Đoàn thiện nguyện chúng tôi đi đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai rồi rẽ về thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, Hà Giang để hôm sau vào sớm xã Cốc Rế - điểm trường mà chúng tôi sẽ dừng lại để trao những món quà nhỏ nhằm giúp những học sinh nơi địa đầu Tổ quốc có được đời sống đủ đầy hơn. Trong mường tượng của mỗi người, Cốc Pài hẳn có những triền hoa tam giác mạch và ruộng bậc thang vàng rực lúa mùa...
Đoàn có 4 thành viên nhóm thơ Facebach, 3 bạn thiện nguyện mới quen qua mạng xã hội và 5 phóng viên mới quen qua… điện thoại. Trưởng đoàn là nhà thơ Hoàng Liên Sơn trước đó chọn được địa chỉ từ thiện lần này là Trường mầm non xã Cốc Rế - một vùng đất xa xôi của nơi địa đầu Tổ quốc. Sơn đã đi tiền trạm một lần, nhân tiện trao quà đợt một cho các cháu. Lần này lên, các cô giáo và cán bộ xã, cán bộ đoàn địa phương đều gọi chúng tôi là đoàn Facebach. Thực ra, trong số quà tặng cho trường, chỉ có chút ít là tiền bán sách, bán kỷ vật thơ của nhóm, còn lại là tiền và hiện vật của bạn đọc và bạn trên mạng xã hội gửi tặng. Thơ Facebach và Hoàng Liên Sơn chỉ là địa chỉ quyên góp và trung chuyển, nhưng hành trình của chúng tôi lại là cả những kỷ niệm khó phai.
Các em nhỏ tại Trường mầm non Cốc Rế hát mừng đón “khách lạ”.
Se lòng cảnh đời nơi vùng cao
Các cô giáo trường mầm non Cốc Rế đi xe máy từ trung tâm xã qua thị trấn Cốc Pài, ra tận xã Nàn Ma đón đoàn. Lối rẽ vào đồi hoa tam giác mạch ôtô không đi được. Những cây hoa mọc thành khóm nhỏ, thân cây màu nâu đỏ mềm mướt, có phần thấp và non bấy gầy gò so với vẻ rực rỡ của hoa. Có điều gì cứ gợn lên như sự còi cọc, cỗi cằn trên sỏi đá.
Cốc Pài đêm thứ bảy hằng tuần có chợ đêm và ca nhạc, chủ yếu để thu hút khách du lịch. Chúng tôi sà vào một hàng thắng cố và bảo nhau “Mình đi thiện nguyện hay đi du lịch đây”? Trưởng đoàn cười: “Bình tĩnh, cứ giữ sức đã’’. Nhớ lúc Sơn thanh toán tiền xe và ăn ở, cả đoàn nói đùa, cẩn thận kẻo công tác phí của các cô bác nhiều hơn cả quĩ của các cháu! Nói vậy nhưng mọi người đều đã biết, tiền ủng hộ được chuyển khoản hằng tháng cho cô Nậm - người giữ quĩ thiện nguyện Trường Mầm non Cốc Rế. Quĩ này cũng đồng thời được cán bộ do UBND xã cử ra giám sát và thường xuyên được cập nhật số dư trên mạng. Mô hình quản lý này đã được Facebach áp dụng khi đến với các em học sinh nội trú ở Trường tiểu học Kiên Thành, huyện Trấn Yên, Yên Bái vài tháng trước. Dù chúng tôi đi lại lưu trú thế nào thì tiền mà các nhà hảo tâm dành cho các cháu vẫn còn nguyên vẹn, một trăm phần trăm.
Hôm sau, đúng vào chủ nhật, nhà trường nghỉ. Chúng tôi được nghỉ nhờ cùng các em nhỏ trên những tấm phản gỗ trong trường. Cô Hằng - Hiệu trưởng trường mầm non cho biết, trong tổng số 220 trẻ ở 9 thôn bản chỉ có 3 cháu người Kinh, còn lại là Tày, Nùng, Mông, Thái. Do đường núi xa và khó đi nên phải bố trí trường ở nhiều địa điểm. Ngoài trường chính là nơi chúng tôi nghỉ đêm, còn có 6 điểm trường đặt ở các thôn bản nữa. Đợi đến sáng thứ hai, trong ngày học bình thường mới trao quà tận tay và trò chuyện với “người dùng” được. Đợt quà trước mới có dép và một ít quần áo mùa hè. Lần này là mũ len, áo ấm mỗi cháu một bộ. Cả một ít bút tô màu nữa. Trước khi đoàn lên đường một ngày, trưởng đoàn hồ hởi thông báo tiền thức ăn cho đến hết năm học cũng góp được đủ rồi. Nhìn ngôi trường chính khang trang được xây dựng bằng kinh phí Nhà nước giống như bao nhiêu ngôi trường ở miền xuôi, ít ai ngờ rằng các bé phải đựng cơm bằng túi ni-long xách tới trường. Và bữa cơm của phần lớn các em bé từ 5 tuổi trở xuống chỉ có cơm không. Như thế cũng là cố gắng của gia đình rồi, khi mà sáng sớm, cha mẹ cũng chân đất như con, đưa con đến trường rồi vội vàng về làm nương. Chúng tôi muốn đến tận nhà các em có hoàn cảnh khó khăn nhất và đến các điểm trường cũng là để tận mắt thấy cái mảnh đất gốc nuôi lớn những mầm non nơi đây.
Đường lên bản Đông Thang của người Mông thật sự gây ấn tượng với những ai chỉ quen đi đường nhựa. Đây là địa bàn cao nhất của xã Cốc Rế, 1.400m so với mực nước biển. Hai người một xe máy nối đuôi nhau theo cô hiệu trưởng. Đang vừa đi vừa ước lượng độ cao mặt đường so với đám ruộng và khe nước bên cạnh thì tôi bị vấp một hòn đá to. Xe máy nảy sang chỗ đất đá lởm chởm. Về số một, ga thốc lên, không nhúc nhích được. Nữ nhà báo mới ra trường nhảy xuống đẩy hỗ trợ. Thế là qua. Và thỉnh thoảng lại thế. Môn thể dục trong trường đại học đúng là rất quan trọng! Trưởng bản Sùng Seo Dũng đón và đi cùng chúng tôi đến mấy nhà có học sinh mầm non. Anh cho biết nếu trời mưa thì những đoạn đường này chỉ đi bộ. Lúc chưa nói chuyện với anh, chúng tôi cũng đã cho là như vậy. Thăm và tặng chút bánh kẹo cho 4 cháu đang đi lớp ở 3 gia đình khác nhau. Có ai đó trong đoàn giục phụ huynh rửa mặt cho các cháu. Tôi không nhìn thấy bể nước, chỉ có mấy chuồng gia súc gia cầm cách phía trước nhà khoảng hơn 1m. Bếp đun nấu trong nhà khói cay xè. Nước suối thấp hơn chỗ này chừng 500m. Lúc cả đoàn bước vào căn nhà đầu tiên, hỏi chuyện chủ nhà dăm câu, mấy người kêu “Sao tối thế, không bật đèn lên”. Chỉ có một bóng đèn được bật lên. Loại bóng tiết kiệm điện có vẻ thiếu tự tin bên cạnh cái cột nhà bám đầy mồ hóng. Hai lần sau, chúng tôi không giục chủ nhà bật đèn nữa.
Thành viên đoàn thiện nguyện tặng quà cho gia đình khó khăn và các em nhỏ ở Cốc Rế.
Sáng thứ hai, đường đến điểm trường Trang Khâu cũng tương tự như đường lên bản Mông, nhưng có thêm nước chảy tràn trên mặt đất ở một số đoạn. Cả đoàn đã quen nên vượt qua những chỗ dốc trơn có vẻ suôn sẻ. Trên mảnh đất chừng 500m2 bằng phẳng, ngôi nhà tường đất là lớp học của 22 cháu, còn ngôi nhà vách gỗ xiêu xiêu là nhà văn hóa thôn. Trong lớp học có khoảng hơn 20 cái ghế nhựa nhỏ, tường đất dán ni-long và tranh ảnh, nền đất trống trơn. Cô giáo phụ trách điểm trường cho các cháu ngồi ghế thành hàng chữ u hướng về chúng tôi để chào, rồi hát. Ngộ nhất là khi phát quà và dùng thử. Có bạn bé quá lại được thử cái áo dài đến đầu gối. Cô giúp xỏ tay mãi cũng không ra ngoài tay áo được. Thế nhưng cu cậu lại có vẻ khoái, đứng chụp ảnh mà hai tay cứ vung vẩy, có lẽ vì tự nhiên cái tay lại mềm và dài. Tất cả đều cười. Trời đang nắng, các cô bác đều mặc áo cộc tay cả. “Các cô bác tặng mũ len và áo khoác giờ này đang đi làm ở tận Hà Nội. Thấy được hình ảnh thế này, họ sẽ rất vui đấy. Phải chuẩn bị cho mùa đông từ bây giờ chứ”, một thành viên trong đoàn chúng tôi nói.
Những điều đọng lại
Anh Hùng - phóng viên báo Hà Giang mới từ thành phố vào đến nơi. Hỏi chuyện nhau cũng là làm việc. Qua anh em phóng viên, chúng tôi được biết về các trường học khó khăn nhất ở vùng cao. Cũng lại nhờ báo chí mà hoạt động nhỏ bé tại một xã xa xôi thế này sẽ được thông tin đến các nhà hảo tâm ở khắp mọi miền. Thấy sự thực rồi mới tin tưởng nhiều hơn. Có lòng tin thì mới có thể chung tay chung sức được.
Hoàn thành kế hoạch, chia tay Cốc Rế. Cả đoàn hát vang trong xe. Chúng tôi đã quyên góp được cho chương trình “Bữa trưa tươi hơn” để Trường mầm non xã Cốc Rế mua thức ăn trưa cho trẻ trong năm học 2016-2017 hơn trăm triệu. Bên cạnh đó, nhóm tình nguyện cũng đã trao tặng các hiện vật cho nhà trường như máy xay thịt, chảo điện, cặp lồng đựng cơm, bát và thìa, áo mưa, dép tổ ong, văn phòng phẩm, váy - áo mùa hè, áo khoác, mũ len...
Hy vọng rằng lòng tốt trong cộng đồng sẽ còn tiếp sức cho nhóm chúng tôi đến được những địa chỉ khác. Rồi những nhóm thiện nguyện khác đã và đang làm được nhiều hơn, tốt hơn. Tôi nhìn ra những dãy núi trùng điệp, những khe suối thăm thẳm. Mỗi chiếc xe đang bò dốc trông như một con kiến. Xe quặt gấp qua một khúc cua tay áo. Trên vạt đồi bắt đầu rơm rớm sương chiều của Xín Mần vẫn còn lẫm chẫm tụm vào nhau những khóm tam giác mạch trắng tím hồng như màu thổ cẩm nhìn theo...