỡ bị tích tụ quá nhiều trong các tế bào gan, hay còn gọi gan thoái hóa mỡ khi lượng mỡ chiếm hơn 5% trọng lượng của gan.
Ở những người bình thường, lượng mỡ trong gan rất thấp, chỉ chiếm từ 2 - 4% trọng lượng của gan. Gan nhiễm mỡ mức độ nhẹ khi lượng mỡ trong gan chiếm 5 - 10%, nếu 10 - 25% là nhiễm mỡ mức độ vừa và nếu vượt quá 30% là nhiễm mỡ nặng. Khi đó, chức năng gan sẽ bị ảnh hưởng mặc dù gan có thể tự hồi phục bằng cách tạo ra các tế bào mới, thay thế cho các tế bào cũ bị tổn thương nhưng nếu các tác nhân có hại liên tục có mặt ở gan thì tổ chức xơ sẽ hình thành và gây nên bệnh xơ gan.
Do đó, cần phát hiện sớm nguyên nhân và điều trị thích hợp trước khi có những biến chứng, tổn thương thực sự ở gan.
3. Các cấp độ của gan nhiễm mỡ
Bệnh gan nhiễm mỡ có 3 cấp độ chính với những dấu hiệu và diễn tiến ảnh hưởng đến cơ thể khác nhau như sau:
Gan nhiễm mỡ cấp độ 1: Giai đoạn này, tỷ lệ mỡ chiếm 5 - 10% trên tổng trọng lượng của gan. Do đây là giai đoạn đầu nên các dấu hiệu bệnh thường rất nhẹ và không gây nguy hiểm tới sức khỏe nên dễ bị bỏ qua.
Gan nhiễm mỡ cấp độ 2: Lúc này, tỷ lệ mỡ chiếm đến 10 - 25% trọng lượng của gan, mỡ đã lan rộng ra các mô gan và cơ hoành nhưng vẫn chưa gây nguy hiểm nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu không được điều trị đúng và kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành độ 3.
Gan nhiễm mỡ cấp độ 3: Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất của gan nhiễm mỡ, bệnh đã trở nên rất khó điều trị và phục hồi, nguy cơ tăng các biến chứng về gan như xơ gan, ung thư gan, có thể dẫn đến tử vong.
4. Các nhóm đối tượng mắc bệnh gan nhiễm mỡ được chia làm 4 nhóm:
Nhóm 1: Gan nhiễm mỡ không do rượu
Nhóm bệnh nhân này do rối loạn chuyển hóa mỡ của gan, dẫn đến dư thừa mỡ trong các tổ chức của gan. Bệnh nhân được xếp vào nhóm này khi tỷ lệ mỡ trong gan chiếm trên 10% trọng lượng của gan.
Nhóm 2: Gan nhiễm mỡ do rượu
Trong nhóm này, gan nhiễm mỡ là triệu chứng sớm nhất của bệnh viêm gan do rượu. Nếu bệnh nhân uống quá nhiều rượu sẽ gây tổn thương gan làm suy giảm chức năng chuyển hóa mỡ.
Nhóm 3: Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu
Với những bệnh nhân thuộc nhóm này, nguyên nhân thực sự không phải do rượu. Khi lượng mỡ trong gan đạt đến một mức độ nhất định, gan to lên và có thể đi kèm với suy giảm chức năng gan.
Nhóm 4: Gan nhiễm mỡ cấp tính trong quá trình mang thai
Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ cấp ở thai kỳ. Đây là bệnh mang tính chất di truyền, thuộc bệnh lý ti lạp thể. Gan nhiễm mỡ cấp là một biến chứng hiếm gặp trong thai kỳ, tỷ lệ khoảng 1/7000- 1/11.000 thai kỳ và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ. Các triệu chứng thường xuất hiện ở 3 tháng cuối thai kỳ, bao gồm: Buồn nôn và nôn liên tục; Đau vùng hạ sườn phải; Vàng da; Luôn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi khắp cơ thể…
5. Nguyên nhân của gan nhiễm mỡ
Nguyên nhân thường gặp nhất là do rượu nhưng thực tế nhiều bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ mà không thuộc nhóm sử dụng nhiều rượu, thậm chí không sử dụng rượu bia.
Ngoài ra, khi cơ thể sản sinh quá nhiều mỡ hoặc chuyển hóa mỡ không kịp, lượng mỡ thừa đó sẽ tích trữ trong các tế bào gan khiến gan nhiễm mỡ.
Nếu nguyên nhân gan nhiễm mỡ không do rượu, thường do các rối loạn chuyển hóa và một số nguyên nhân thường gặp khác như:
- Béo phì, thừa cân; Mỡ máu cao; Đái tháo đường; Tình trạng kháng insulin; Rối loạn lipid máu; Gene di truyền; Sút cân quá nhanh; Tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc sử dụng một số loại thuốc quá liều quy định…
Đối tượng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ là những người:
- Tăng cholesterol, triglyceride trong máu; Béo phì, béo bụng; Đái tháo đường; Hội chứng buồng trứng đa nang; Hội chứng ngừng thở khi ngủ; Suy giáp; Suy tuyến yên; Phụ nữ mang thai; Người suy dinh dưỡng…
Theo một nghiên cứu, đa số các trường hợp gan nhiễm mỡ nằm trong độ tuổi từ 40 đến 60.
6. Triệu chứng
Giai đoạn đầu, triệu chứng bệnh gan nhiễm mỡ rất mờ nhạt, hiếm khi có các triệu chứng rõ ràng, thường là cảm giác bụng ấm ách và hơi khó chịu. Hầu hết, bệnh nhân chỉ tình cờ đi khám sức khoẻ hoặc khám một bệnh khác mới phát hiện ra. Nếu khám lâm sàng, bác sĩ có thể khám thấy gan của bệnh nhân hơi to ra một chút.
Đến khi lượng mỡ trong gan quá nhiều thì sẽ gây nên tình trạng viêm gan nhiễm mỡ với các triệu chứng chính như: chán ăn, sụt cân, đau bụng, mệt mỏi nhiều và vàng da, gan to.
Khi tình trạng xơ gan xuất hiện, có thể có các triệu chứng:
- Vàng da vàng mắt; Các sao mạch xuất hiện; Lòng bàn tay son; Cổ trướng (dịch ổ bụng); Lách to…
7. Các biện pháp chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh gan nhiễm mỡ
*Các biện pháp chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ
- Xét nghiệm máu:
cholesterol, triglycerid, kết quả cho thấy tăng các men gan AST, ALT, phosphatase kiềm. Nếu nghi ngờ xơ gan, bệnh nhân cần phải xét nghiệm thêm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời cần xét nghiệm thêm virus viêm gan B, C để loại trừ bệnh viêm gan virus. Qua kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ có thể đánh giá được sự thay đổi của men gan. Mặc dù đây không phải là phương pháp chẩn đoán xác định nhưng có giá trị trong việc tìm ra nguyên nhân.
- Siêu âm ổ bụng:
Đây là phương pháp đơn giản để chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ. Trên hình ảnh siêu âm sẽ thấy dấu hiệu gan tăng âm. Hình ảnh của gan nhiễm mỡ trên siêu âm là độ hồi âm của nhu mô gan gia tăng tạo nên hình ảnh đặc trưng gọi là "gan sáng". Ngoài ra còn có một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ. Chẩn đoán hình ảnh có thể phát hiện gan nhiễm mỡ, nhưng chưa đánh giá được đầy đủ chức năng gan và nhiều tổn thương khác. Do đó nếu nghi ngờ bệnh nhân xơ gan, bác sĩ sẽ chỉ định đo độ đàn hồi gan.
- Sinh thiết:
Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp này, đây là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán cũng như xác định nguyên nhân của gan nhiễm mỡ.
*Điều trị bệnh gan nhiễm mỡ:
Tình trạng gan nhiễm mỡ không thể giải quyết vội vàng bởi thực tế không có loại thuốc hay bất cứ biện pháp nào có thể làm dứt điểm ngay tình trạng gan nhiễm mỡ. Tuy vậy, bệnh có thể cải thiện từ từ nếu người bệnh thay đổi thói quen sinh hoạt, thực hiện lối sống khoa học kết hợp với điều trị các bệnh lý đi kèm.
Điều đặc biệt quan trọng trong điều trị gan nhiễm mỡ là đánh giá, xác định mức độ bệnh, tuân thủ tốt các chỉ định của bác sĩ để giảm bớt yếu tố nguy cơ bệnh diễn tiến từ nhẹ sang nặng, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
*Phòng bệnh gan nhiễm mỡ:
-Tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan B.
- Kiểm soát lượng cholesterol và đường máu, khám sức khỏe định kỳ.
- Nếu bạn đang thừa cân hãy thực hiện giảm cân khoa học lành mạnh.
- Những bệnh nhân đái tháo đường hoặc mỡ máu cao, cần tuân thủ các chỉ dẫn, uống thuốc đúng theo đơn của bác sĩ.
- Tập thể dục vừa sức mỗi ngày chừng 30 phút tốt cho mọi người.
- Để phòng bệnh gan nhiễm mỡ cấp thai kỳ, trước khi có kế hoạch sinh con, phụ nữ cần điều trị tốt các bệnh lý nội khoa nếu có. Khi có thai cần tuân thủ các thời điểm khám thai định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ sản khoa và khám ngay khi có bất cứ triệu chứng bất thường về sức khỏe.
8. Dinh dưỡng phòng bệnh gan nhiễm mỡ
Luôn thực hiện sinh hoạt ăn, ngủ, nghỉ, làm việc... điều độ và chế độ ăn lành mạnh với các nguyên tắc dinh dưỡng như:
- Duy trì bữa ăn hằng ngày đủ năng lượng với nhiều rau xanh, hoa quả tươi và ngũ cốc, hạn chế ăn mỡ động vật, giảm ăn các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn mà thay thế bằng những loại thịt trắng có protein ít béo như cá, thịt gà...
- Không ăn đồ ăn chứa nhiều cholesterol như phủ tạng động vật, da động vật, gia cầm.
- Nên hạn chế tối đa các loại thực phẩm ăn nhanh, khó tiêu hóa, các loại gia vị cay nóng như ớt, tiêu, gừng. Không nên ăn nhiều những loại trái cây có nhiều năng lượng, khó tiêu như sầu riêng, mít.
- Tốt nhất là không sử dụng rượu bia.
9. Đông y trị gan nhiễm mỡ
Trong y học cổ truyền không có bệnh danh gan nhiễm mỡ mà xác định gan nhiễm mỡ thuộc về loại tích tụ và đàm ứ. Theo y học cổ truyền, nguyên nhân gây bệnh là do người bệnh ăn uống không điều độ, căng thẳng tinh thần, lạm dụng bia rượu... từ đó sinh ra can khí uất kết, thấp nhiệt đàm ẩm ứ đọng, khí huyết trở trệ dưới mạng sườn. Người bệnh có thể dùng một số loại trà dược trị gan nhiễm mỡ có công dụng bảo vệ gan, tiêu mỡ, giảm béo.
THAM KHẢO bài thuốc chữa bệnh gan
Bài thuốc chữa gan nhiễm mỡ, da vàng, kém ăn, đầy bụng: Lá vọng cách (làm chủ vị) 30g, lá dành dành hoặc chi tử 20g (nếu đầy bụng gia vỏ quýt lâu năm 15g), đậu đen 5g, cỏ mần trầu 10g, nhân trần 20g, râu ngô 10g. Các vị trên sao vàng hạ thổ, đổ nước vừa phải, sắc uống ấm, trước hoặc sau bữa ăn 30 phút. Bệnh cấp tính uống 20 ngày; bệnh mạn tính uống 1-3 tháng để bệnh khỏi tái phát lại.
Kiêng kỵ: Thịt chó, chuối tiêu, đường trắng, trứng, mỡ.
Ngoài ra, trong dân gian cũng thường dùng một số loại cây lá để pha trà, sắc nước uống để mát gan, hỗ trợ giảm tình trạng gan nhiễm mỡ như: lá chè, lá sen khô, mướp đắng, cây nhân trần, cà gai leo, cây vọng cách, lá rau cần, cây chó đẻ răng cưa...
Bệnh nhân có thể điều trị gan nhiễm mỡ bằng phương pháp kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền có thể cho kết quả rất tốt.
Tuy nhiên, bệnh nhân không nên uống các bài thuốc theo lời mách bảo hoặc các cơ sở khám bệnh y học cổ truyền không được cấp phép mà hãy đến các chuyên khoa y học cổ truyền tại các bệnh viện để được thăm khám, tư vấn điều trị bởi những người có chuyên môn.
Thực tế rất may mắn là đa số các trường hợp gan nhiễm mỡ thường không gây ra các tổn thương gan vĩnh viễn. Do lá gan có khả năng tự phục hồi nên nếu người bệnh tuân thủ điều trị, duy trì lối sống khoa học, đồng thời điều trị các bệnh lý kèm theo như đái tháo đường, mỡ máu cao, béo phì, người bệnh hoàn toàn có cơ hội đảo ngược quá trình nhiễm mỡ của gan.
Nếu bạn là người có thói quen uống rượu, hãy dừng lại hoặc hạn chế tối đa để gan có thời gian phục hồi. Bệnh nhân có thể cải thiện tình trạng nhiễm mỡ của gan thông qua việc thay đổi các thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày và tuân thủ tốt các chỉ định của thầy thuốc.