Hà Nội

Gạn đục khơi trong thời bùng nổ công nghệ

26-06-2021 12:07 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong thế giới số hiện nay, mạng xã hội được xem như ngôi nhà thứ hai của mỗi người. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, ngôi nhà này đang tiềm ẩn những góc khuất đáng sợ.

Theo một con số thống kê vào đầu năm nay, Việt Nam có hơn 70 triệu người đang sử dụng mạng xã hội, chiếm gần 70% dân số. Sẽ thật nguy hại nếu như thế giới ảo này ngập tràn những điều tiêu cực, phản cảm, vô văn hóa. Thời điểm này năm ngoái, báo Sức khỏe & Đời sống từng gióng lên hồi chuông cảnh báo sự xuống cấp nghiêm trọng của văn hóa ứng xử trên mạng xã hội thông qua bài viết ‘Khi cộng đồng mạng nhân danh… công lý’. Bài viết cũng đặt ra một giả thiết: Nếu pháp luật không lên tiếng, Việt Nam có lẽ không còn giữ được vị trí top 5 nước kém văn minh internet nhất thế giới, mà sẽ nhanh chóng đoạt vị trí ‘quán quân’. Quả nhiên, điều đó… xém chút nữa trở thành hiện thực.

‘Luật rừng’ trên mạng xã hội

Cộng đồng người hâm mộ bóng đá Việt Nam có lẽ chưa thể quên trận đấu quan trọng giữa tuyển Việt Nam và UAE diễn ra ngày 15/6 trong khuôn khổ vòng loại thứ hai World Cup 2022. Phút 61 trong trận đấu, tiền đạo Công Phượng đã bị ngã trong vòng cấm sau pha truy cản của hậu vệ đối phương. Tuy nhiên, trọng tài Ali Sabah đã bỏ qua tình huống này và không cho tuyển Việt Nam hưởng quả phạt đền. Ngay sau quyết định có phần bất lợi cho đội tuyển nước nhà, hàng nghìn tài khoản Facebook Việt Nam đã truy tìm và tấn công trang cá nhân của trọng tài Ali Sabah. Nhiều người đã thể hiện sự phẫn nộ bằng cách để lại những bình luận phản cảm, thậm chí dùng những từ ngữ rất thô tục với vị trọng tài này, dẫn đến việc ông phải ‘kêu cứu’ trên trang cá nhân: ‘Tôi bị xúc phạm bởi những bình luận của người hâm mộ Việt Nam. Mặc dù tôi đã thổi phạt đúng luật nhưng họ vẫn chửi bới và xúc phạm tôi, thậm chí họ còn đòi giết tôi. Tôi cần cơ quan pháp luật giúp giải quyết việc này’. 

 

Cựu người mẫu này nổi tiếng bởi những buổi livestream chửi mắng anti-fan

 

Trước đó, tại trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Indonesia, khi nhận thấy các cầu thủ Việt Nam liên tục chịu đựng những pha vào bóng ác ý của cầu thủ Indonesia nhưng vẫn được trọng tài Ahmad Alali nương tay, nhiều cư dân mạng Việt Nam cũng vào ‘làm loạn’ trang Facebook của vị trọng tài này.

Trên đây chỉ là một ví dụ điển hình mới nhất về văn hóa ứng xử của một bộ phận người dùng mạng xã hội tại Việt Nam, nhưng là điều kiện đủ để các nhà quản lý văn hóa nghĩ đến những hành động quyết liệt hơn, khi mà Nghị định 15/2020/NĐ-CP dường như chưa thể răn đe triệt để những phát ngôn và hành vi phản cảm trên mạng xã hội. Cụ thể, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, được kỳ vọng sẽ góp phần tạo dựng môi trường mạng lành mạnh, hữu ích. Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội gồm có 3 chương với 9 điều, áp dụng cho 3 nhóm đối tượng: Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.

Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cũng nêu rõ 4 quy tắc ứng xử chung, áp dụng cho tất cả nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội. Thứ nhất là quy tắc tôn trọng, tuân thủ pháp luật: Tuân thủ luật pháp Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Thứ hai, quy tắc lành mạnh: Hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thông tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; Thứ ba, quy tắc an toàn, bảo mật thông tin: Tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin; Thứ tư, quy tắc trách nhiệm: Chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.

Hành trình gian nan

Có thể nói, Bộ Quy tắc ứng xử được ban hành đúng thời điểm mặt trái của mạng xã hội đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều đối tượng ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Thời gian qua, người dùng mạng xã hội đã chứng kiến không ít những tiêu cực, chẳng hạn như hiện tượng quảng cáo tràn lan sản phẩm kém chất lượng, một số cá nhân ăn mặc hở hang, phản cảm trong các livestream bán hàng,… Đặc biệt phải kể việc hàng loạt người nổi tiếng trong showbiz Việt đang khiến công chúng phẫn nộ vì công khai chửi bới, dằn mặt, bóc phốt bất cứ ai, kể cả đồng nghiệp, người hâm mộ,… thông qua những buổi livestream.

 

Trọng tài Ali Sabah

Đáng nói, bất chấp Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được ban hành ngày 17/6/2021, tối 23/6, một cựu người mẫu nổi tiếng vẫn tiếp tục livestream như thường lệ, vừa kết hợp bán hàng vừa tranh thủ… dằn mặt anti-fan vì dám report trang của mình. Cô đã sử dụng những lời lẽ rất khó chấp nhận: ‘Mấy con anti-fan, chắc chúng mày tức lắm phải không?’. Không chỉ sử dụng các từ ngữ chợ búa như ‘chúng mày’, ‘con’ để mắng anti-fan, cựu người mẫu này còn dùng những lời lẽ thô tục, chợ búa dành cho nhân viên của mình chỉ vì chưa mang khăn ướt ra cho khách. Người xem livestream không thể đếm nổi cô này đã ‘văng’ bao nhiêu câu chửi vào mặt nhân viên cũng như anti-fan.

Xem ra, hành trình ‘gạn đục khơi trong’ văn hóa ứng xử trên mạng xã hội thời bùng nổ công nghệ còn lắm gian nan. Giới trí thức phẫn nộ, luật pháp cũng đã ra tay, nhưng dường như những đối tượng xấu và hành vi phản cảm vẫn chưa dừng lại. Tại sao số đông luôn bị cuốn vào những vấn đề tiêu cực? Vì sao dân mạng hiện nay chỉ thích ‘hít hà’ drama và sẵn sàng xắn tay lên chửi bới, mạt sát, vùi dập một cá nhân nào đó…? Thói quen này có phải là một bệnh lý? Những hành vi phản cảm trên mạng xã hội để lại hậu quả gì? Nạn nhân của những trò bẩn trên mạng xã hội là những người nổi tiếng sẽ nói gì?... Mời bạn đọc báo Sức khỏe & Đời sống theo dõi những kỳ tiếp theo của chuỗi bài này.


Thủy Kiều
Ý kiến của bạn