1. Gan nhiễm mỡ do đâu?
Nguyên nhân gan nhiễm mỡ thường gặp nhất là do rượu, tuy nhiên, nhiều trường hợp mắc gan nhiễm mỡ mà không thuộc nhóm sử dụng nhiều rượu.
Khi cơ thể sản sinh quá nhiều mỡ hoặc chuyển hóa mỡ không kịp, lượng mỡ thừa sẽ tích trữ trong các tế bào gan và gây nên gan nhiễm mỡ. Mặc dù vậy, chế độ ăn giàu chất béo cũng chưa hẳn là nguyên nhân của tình trạng này.
Ngoài rượu, còn một số nguyên nhân khiến gan nhiễm mỡ thường gặp khác như:
- Tình trạng béo phì
- Bệnh mỡ máu cao
- Bệnh tiểu đường
- Người có gene di truyền
- Tình trạng sụt cân quá nhanh
Ngoài ra, gan nhiễm mỡ còn có thể do tác dụng phụ của một số loại thuốc như Aspirin, Steroids, Tamoxifen hay Tetracycline...
2. Triệu chứng của gan nhiễm mỡ và phân loại
Biểu hiện của bệnh gan nhiễm mỡ thường không rõ ràng. Những biểu hiện đầu tiên bệnh nhân thường chỉ là bụng ấm ách và hơi khó chịu. Trên lâm sàng, bác sĩ có thể khám thấy gan hơi to ra một chút. Khi lượng mỡ trong gan quá nhiều sẽ gây nên tình trạng viêm gan. Khi đó, các biểu hiện chính của người bệnh gan nhiễm mỡ sẽ là chán ăn, sụt cân, đau bụng hoặc mệt mỏi nhiều và vàng da.
Thông thường người ta phân loại gan nhiễm mỡ làm 4 nhóm.
- Gan nhiễm mỡ không do rượu
Nhóm gan nhiễm mỡ không liên quan tới rượu mà do rối loạn chuyển hóa mỡ của gan, dẫn đến dư thừa mỡ trong các tổ chức của gan. Bệnh nhân được xếp vào nhóm này khi tỉ lệ mỡ trong gan chiếm trên 10% trọng lượng của gan.
- Gan nhiễm mỡ do rượu
Trong nhóm gan nhiễm mỡ này thì bệnh là triệu chứng sớm nhất của bệnh viêm gan do rượu. Uống rượu quá nhiều sẽ gây tổn thương gan và dẫn đến suy giảm chức năng chuyển hóa mỡ. Kiêng rượu giúp làm giảm tình trạng nhiễm mỡ gan. Sau 6 tuần, gan sẽ không còn nhiễm mỡ. Một lưu ý quan trọng ở đây là nếu sử dụng rượu quá nhiều và liên tục thì bệnh gan nhiễm mỡ có nguy cơ cao tiến triển thành xơ gan.
- Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu
Với những bệnh nhân thuộc nhóm gan nhiễm mỡ không do rượu nguyên nhân thực sự không phải do rượu. Khi lượng mỡ trong gan đạt đến một mức độ nhất định, gan to lên và có thể đi kèm với suy giảm chức năng gan.
Các biểu hiện chính bao gồm: Người bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu sẽ có biểu hiện chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng, vàng da, …Nếu không được điều trị sẽ dẫn đến những tổn thương khó hồi phục ở gan và cuối cùng là xơ gan.
- Gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ
Đây là tình trạng gan nhiễm mỡ cấp là một biến chứng hiếm gặp và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ. Thông thường gan nhiễm mỡ xuất hiện ở 3 tháng cuối thai kỳ, khi đó các biểu hiện bao gồm: Thai phụ có biểu hiện buồn nôn và nôn liên tục đau vùng hạ sườn phải, vàng da, khó chịu khắp cơ thể.
Phụ nữ mang thai sẽ được kiểm tra sàng lọc, dự phòng và điều trị từ sớm. Đa phần các triệu chứng sẽ giảm dần sau khi sinh và không để lại hậu quả về sau.
3. Chẩn đoán gan nhiễm mỡ
Tùy thuộc vào biểu hiện lâm sàng mà các bác sĩ sẽ có những chẩn đoán cụ thể, thông thường người bệnh sẽ được hỏi về các biểu hiện như: bụng ấm ách hay chán ăn, cùng với đó là tiền sử về sử dụng rượu và các loại thuốc.
Để chẩn đoán chính xác các bác sĩ sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm như: xét nghiệm máu để có thể đánh giá được sự thay đổi của men gan (men gan tăng); Siêu âm cho thấy hình ảnh của gan nhiễm mỡ là độ hồi âm của nhu mô gan gia tăng tạo nên hình ảnh đặc trưng gọi là "gan sáng".
Ngoài ra, có thể chỉ định thêm chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ. Chẩn đoán hình ảnh có thể phát hiện gan nhiễm mỡ, nhưng chưa đánh giá được đầy đủ chức năng gan và nhiều tổn thương khác.
Sinh thiết là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán cũng như xác định nguyên nhân của gan nhiễm mỡ.
Tóm lại: Bệnh gan nhiễm mỡ rất thường gặp nhưng thật may mắn bệnh thường không gây ra các tổn thương gan vĩnh viễn. Lá gan có khả năng tự hồi phục nên nếu điều trị tốt tiểu đường, mỡ máu cao hay béo phì,.. thì hoàn toàn có thể đảo ngược quá trình nhiễm mỡ của gan.
Để giảm bớt yếu tố nguy cơ gan nhiễm mỡ cần hạn chế và tránh các loại đồ uống có cồn; Kiểm soát lượng Cholesterol và đường máu; Giảm cân khi bạn bị thừa cân. Còn nếu gan nhiễm mỡ do béo phì hoặc do thói quen ăn uống, thì tập thể dục thể thao nhiều hơn là điều không thể thiếu, đồng thời loại bỏ những thực phẩm không tốt cho sức khỏe; ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh và ngũ cốc. Bên cạnh đó, hãy thay thế thịt đỏ (ví dụ: thịt bò) bằng những loại thịt có protein ít béo như thịt gà hay cá.
Mời độc giả xem thêm video:
Ăn Nhiều Thức Ăn Nhanh Làm Tăng Nguy Cơ Mắc Bệnh Gan | SKĐS