Hà Nội

Gạn đục khơi trong, Cô Ba Sài Gòn dự Oscar

03-10-2018 12:01 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) vừa chọn bộ phim Cô Ba Sài Gòn (đạo diễn Trần Bửu Lộc - Kay Nguyễn) dự giải Oscar danh giá lần thứ 91 tại Mỹ. Trong bối cảnh phim Việt nói chung thường nghiêng về giải trí thì Cô Ba Sài Gòn có yếu tố nghệ thuật, đề cao tính truyền thống được “chọn mặt gửi vàng” là quyết định hợp lý. Tuy nhiên, tác phẩm có tạo nên bất ngờ tại Oscar hay lại trắng tay như nhiều bộ phim trước là chuyện khác.

Có thể nói, liên hoan phim danh giá Oscar từ lâu được xem là sân chơi quá tầm đối với điện ảnh Việt. Khoảng 20 năm trở lại đây chúng ta có tác phẩm dự tranh giải “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” giải Oscar. Tuy nhiên, ngoài bộ phim Mùi đu đủ xanh (đạo diễn Trần Anh Hùng) năm 1993 lọt vòng đề cử cuối cùng, đến nay các phim Việt thường bị “văng” ngay từ vòng sơ loại ở sân chơi này, đó là: Mùa len trâu, Chuyện của Pao, Áo lụa Hà Đông, Đừng đốt, Khát vọng Thăng Long, Mùi cỏ cháy, Trúng số, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cha cõng con.

Phim Cô ba Sài Gòn vừa được chọn là đại diện duy nhất dự giải Oscar danh giá lần thứ 91 tại Mỹ.

Phim Cô ba Sài Gòn vừa được chọn là đại diện duy nhất dự giải Oscar danh giá lần thứ 91 tại Mỹ.

Đối với Cô Ba Sài Gòn - phim vừa được chọn dự vòng sơ loại hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” giải Oscar 91, với cách làm mới lạ, thiên về nghệ thuật nên phim này được lựa chọn là hợp lý. Thực tế, Cô Ba Sài Gòn có doanh thu phòng vé vào mức chấp nhận được với 60 tỉ sau một tháng công chiếu, dù bộ phim bị một khán giả quay lén trong rạp và phán tán trái phép trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, bộ phim này cũng giành được Giải thưởng của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20; Phim xuất sắc nhất, biên kịch xuất sắc giải Cánh diều Vàng 2017. Ngoài ra, phim từng được đề cử giải thưởng lớn, đạo diễn triển vọng tại Liên hoan phim châu Á Osaka (Nhật Bản) lần thứ 13 nhưng... không đoạt giải.

Xét về nội dung, Cô Ba Sài Gòn được giới chuyên môn và khán giả đánh giá “là bộ phim xem được”. Bộ phim của đạo diễn Kay Nguyễn và Trần Bửu Lộc xoay quanh một cô gái kiêu ngạo Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc đóng) sống ở thập niên 1960, khinh thường nghề may áo dài gia truyền. Khi du hành đến tương lai, cô chứng kiến nhiều đổi thay và tìm được tình yêu với áo dài. Trên nền câu chuyện giải trí, Cô Ba Sài Gòn có yếu tố xã hội khi đề cao tinh thần gìn giữ nghề truyền thống giữa sự lấn át của văn hóa hiện đại, cụ thể là áo dài Việt. Phim khai thác đề tài “xuyên không”, một xu hướng phổ biến của điện ảnh thế giới hiện nay. Quan trọng hơn, cách dẫn dắt đường dây cốt truyện và truyền tải thông điệp, mạch phim nhanh gọn, bố cục chặt chẽ đã tạo được sức hút cho phim. Ngoài ra, Cô Ba Sài Gòn còn “ghi điểm” bởi sự tỉ mỉ, công phu trong bối cảnh, phục trang; âm thanh, hình ảnh chất lượng; nhạc phim đan xen giữa những ca khúc xưa và nay cuốn hút.

Theo đánh giá của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, Cô Ba Sài Gòn dù chất lượng nghệ thuật chưa hẳn đã tròn trịa nhưng nó mang dấu ấn dân tộc và dấu ấn cá nhân rất rõ nét. Trong lúc rất nhiều đạo diễn đi theo xu hướng thương mại, giải trí thì ê-kíp làm phim này đã “ngược dòng” làm phim tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc. “Rõ ràng, với xu thế hội nhập như hiện nay, việc đề cao bản sắc dân tộc sẽ rất có lợi thế. Ít nhất là nó mang tính nhận diện. Trong khi đó, rất nhiều phim của Việt Nam hiện nay khi mang công chiếu ở nước ngoài hoặc là không biết phim của nước nào hoặc là nhầm với phim của nước khác” - nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ. Tuy nhiên, Cô Ba Sài Gòn không hẳn vì thế mà không có “sạn”. Đó là việc nhân vật Như Ý được làm quá nên nhiều khán giả ngỡ rằng cô là siêu năng lực, dòng thời gian phim nhiều khi rối, tạo hình nhân vật thiếu tính thực tế... Đáng nói, trong Cô Ba Sài Gòn còn có những hình ảnh quảng cáo cho một số nhãn hàng khá lộ liễu khiến khán giả phải cười ồ trong rạp. Cảm tưởng rằng nếu diễn viên trong phim chỉ cần đọc thêm slogan thương hiệu sản phẩm nữa là đủ ngay một video quảng cáo như trên truyền hình.

Thực tế chỉ ra rằng, phim Việt kém duyên và thường không thể đi đến cuối chặng đường ở các sân chơi lớn như Oscar. Giới chuyên môn thừa nhận phim Việt chưa đủ tầm cạnh tranh một suất đề cử chính thức (5 phim) chứ chưa nói đến việc giành giải. Bởi điện ảnh Việt quy mô còn nhỏ, chưa định hình được cái tên trên trường thế giới. Mỗi năm chúng ta chưa sản xuất ra nổi 100 phim, trong khi đó phần các tác phẩm thường nghiêng hẳn về yếu tố thương mại, giải trí và thiếu sự đầu tư về mặt nghệ thuật, những đề tài gai góc. Với giải thưởng lớn như Oscar, đây là sân chơi điện ảnh của cả thế giới và có sự tranh tài của nhiều nền điện ảnh tiên tiến. Nhiều tác phẩm của các nước thể hiện được trình độ, tư duy làm phim và giá trị thường có tính phổ quát hơn hẳn chúng ta. Cô Ba Sài Gòn tuy đã thể hiện được lối làm mới, khác lạ khi tìm tới yếu tố truyền thống nhưng như đã nói trên, khi tác phẩm còn chưa thật sự chỉn chu thì hành trình với Oscar cũng được dự đoán “ngắn chẳng tày gang”.


Phạm Quỳnh
Ý kiến của bạn