Gắn mác cho phim: Vừa mừng, vừa lo!

01-08-2016 08:16 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Gắn mác cho phim không phải chuyện quá mới mẻ đối với làng điện ảnh Việt Nam. Gắn mác cho phim đồng nghĩa với việc phân loại khán giả.

Gắn mác cho phim không phải chuyện quá mới mẻ đối với làng điện ảnh Việt Nam. Gắn mác cho phim đồng nghĩa với việc phân loại khán giả. Xét về lý thuyết, đây là cách làm việc chuyên nghiệp, phù hợp với “chuẩn” của nền điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, việc gắn mác cho phim vẫn đang gặp phải nhiều bất cập khi mà nó cũng có thể trở thành “chiêu” hút khách bởi sự thiếu chuyên nghiệp.

Những lợi thế... mác để mở rộng

Nếu như trước đây, phim Việt gần như không phân loại độ tuổi. Theo đó, những tác phẩm “có yếu tố bạo lực - sex, vi phạm thuần phong mỹ tục” đều không thể ra rạp. Nhưng từ khi gia nhập WTO, Luật Điện ảnh sửa đổi đã cung cấp thêm công cụ cho việc kiểm duyệt, tạo cơ hội cho nhiều bộ phim có đề tài “nhạy cảm” đến được với công chúng. Các tác phẩm điện ảnh bắt đầu được phân loại khán giả. Cụ thể, năm 2007, phim kinh dị Mười do Việt Nam hợp tác với Hàn Quốc trở thành tác phẩm trong nước đầu tiên được gắn mác “16 ” vì có yếu tố kinh dị, máu me.

Trên thế giới, việc phân loại phim ở mỗi nền điện ảnh thường khác nhau nhưng hệ thống phân loại phim của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ được coi là phổ biến nhất. Hệ thống này chia các phim làm 5 mác, gồm “G” (Dành cho mọi đối tượng), “PG” (Một số hình ảnh có thể không thích hợp cho trẻ em), “PG-13” (Trẻ em dưới 13 tuổi cần có cha mẹ hay người giám hộ xem kèm), “R” (Không dành cho người dưới 16 tuổi mà không có cha mẹ xem kèm) và “NC-17” (Không dành cho khán giả dưới 17 tuổi). Bên cạnh đó, các khuyến cáo sẽ lưu ý là trong phim có hay không các nội dung đáng chú ý trước khi xem như “ngôn ngữ dung tục”, “hình ảnh bạo lực”, “các cảnh chiến đấu”, “các pha tình cảm mùi mẫn”... để “người mua kẻ bán” tự quyết định hành vi...

dien anhThay vì cấm cản như trước kia, việc phân loại độ tuổi giúp khán giả tìm đến bộ phim phù hợp với mình hơn.

Trở lại với điện ảnh Việt, với mác “16 ”, các nhà làm phim có cơ hội mở rộng đề tài và cách thể hiện. Việc phân loại này cũng khiến quy trình kiểm duyệt phim trở nên cởi mở hơn trước. Thay vì cấm cản như trước kia, việc phân loại độ tuổi giúp khán giả tìm đến bộ phim phù hợp với mình hơn. Cụ thể, với những bộ phim không dành cho khán giả dưới 16 tuổi, người xem được thông báo ngay từ quầy bán vé. Trước khi vào phòng chiếu, họ cũng được kiểm tra chứng minh thư để xác nhận có đủ tuổi thưởng thức bộ phim hay không.

Và bất cập

Tuy nhiên, việc gắn mác “16 ” với các phim Việt vẫn còn nhiều bất cập. Dựa vào mác 16 , nhiều nhà sản xuất sẽ có thể khai thác sâu vào các yếu tố câu khách, giật gân để phục vụ cho mục đích thương mại. Trào lưu này được đánh giá là dễ nhận thấy khi các phim giới hạn độ tuổi của Việt Nam gần đây đều ít gây được ấn tượng tốt về chất lượng nghệ thuật.

Hơn nữa, do luật và cách quản lý chưa thực sự chuyên nghiệp, dựa vào sự “nhập nhèm”, nhiều nhà làm phim đã “lợi dụng” tối đa việc gắn mác cho phim để... tung hoành theo ý mình! Việc đánh đồng tất cả những phim có yếu tố nhạy cảm như sex, bạo lực, kinh dị vào chung một “rọ” có thể tạo nên hệ lụy. Thậm chí có giai đoạn phim Việt chỉ có cảnh nóng hoặc mác 16 hoặc 18 mới đủ sức thu hút khán giả đến rạp. Bộ phim Hương Ga chỉ là một trong rất nhiều bộ phim do Việt Nam sản xuất lấy cảnh nóng, bạo lực làm tâm điểm chú ý. Những bộ phim trước đó như Mỹ nhân kế, Cô dâu đại chiến, Giữa hai thế giới, Săn đàn ông, Lạc giới, Cát nóng... đều lựa chọn những góc quay gợi cảm hay những cảnh nóng, cảnh đánh đấm gay cấn để tạo sức hút. Diễn xuất của các diễn viên chính khiến nhiều khán giả lớn tuổi cũng phải... đỏ mặt.

Về sau này, cảnh “nóng” trong phim Việt cũng không khá khẩm hơn và chưa bao giờ được báo chí khen ngợi. Điều này khiến công chúng đặt ra nghi vấn: Dường như với những nhà sản xuất, ngoài cảnh nóng, phim Việt không còn gì đáng để giới thiệu cho khán giả? Bằng chứng là, hầu hết các bộ phim có trailer chứa nhiều cảnh nóng và cảnh bạo lực đều thu hút được rất đông khán giả đến rạp. Khi ra về không ít người có cảm giác “bị lừa” nhưng ngay sau đó, những bộ phim được PR với mác 16 ; 18 lại tiếp tục tạo sức hút cho khán giả.

Các chuyên gia cho rằng, gắn mác “16 ” hoặc “18 ” cho một bộ phim trong nước sẽ dẫn đến hai khả năng: Có thể khán giả tò mò tìm đến bộ phim để xem vì sao bị dán mác, nhờ vậy mà phim thu hút được lượng lớn khán giả. Nhưng ngược lại, đây cũng là con dao hai lưỡi vì phim có thể mất đi một lượng khán giả nhất định, mà đó lại là những khán giả có gu.

Tất nhiên, gắn mác cho phim cũng đồng nghĩa với kiểm duyệt. Và bất kỳ nhà sản xuất nào cũng nơm nớp lo sợ khâu này.

Suy cho cùng, từ lý thuyết đến thực hành, việc gắn mác cho phim điện ảnh Việt vẫn còn khá nhiều việc để làm. Điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung không thể “cân đo” bằng những công thức định lượng. Nhưng có lẽ, để việc gắn mác phim hiệu quả, chất lượng hơn, chúng ta cần siết chặt khâu thẩm định, kiểm duyệt.


Việt Sơn
Ý kiến của bạn