Gan nhiễm mỡ là gì? Biểu hiện gan nhiễm mỡ

04-03-2023 16:17 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Biểu hiện gan nhiễm mỡ giai đoạn đầu thường không rõ ràng khiến nhiều người bỏ qua. Căn bệnh gan nhiễm mỡ nguy hiểm ra sao, có cách nào để phòng tránh?

Bài viết sử dụng thông tin tư vấn từ BSCKI Phạm Thị Việt Anh - Phó Trưởng Khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện 19-8.

Gan nhiễm mỡ là gì?

Gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ tích tụ trong gan dư thừa quá nhiều. Ở người bình thường, lượng mỡ trong gan chỉ chiếm từ 2-4% trọng lượng của gan. 

Khi lượng mỡ trong gan lớn hơn 5% trọng lượng của gan thì được gọi là gan nhiễm mỡ. 

Biểu hiện gan nhiễm mỡ qua từng giai đoạn

Gan nhiễm mỡ thường chia làm 3 giai đoạn theo cấp độ nặng nhẹ của bệnh.

Gan nhiễm mỡ độ 1

Đây là giai đoạn nhẹ, được xem là lành tình, lượng mỡ trong gan thường tăng 5-10%. Tuy nhiên gan nhiễm mỡ độ 1 thường không có biểu hiện gì, nếu khám lâm sàng khó phát hiện hoặc ở một số người gan có thể hơi to ra một chút. 

Hầu hết bệnh nhân phát hiện ra gan nhiễm mỡ khi khám sức khỏe hoặc khám một bệnh lý khác. 

Gan nhiễm mỡ độ 2

Đây là giai đoạn trung bình, lượng mỡ trong gan tăng từ 10-25%. Người mắc gan nhiễm mỡ độ 2 thường có các biểu hiện như chán ăn, ăn không ngon, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa (khó tiêu, buồn nôn, đầy bụng…). 

Tuy nhiên những triệu chứng này thường bị hiểu nhầm là các bệnh khác hoặc người bệnh chủ quan bỏ qua.

Gan nhiễm mỡ là gì? Biểu hiện gan nhiễm mỡ - Ảnh 2.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng gan nhiễm mỡ là lượng chất béo tích lũy quá nhiều trong gan.

Gan nhiễm mỡ độ 3

Đây được xem là giai đoạn bệnh nặng, lượng mỡ trong gan lên tới trên 25%. Ở giai đoạn gan nhiễm mỡ độ 3, người bệnh có thể cảm thấy rõ rệt các triệu chứng như đau tức bụng bên phải phía hạ sườn, vàng mắt, vàng da, ngứa da, chán ăn, mệt mỏi, sụt cân nhanh. 

Ở một số người còn cổ trướng bụng, phù nề, xuất huyết tiêu hóa…

Các đối tượng dễ mắc gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ là bệnh thường gặp. Theo một nghiên cứu, đa số các trường hợp gan nhiễm mỡ nằm trong độ tuổi từ 40 đến 60. Tuy nhiên hiện nay gan nhiễm mỡ đang có xu hướng trẻ hóa. 

Đối tượng chủ yếu thường dễ mắc gan nhiễm mỡ là:

- Những người thừa cân, béo phì 

- Người uống nhiều rượu

- Phụ nữ mang thai

- Người có mỡ máu cao

- Người có hội chứng rối loạn chuyển hóa (kháng insulin, huyết áp cao...)

- Người có chế độ sinh hoạt không lành mạnh: ăn uống không đúng giờ giấc, ăn nhiều chất béo, đồ dầu mỡ, cay nóng…  

Gan nhiễm mỡ là gì? Biểu hiện gan nhiễm mỡ - Ảnh 3.

Để phát hiện gan nhiễm mỡ, người bệnh cần thực hiện xét nghiệm máu, siêu âm hoặc sinh thiết.

Gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không? Biến chứng gan nhiễm mỡ bạn cần biết

Bệnh gan nhiễm mỡ gây tổn thương gan, khiến gan không đào thải được chất độc và sản xuất mật cho hệ tiêu hóa. Bệnh gan nhiễm mỡ có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm. 

Bệnh gan nhiễm mỡ độ 2 nếu không điều trị đúng cách sẽ nhanh chóng chuyển biến xấu sang giai đoạn 3 rất nguy hiểm. 

Khi gan nhiễm mỡ ở độ 2, bắt đầu xuất hiện mô ở gan, khiến gan bạn bị tổn thương. Quá trình này được gọi là xơ hóa. Nếu không được điều trị, mô sẹo mở rộng thay thế mô khỏe mạnh hay các tế bào gan. 

Lúc này, tình trạng gan nhiễm mỡ nặng (gan nhiễm mỡ độ 3) sẽ dẫn đến xơ gan một số trường hợp gây ung thư gan. Bệnh diễn biến nhanh chóng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời. 

Khám, điều trị gan nhiễm mỡ ở đâu?

Để phát hiện gan nhiễm mỡ, người bệnh cần thông qua các chỉ số xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng và sinh thiết. Tâm lý chung của bệnh nhân là mong muốn lựa chọn cơ sở y tế uy tín, chất lượng để khám và điều trị bệnh. Người bệnh nên tới thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa nội hoặc chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật. 

Dưới đây là danh sách các cơ sở y tế người bệnh có thể tham khảo.  

  • Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Khoa Nội tổng hợp, Khoa Ngoại và Trung tâm nội soi). Địa chỉ: Số 1 Tôn Thất Tùng, Phường Trung Tự, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội.
  • Bệnh viện Bạch Mai (Khoa Tiêu hóa, Khoa Ngoại Tổng hợp). Địa chỉ: Số 78 Giải Phóng, Phường Phương Mai, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội.
  • Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Khoa Nội tiêu hóa; Khoa phẫu thuật gan - mật – tụy thuộc Viện phẫu thuật tiêu hóa). Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
  • Bệnh viện E (Trung tâm Tiêu hóa). Địa chỉ 89 Trần Cung, Cầu Giấy, Hà Nội. 
  • Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Khoa phẫu thuật gan mật, Khoa phẫu thuật tiêu hóa, Khoa phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa). Địa chỉ số 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.  

Xem thêm video được quan tâm: 

5 loại trái cây gây tăng cân nhanh hơn thịt mỡ


BSCKI Phạm Thị Việt Anh
Phó trưởng khoa Nội Tiêu hóa, BV 19-8
Ý kiến của bạn