Gắn chíp giám sát xe buýt

10-08-2012 09:57 | Thời sự
google news

Hiện Trung tâm Quản lý điều hành GTĐT Hà Nội đang lập kế hoạch ứng dụng công nghệ điện tử để thiết lập các chốt thay thế cho con người nhằm xác nhận chính xác số lượt xe buýt đã thực hiện..

Hiện Trung tâm Quản lý điều hành GTĐT Hà Nội đang lập kế hoạch ứng dụng công nghệ điện tử để thiết lập các chốt thay thế cho con người nhằm xác nhận chính xác số  lượt xe buýt đã thực hiện. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc trung tâm.
 Từ 2013 gắn chip kiểm soát xe buýt.
Thưa ông, kế hoạch này đang được triển khai thế nào?

- Hiện tại, theo quy định, mỗi chuyến/lượt thực hiện, doanh nghiệp (DN) phải có một bộ hồ sơ, có lệnh xuất bến và hoàn thành chuyến/lượt đó. Tất nhiên, Nhà nước phải có công cụ để kiểm soát điều này. Hoạt động kiểm tra giám sát được thực hiện bằng sức người, thường xuyên trên mạng lưới và một số chốt. Bản thân DN cũng có chốt của mình để kiểm soát lượt xe qua đó.

Chúng tôi hiện có 30 nhân viên thuộc bộ phận kiểm tra giám sát. Con số này quá nhỏ so với hơn 10.000 lượt xe trên 1.000 đầu xe buýt mỗi ngày. Trong khi mạng lưới xe buýt ngày càng rộng, nên cần phải có công nghệ để kiểm soát. Công nghệ hiện nay mà chúng tôi đang tiếp cận là một loại thẻ điện tử được nạp dữ liệu của phương tiện.

Thẻ này khá gọn nhẹ, đơn giản, được gắn lên kính xe, nhìn bên ngoài giống như một con tem. Tại vị trí nhất định, sẽ thiết lập điểm chốt có radar quan sát. Mỗi khi xe đi qua, hệ thống sẽ quét và đọc thông số về thời điểm, loại xe, số tuyến… rồi truyền về trung tâm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải dùng con người để xử lý trong một số trường hợp. Cụ thể, sẽ có trường hợp lái xe phải đổi lộ trình do nhiều nguyên nhân khách quan, mà chủ yếu là tắc đường. Khi đó, thiết bị sẽ báo về trung tâm là xe không qua chốt, có nghĩa là không thực hiện chuyến/lượt đó. Trong khi đó, thực tế thì xe này đã được bộ phận điều hành đồng ý thay đổi lộ trình.

Chúng ta có tính được mức thất thu từ  việc giám sát không chặt chẽ không?

- Không thể nói là việc giám sát hiện không chặt chẽ, bởi tất cả đều đã có quy trình, quy định cụ thể. Mỗi chuyến lượt đều có số liệu, hồ sơ theo quy định. Vấn đề hiện nay là giữa cơ quan quản lý nhà nước (bên đặt hàng) và DN (bên thực hiện) đang có nhiều khúc mắc trong việc nghiệm thu. Đó là  không xác minh được giờ. Hiện nay, DN sẽ phải báo các chuyến/lượt không thực hiện nhưng chắc chắn vẫn còn xác suất. Ứng dụng công nghệ sẽ giúp giải quyết vấn đề này.

Thưa ông, dự kiến khi nào có thể đưa vào áp dụng  công nghệ này?

- Chúng tôi đang cố gắng triển khai nhanh để thực hiện từ đầu năm 2013.

- Xin cảm ơn ông!
 
Theo Lao động

Ý kiến của bạn