Hà Nội

Gần một nửa số người bị COVID-19 kéo dài chỉ hồi phục một phần sau nhiều tháng

15-10-2022 08:02 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Kết quả một nghiên cứu mới đây đăng trên Tạp chí Nature Communications cho thấy, gần 1/2 số người mắc COVID-19 vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau 6 – 18 tháng kể từ lần mắc COVID-19 đầu tiên, trong khi 42% số người khác cho biết chỉ hồi phục một phần rối loạn kể từ sau khi nhiễm SARS-CoV-2.

COVID-19 ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người bệnh

Tác giả nghiên cứu Jill Pell, giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Glasgow (Mỹ) cho biết: "Trong khi hầu hết mọi người hồi phục nhanh chóng và hoàn toàn sau mắc COVID-19, một số người khác lại bị các vấn đề sức khỏe lâu dài. Do đó, việc hiểu rõ về tình trạng COVID-19 kéo dài là điều cần thiết để hỗ trợ sức khỏe và chăm sóc xã hội".

Nghiên cứu được thực hiện vào tháng 5/2021 tìm hiểu tác động lâu dài của việc mắc COVID-19 bằng cách so sánh tình trạng sức khỏe của người mắc COVID-19 với sức khỏe của những người không bị mắc bệnh.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích hơn 33.000 trường hợp mắc COVID-19 đã được xác nhận (nhóm nghiên cứu) so sánh với gần 63.000 người chưa từng bị mắc COVID-19 (nhóm đối chứng). Cả 2 nhóm đều được theo dõi, đánh giá vào các thời điểm 6, 12 và 18 tháng sau đó. Kết quả cho thấy, khoảng 13% số người trong nghiên cứu báo cáo có sự cải thiện triệu chứng theo thời gian, nhưng 11% báo cáo một số triệu chứng xấu đi.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những người bị mắc COVID-19 không có triệu chứng và những người đã được tiêm phòng trước khi mắc COVID-19 được bảo vệ hoàn toàn hoặc một phần, tránh bị tình trạng COVID-19 kéo dài.

Gần 1 nửa số người bị tình trạng COVID-19 kéo dài chỉ hồi phục một phần sau nhiều tháng - Ảnh 1.

Khoảng 13% số người trong nghiên cứu có cải thiện triệu chứng theo thời gian, nhưng 11% báo cáo một số triệu chứng xấu đi.

Ý kiến của chuyên gia

Theo các chuyên gia, những triệu chứng xuất hiện ở những người bị tình trạng COVID-19 kéo dài rất đa dạng, đặc biệt các rối loạn này đã tác động đến tất cả các mặt cuộc sống hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống nói chung của người bệnh. Các triệu chứng thường được báo cáo là khó thở, đau ngực, đánh trống ngực và sương mù não.

Những bệnh nhân nhập viện có nguy cơ cao bị tình trạng COVID-19 kéo dài là những người lớn tuổi, phụ nữ, những người thuộc cộng đồng dân cư nghèo và những người có vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc tâm thần từ trước đó.

Nhóm nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi rất quan trọng vì giúp hiểu thêm về tình trạng COVID-19 kéo dài trong cộng đồng nói chung, không chỉ ở những người cần nhập viện do COVID-19. Bằng cách so sánh các triệu chứng ở người mắc COVID-19 với những người không mắc bệnh, chúng tôi có thể phân biệt được giữa các vấn đề sức khỏe do COVID-19 và các vấn đề sức khỏe không phải do COVID-19".

Tiến sĩ Andrew McAuley, cố vấn chăm sóc sức khỏe tại Cơ quan y tế công cộng Scotland, cho biết rằng: "Nghiên cứu này đã cung cấp bằng chứng mới và quan trọng về COVID-19 kéo dài ở Scotland. Chúng tôi biết rằng tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng COVID-19 có thể làm giảm nguy cơ bị tình trạng COVID-19 kéo dài và do đó chúng tôi khuyến khích những người đủ điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19 nên tận dụng cơ hội để tăng cường khả năng bảo vệ bản thân bằng cách tiêm chủng".

Tiến sĩ Ziyad Al-Aly, chuyên gia dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Washington ở St Louis (Mỹ) cho biết: "Ưu điểm của nghiên cứu này là có nhóm đối chứng, qua đó nhóm nghiên cứu có thể phân tích được tỷ lệ bị triệu chứng do COVID-19 gây ra".

"Suy rộng hơn, tình trạng COVID-19 kéo dài thực sự là tình trạng rối loạn đa hệ thống, với những tác động được thấy không chỉ ở não, ở tim mà ở tất cả các cơ quan bộ phận cơ thể" - Al-Aly cho biết thêm.

Mời độc giả xem thêm video:

Chuyên gia khuyến cáo không nên quá hoang mang trước bệnh đậu mùa khỉ - SKĐS


Thanh Liêm (Theo HealthDay)
Ý kiến của bạn