Gạn đục, khơi trong “làng phây”

02-01-2015 8:00 AM | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Nói gì thì nói, hiện nay facebook đang là mạng xã hội thu hút rất nhiều người, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính, tôn giáo, vùng miền, địa vị...

Nói gì thì nói, hiện nay facebook đang là mạng xã hội thu hút rất nhiều người, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính, tôn giáo, vùng miền, địa vị... Tính hấp dẫn của nó, trước hết là chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm cũng như kết bạn với những người chưa từng quen biết. Và, khi đã trở thành bạn bè rồi thì thông qua facebook, hai bên biết được mọi động tĩnh của nhau. Với ai quen biết thì đương nhiên phải là bạn “phây” của nhau rồi.

Rõ ràng, mạng xã hội ảo này làm cho thế giới phẳng hơn, những khoảng cách xa xôi về địa lý không còn cản trở sự tìm hiểu, làm quen rồi có thể trở nên thân thiết của những người xa lạ. Tính lan tỏa, tương tác của nó cực nhanh, cực rộng và đôi khi tạo ra những chấn động xã hội rất mạnh mẽ. Chắc nhiều người đã biết vào tháng 11 năm 2012, khi tái cử Tổng thống Mỹ, Barack Obama đã cập nhật hình ảnh mình đang ôm hôn phu nhân, bà Michelle Obama với dòng chữ Four more Years (Bốn năm nữa) trên facebook. Ào ào những sóng like (thích) đổ về trang cá nhân của Tổng thống Mỹ; cho đến nay hình ảnh lịch sử đó trở thành một trong những bài có số lượng người thích và bình luận hàng đầu trên mạng facebook (4.437.260 lượt like và 216.500 bình luận)...

​​

Tôi chỉ là người mới bước vào làng facebook thôi nhưng cũng đã cảm nhận được sự thú vị hay phiền toái của nó. Thường xuyên gặp gỡ được bạn bè quen biết (cũ và mới), trong đó có không ít văn nghệ sĩ mình yêu mến; đó là cái thú đầu tiên. Trên facebook hiện nay có nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo thường xuyên xuất hiện mà nếu kể ra chắc phải tốn hết mấy trang giấy, tôi chỉ xin điểm danh một số người gần gũi với mình thôi như các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình Anh Ngọc, Vương Trọng, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Cảnh Nhạc, Hữu Việt, Võ Thị Xuân Hà, Văn Giá, Trần Nhương, Phạm Xuân Nguyên, Lê Huy Mậu, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Vũ Thiên Kiều, Huỳnh Thúy Kiều, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng, Phạm Duy Nghĩa, các nhạc sĩ như Đỗ Hồng Quân, Quỳnh Hợp, Trương Ngọc Ninh, Ngọc Quang...; các họa sĩ như Lê Trí Dũng, Phan Đình Tiến...; diễn viên điện ảnh như Nguyễn Thị Chiều Xuân... Danh sách bạn bè mới được nối dài thêm mỗi ngày, trong nước ngoài nước đều có, đủ các miền Bắc Trung Nam, từ biên giới trập trùng tới biển đảo mênh mông, gồm nhiều lứa tuổi, ngành nghề...

Với các người viết, tôi mạo muội nghĩ, đây là một kênh quan trọng để các tác giả tự giới thiệu mình với bạn đọc trong cả nước và nước ngoài bằng hình ảnh và tác phẩm. Không ít bạn đọc biết được các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình thông qua mạng facebook này. Mỗi khi ra sách mới, một số nhà văn, nhà thơ đã giới thiệu, quảng cáo, tiếp thị trên mạng xã hội ảo này mà không mất đồng nào. Vui lắm mà, nhiều tác giả in được truyện hay thơ ở tạp chí, báo nào đó cũng đưa lên facebook để “báo cáo” với bạn bè. Họ được nhận lời chúc mừng, khen ngợi, động viên tơi tới của bạn bè khắp nơi và cả những lẵng hoa tươi (ảo) rất lộng lẫy nữa. Hoa thì ảo nhưng không quan trọng bởi tình là thật, rất thật!

Trong thế giới thật, thơ xuất hiện nhan nhản từ làng đến phố, từ rừng tới biển thì ở thế giới ảo này thơ vẫn nhiều không kể xiết. Ảnh và thơ, thơ và ảnh đan xen quấn quýt nhau như hình với bóng. Thơ tình, thơ thế sự, thơ thời sự, thơ trào phúng đều góp mặt. Cũng như xã hội thật vậy, thơ hay, thơ vừa, thơ dở trà trộn nhau. Không phải cứ tác giả có mác Hội Nhà văn Việt Nam là được like nhiều đâu nhé. Còn khuya! Có những bài thơ khi tôi đọc thấy cũng thường thôi nếu không muốn nói là chưa sạch nước cản lại có số lượt like ngất ngưởng. Nhấn nút like phần nhiều là theo sự quen biết hay cảm tính, tôi nghĩ thế. Nhưng có một điều, các nhà sáng tác phải suy nghĩ: những tác phẩm quan tâm đến tình hình đất nước (biển đảo, biên giới, chủ quyền lãnh thổ), đời sống người dân được nhiều người đồng cảm. Có vẻ cộng đồng mạng coi trọng nội dung hơn nghệ thuật; mặt khác, sự rắc rối bí ẩn trong văn chương hình như không phải là lựa chọn của nhiều người. Tuy nhiên, đọc trên mạng, tôi thấy có những bài thơ rất khá của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Nếu bỏ công tuyển chọn chắc chắn sẽ có các tập thơ được bạn đọc yêu thích.

Đọc facebook, phần lớn ngại bài dài nhưng vẫn có người đưa truyện ngắn, bút ký, tản văn lên. Số người vào đọc những thể loại này không đông nhưng cũng không quá ít và thường là người thực sự yêu thích văn chương. Xem bình luận của họ chúng ta sẽ biết được ai đọc kỹ, đọc sâu và ai lớt phớt liếc qua cho phải phép. Với tôi, không đọc thì thôi, chứ vào đọc thì phải kỹ. Đọc để vừa thưởng thức, vừa học hỏi. Học người viết thành danh, nổi tiếng và học cả những người mới xuất hiện, ta vừa biết. Cái sự học thì chả bao giờ thừa cả. Học cái hay, biết cái dở của người khác cũng là cách nạp kiến thức mới cho mình. Có người viết chưa đủ điều kiện in sách, báo thì facebook là nơi cực kỳ thuận lợi cho họ xuất bản tác phẩm. Không sợ bị cắt xén, biên tập dở làm méo mó tác phẩm của mình. Thú vị đấy chứ, phải không các bạn?

Đây cũng là nơi để bày tỏ chính kiến, tình cảm của mình về cuộc sống. Từ vấn đề thiêng liêng như chủ quyền Tổ quốc đến chuyện hay dở, buồn vui đời thường, thậm chí lắm lúc rất nhỏ nhặt cũng được thổ lộ trên mạng xã hội ảo này. Dạo Trung Quốc đem giàn khoan HD-981 hạ đặt trái phép vào vùng biển nước ta, những đợt sóng phản đối dữ dội ào ào xuất hiện trên facebook. Rất nhiều trang bìa có ảnh biển đảo Việt Nam và rực đỏ màu cờ Tổ quốc. Nhiều bài thơ, bài văn đề cao lòng tự hào dân tộc, ca ngợi cổ vũ bộ đội hải quân, cảnh sát biển Việt Nam... Số like cho các bài viết về vấn đề nóng bỏng đó khá nhiều. Trên facebook, tâm trạng, lòng dân được phản ánh khá rõ.

Ở một khía cạnh khác, trang mạng xã hội này thể hiện được quyền con người ở sự tự do, dân chủ, bình đẳng. Ai cũng có thể xuất hiện một cách đàng hoàng trên đó. Mỗi người một trang cá nhân như những căn hộ riêng vậy. Họ có thể treo lên tường nhà những gì mình thích. Xã hội được phản ánh khá sinh động trên facebook với nhiều màu sắc đa dạng mà khi vào đó ta biết được khá nhiều thông tin. Cũng vậy, tất cả những ái ố hỉ nộ trong đời thực cũng được thể hiện trên facebook. Theo dõi, tôi biết đã có các cuộc tranh luận về các vấn đề xã hội hay văn học nghệ thuật trên mạng này. Nó cũng là một kênh giúp ta nắm được tâm trạng, xu hướng xã hội đương thời.

Tuy nhiên, mạng xã hội này cũng ăn lẹm thời gian của người chơi không ít. Khi đã bập vào nó cũng dễ nghiện lắm. Cái sự nghiện này nhẹ nhàng êm ái nhưng dứt bỏ nó không dễ. Có người thấy chơi nó mất thời gian nên tuyên bố từ giã nhưng phần đông sau một thời gian lại trở về với facebook. Thế là, bài vở, ý kiến, bình luận, ảnh tự sướng lại xuất hiện đều đặn trên trang cá nhân. Cảm giác bị bỏ rơi, bị cô đơn thể hiện rất rõ với ai đã từng mê mà rời bỏ sân chơi này. Có bạn đã tâm sự với tôi rằng: “Em định thôi facebook nhưng thấy buồn và cô đơn quá nên phải trở lại với nó”. Mạng xã hội này cũng chứa đủ mọi sự hay - dở, đục - trong, cái tích cực và cái tiêu cực lẫn lộn, trà trộn nhau. Đó là chưa nói tới những hình ảnh thô tục, dâm ô, những tin nhắn bậy bạ theo kiểu gạ tình được gửi đến ngoài sự kiểm soát của mình. Vì thế, người chơi facebook cũng cần phải gạn đục khơi trong, hướng tới những điều tốt đẹp, thiện lương. Tiết chế thời gian cũng là điều rất cần thiết nếu không nguy cơ trở thành nô lệ của mạng xã hội này không xa xôi lắm.

Riêng tôi, một người đang chơi facebook có gần hai nghìn rưỡi bạn cũng đã tự khuyên mình như sau:

Ta tìm cách tránh chen chúc đời thực

Lại lạc vào chốn đông đúc “Làng phây”

Ở đâu cũng khơi trong, gạn đục

Biết lắng lòng nhận biết dở, hay!

Nguyễn Hữu Quý

 

 

 

 

 

 

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH