Gần lắm Trường Sa!

14-06-2014 20:03 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Mình hiểu tâm trạng của một người vợ cảnh sát biển đang công tác tại nơi đầu sóng ngọn gió, nơi Trường Sa thân yêu

Hôm nay, mình có một bệnh nhân đặc biệt, mình dành nhiều thời gian quan tâm đến người bệnh nhân này. Bệnh nhân đến từ Đà Nẵng, với những biểu hiện khó thở, cảm thấy hồi hộp, lo lắng căng thẳng, nghẹn ở cổ. Với giọng nói nhẹ nhàng của người miền Trung, người bệnh kể: Em có những biểu hiện này khoảng một tháng nay, em khó đi vào giấc ngủ, hay hồi hộp trống ngực, cảm giác nghẹn ở cổ, khó nuốt.

Chiến sĩ Trường Sa luôn vững chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương
Chiến sĩ Trường Sa luôn vững chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương

Vừa chỉ định cho bệnh nhân đi làm xét nghiệm cận lâm sàng, vừa cố gắng khai thác những sang chấn tâm lý, mình được bệnh nhân chia sẻ: Em sinh cháu nhỏ đầu tiên được chín tháng tuổi, buổi tối cháu cũng hay khóc, em cũng đã khó ngủ, nhưng khoảng hơn một tháng nay, chồng em đi công tác ngoài đảo Trường Sa, hàng ngày em vẫn theo dõi tình hình biển đảo qua các phương tiện thông tin, em cũng lo lắng cho công việc của chồng. Hai mẹ con em ra Hà Nội ở với bà nội, em đi khám bệnh.

Mình hiểu tâm trạng của một người vợ cảnh sát biển đang công tác tại nơi đầu sóng ngọn gió. Công việc của các anh đầy căng thẳng, áp lực, từ sự tấn công đe dọa của kẻ thù, những khó khăn gặp phải khi lênh đênh trên biển, cả về vật chất và tinh thần, và nỗi niềm nhớ nhung quê nhà những người thân yêu: mẹ, vợ, những đứa con nhỏ, những người luôn lo lắng, mong nhận được tin tức của các anh.

Đã hơn một tháng nay, không được nghe giọng nói của chồng, không điện thoại, không tin nhắn, chỉ biết được thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng. Hàng ngày xem tivi, biết được kẻ thù vẫn hung hăng tấn công tàu cảnh sát biển, tàu cá của ta, lực lượng của chúng đông và hiếu chiến, chưa hề có ý định từ bỏ việc xâm phạm lãnh thổ của ta, không biết bao giờ sẽ chấm dứt tình trạng này. Không lo lắng sao được.

Biết động viên bệnh nhân thế nào bây giờ nhỉ? Bảo em đừng lo lắng ư? Không được, thế thì khác nào mình nói em hãy vô cảm với những gì đang xảy ra?

Khi đã có kết quả xét nghiệm đầy đủ, kết quả bình thường, mình động viên em: Chị rất hiểu những lo lắng của em. Nhưng lúc này sự bình tĩnh đối diện với tình huống và giải quyết xử lý tình huống là cách tốt nhất thay vì lo lắng và nghĩ đến những điều không hay có thể xảy ra. Những lo lắng của em sẽ dẫn đến căng thẳng thần kinh, em sẽ có cảm giác khó thở, tức ngực, đau đầu, mệt mỏi. Hơn lúc nào hết, sự yên tâm, vững lòng của gia đình hậu phương là nguồn động viên tinh thần lớn lao để các anh nơi biển đảo có thể yên tâm làm việc và điều này sẽ giúp cuộc đấu tranh gay go giành chủ quyền của chúng ta đạt được thắng lợi. Em hãy tin rằng, chúng ta đấu tranh cho lẽ phải chính nghĩa thì dù khó khăn gian khổ đến đâu nhất định sẽ thắng lợi và khi đấu tranh cho chính nghĩa thì toàn dân sẽ đồng lòng, đoàn kết và nhất định thắng lợi, chúng ta sẽ không đơn độc vì có rất nhiều bạn bè quốc tế ủng hộ chúng ta. Và mọi việc sẽ tốt đẹp em ạ.

Em ra về với tâm trạng vui vẻ hơn bằng nụ cười tạm biệt bác sĩ.

Sáng nay, công đoàn bệnh viện phát động phong trào ủng hộ các chiến sĩ Trường Sa - Hoàng Sa nơi biển đảo, cả bệnh viện nhiệt liệt hưởng ứng, đoàn thanh niên hăng hái đi vận động. Mỗi cán bộ công nhân viên dành một ngày lương ủng hộ chiến sĩ biển đảo. Mọi người ai cũng sôi nổi nhắn tin gửi 1409. Mình góp ba tin nhắn, dù biết đó cũng chỉ là một phần nhỏ nhoi nhưng góp gió thành bão, mong rằng các anh hãy yên tâm bảo vệ biển đảo quê hương, chúng tôi luôn luôn là hậu phương vững chắc chăm sóc sức khỏe cho gia đình các anh, luôn sát cánh cùng các anh để các anh yên tâm nơi tiền tuyến. Các anh sẽ không bao giờ đơn độc trong trận chiến đấu này.

BS. Trịnh Thị Bích Huyền


Ý kiến của bạn