Khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 cũng là lúc những người thợ may cờ của làng nghề Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) tất bật làm việc để kịp cung ứng cho thị trường cả nước. Những lá cờ dù là cờ in hay thêu, cờ to hay nhỏ đều được những người thợ thổi "hồn" vào đó.
Tháng 8/1945, để chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa, Uỷ Ban kháng chiến đã mời các nghệ nhân của làng Từ Vân thêu, làm cờ Tổ Quốc. Những nghệ nhân sau đó được tuyển vào Hợp tác xã Cờ đỏ trên phố Hàng Bông. Đó là thời khắc lịch sử và cũng là dấu mốc "khai sinh" ra nghề may cờ Tổ quốc của làng Từ Vân.
Cách mạng Tháng 8 thành công, ngày Quốc khánh 2/9/1945, trong dòng người náo nức với rừng cờ phấp phới trên quảng trường Ba Đình có hàng vạn lá cờ được thêu dệt nên từ bàn tay tài hoa của những người thợ làng Từ Vân. Người làng còn nhớ lại, sau Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946) cả làng Từ Vân vẫn tiếp tục may cờ để đưa lên chiến khu cách mạng. Họ âm thầm thêu những ngôi sao năm cánh với tất cả tấm lòng của mình cùng niềm tin cách mạng chiến thắng.
Trò chuyện trong tiếng những mũi thêu nhịp nhàng, bà Nguyễn Thị Thiết kể về làng nghề trong niềm hãnh diện: "Mỗi năm, đến dịp Quốc khánh, nhà nào cũng phải tăng nhân công lên gấp đôi, gấp ba để kịp tiến độ sản xuất phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Khung cảnh lúc nào cũng nhộn nhịp, người già, trẻ nhỏ ríu rít khiến cho lòng tự hào dân tộc trỗi dậy hơn bao giờ hết".
Một điều đáng chú y ở làng Từ Vân đó là lá cờ Tổ quốc với mỗi người đã trở thành hình ảnh quen thuộc ngay từ khi lọt lòng. Từ khi sinh ra, những lá cờ đỏ sao vàng đã in sâu trong tâm trí họ. Với mong muốn truyền nghề lại cho thế hệ đi sau, nhiều gia đình đã dạy con làm quen với nghề từ khi còn nhỏ. Nhiều năm trôi qua, dù có thế nào, những lá cờ được làm ra từ bàn tay của những người thợ Từ Vân vẫn bền bỉ, óng đẹp theo thời gian, tung bay trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Lá cờ mang hồn thiêng dân tộc, may cờ tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng phải khéo léo, cẩn thận. Nghề may cờ Tổ quốc có nhiều cái khó so với các nghề may thêu khác và kỳ công từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu… Làm sao để cờ may xong không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà phải sắc nét, bền đẹp. Để hoàn thành một lá cờ đạt tiêu chuẩn, phải qua nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm cờ phải thực sự khéo léo, tỉ mỉ, chỉ cần một đường cắt lệch, lá cờ phải loại bỏ.
Bên cạnh áp dụng máy móc công nghiệp, gia đình anh Hưởng chị Nhung là một trong số ít người ở làng Từ Vân còn theo nghề thêu tay thủ công. Mặc dù công sức phải bỏ ra nhiều song với chị, việc làm này đã trở hành một thói quen và niềm yêu thích. Kỳ công là vậy cùng với thu nhập không cao nhưng gia đình anh Hưởng vẫn quyết tâm "sống chết" với nghề. Bởi với gia đình nhà anh, việc tiếp tục duy trì vừa là trách nhiệm gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, vừa như một niềm tự hào dân tộc.
"Nghề này ở đây chủ yếu là cha truyền con nối, các thế hệ cứ thế nối tiếp nhau, vì thế nghề may cờ Tổ quốc sẽ chẳng bao giờ mất đi. Bản thân tôi cũng đã có hơn 20 năm kế thừa nghề từ bố. Ý thức được lá cờ là hình ảnh quốc gia, nên chúng tôi luôn cố gắng làm sao cho thật đẹp để phục vụ đất nước" – anh Hưởng chia sẻ.
Nhanh tay hoàn thành những mũi thêu cuối cùng trên lá cờ đại mà khách hàng đặt trong dịp Quốc khánh 2/9, bà Nguyễn Thị Thiết, với hơn 40 năm thêu cờ Tổ quốc chia sẻ: “Nghề này chỉ dành cho những người bình tĩnh, tỉ mỉ, nếu không yêu nghề sẽ không thể bám trụ lại được. Bởi từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu đến việc cắt ngôi sao, chọn chỉ may, thêu, làm logo, huy hiệu trên mỗi lá cờ đều không được phép chênh lệch".
Nghề may cờ Tổ quốc cũng có nhiều cái khó so với các nghề may thêu khác và mỗi nhà đều có một bí quyết riêng nhưng cái khó nhất là phải "thổi hồn" vào từng là cờ dù là cờ to hay nhỏ, cờ in hay cờ thêu.
Nhu cầu mua cờ Tổ quốc ngày càng nhiều và khách thập phương cũng biết tới ngôi làng truyền thống này nhiều hơn. Có những thời điểm, đặc biệt là dịp Đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu trên sân nhà, cả gia đình chị anh Hưởng chị Nhung phải huy động hàng chục thợ cắt, may, thêu, làm ngày làm đêm. Nhờ có công nghệ hỗ trợ mà công việc của những gia đình may thêu cờ Tổ quốc như gia đình anh Hưởng cũng phần nào bớt vất vả.
Đứng trước cờ Tổ quốc, bất kỳ ai cũng cảm nhận được sự thiêng liêng của hồn thiêng sông núi. Giây phút chào cờ cũng là những giây phút nghiêm trang nhất. Với tâm niệm ấy, mỗi nghệ nhân tại làng nghề Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) chuyên làm cờ Tổ quốc luôn đặt hết lòng mình trong từng đường kim, mũi chỉ.
Trải qua biết bao biến cố, thăng trầm, cho đến nay nghề thêu và may cờ Tổ quốc ở thôn Từ Vân vẫn được duy trì. Khó khăn, vất vả là vậy song những lá cờ được làm ra từ bàn tay tài hoa, cần mẫn của những người thợ Từ Vân vẫn bền bỉ, óng đẹp theo thời gian, tung bay trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đó là niềm tự hào và cũng chính là niềm tin nghề may cờ Tổ quốc của làng Từ Vân sẽ tồn tại mãi với thời gian.
Bà Nguyễn Thị Thiết chia sẻ về nghề may cờ Tổ quốc.