Gần 95% số người được điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện

04-12-2019 21:15 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong 3 mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS, Việt Nam đã về đích ngoạn mục với 96% người bệnh điều trị thuốc ARV được xét nghiệm có kết quả tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế (

Đây là thông tin được đưa ra trong Hội nghị 20 năm điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam do cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã tổ chức ngày 4/12/2019. Trong 3 mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS, Việt Nam đã về đích ngoạn mục với 96% người bệnh điều trị thuốc ARV được xét nghiệm có kết quả tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế (<1000 bản sao/ml máu) và gần 95% có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện (<200 bản sao/ml máu), không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình âm tính.

 

Ông Trương Quốc Cường- Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị

Với những nỗ lực từ Chính phủ và hỗ trợ mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế, đến hết tháng 9/2019, cả nước đang điều trị thuốc kháng vi rút ARV cho trên 142.000 người nhiễm HIV, tăng gần 280 lần so với năm 2004. Trung bình mỗi năm có trên 10.000 người nhiễm HIV được đưa vào điều trị ARV. Số ngày chờ từ khi đăng ký điều trị cho đến khi được điều trị ARV đã giảm từ trên 350 ngày năm 2011 xuống còn 0 ngày vào năm 2018. Người nhiễm HIV đã được đưa vào điều trị ARV trong ngày với thời gian từ khi có xét nghiệm sàng lọc HIV dương tính cho đến khi được khẳng định nhiễm HIV và điều trị ARV có nơi chỉ còn có 6,5 giờ. Cấp phát thuốc ARV tối đa 90 ngày sử dụng đã được thực hiện cho người nhiễm điều trị thuốc ARV ổn định.

Đánh giá cao việc mở rộng điều trị ARV tại Việt Nam, Ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương có tốc độ tăng bao phủ đáng kể thuốc ARV. Việt Nam cũng rất tích cực sáng tạo trong việc giúp bệnh nhân HIV tiếp cận điều trị. Từ năm 2012 việc thay đổi mô hình cung cấp dịch vụ HIV bao gồm xét nghiệm HIV, điều trị ARV và điều trị methadone đã được thực hiện từ quy mô thí điểm đến phủ rộng toàn quốc. Cách tiếp cận theo hướng đưa dịch vụ đến gần dân hơn và giúp người bệnh tiếp cận dễ dàng hơn, giảm chi phí và thời gian đi lại cho người bệnh, đặc biệt là những người sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa”.

Bên cạnh mở rộng độ bao phủ điều trị ARV, chất lượng điều trị ARV cũng được cải thiện và nâng cao dần qua các năm. Kết quả xét nghiệm tải lượng HIV trong 3 năm gần đây cho thấy hiệu quả chương trình điều trị được duy trì cao liên tục qua các năm.

TS Phan Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS trình bày kết quả 20 năm điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam

Kết quả 9 tháng đầu năm 2019 có 96% người bệnh điều trị thuốc ARV được xét nghiệm có kết quả tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế (<1000 bản sao/ml máu) và gần 95% có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện (<200 bản sao/ml máu). Các nghiên cứu khoa học gần đây đưa ra bằng chứng: “Một người uống thuốc kháng vi rút (ARV) hàng ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc, đạt được và duy trì tải lượng vi rút ở mức không phát hiện thì  không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình âm tính”. Bằng chứng khoa học này được khái quát bằng thông điệp “Không phát hiện = Không lây truyền” (viết tắt là K=K). Như vậy, tại Việt Nam có gần 95% người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV hiện nay không làm lây truyền HIV qua quan hệ tình dục cho bạn tình của họ. Đây là phát hiện quan trọng, nếu được truyền thông và quảng bá rộng rãi sẽ giúp người có hành vi nguy cơ tăng cường xét nghiệm sớm HIV; người được chẩn đoán nhiễm HIV sống tích cực, tiếp cận sớm với dịch vụ điều trị và tuân thủ điều trị, xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ; Bằng chứng khoa học trên cũng giúp người cung cấp dịch vụ và cộng đồng giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Đánh giá cao hoạt động này, Bà Caryn R. McClelland, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng: “Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong các hoạt động K=K do đã sớm đưa các phát hiện này vào các chính sách và chương trình quốc gia. Việt Nam được đánh giá là có tỷ lệ ức chế virus HIV thuộc hàng cao nhất thế giới.

Nhiều đại biểu quốc tế đã tham dự hội nghị

Để bảo đảm điều trị ARV bền vững trong bối cảnh các nguồn tài trợ nước ngoài cắt giảm và kết thúc vào năm 2020, Việt Nam đã và đang chuyển đổi thay thế từ nguồn viện trợ sang nguồn quỹ bảo hiểm y tế. Về hoạt động này, Ông Eamonn Murphy, Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV và AIDS (UNAIDS) Khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Việt Nam đang chứng minh cho toàn Châu Á Thái Bình Dương một cách thức mới để tiến về phía trước, với việc đưa điều trị ARV vào bảo hiểm y tế là điểm quan trọng đối với mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân. Có thể còn nhiều thách thức trong việc tiếp tục mở rộng quy mô, nhưng phải tiếp cận được những người cuối cùng để không ai bị bỏ lại phía sau”.

Ứng phó với nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm nhanh chóng, đặc biệt là với thuốc điều trị ARV, Việt Nam đã kịp thời chuyển đổi mô hình điều trị ARV từ các chương trình dự án tài trợ sang chi trả qua bảo hiểm y tế. PSG.TS.Nguyễn Hoàng Long, cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Trong tổng số 142.000 bệnh nhân đang điều trị ARV thì chúng ta đã chuyển đổi thành công trên 42.000 bệnh nhân chỉ trong có 6 tháng, từ tháng 3/2019 đến tháng 9/2019. Đây là thành công mà nhiều nước trên thế giới muốn tìm hiểu và học tập. Chúng ta sẽ tiếp tục chuyển đổi sang bảo hiểm y tế theo lộ trình cắt giảm của thuốc viện trợ để đảm bảo rằng khi không có thuốc viện trợ thì bệnh nhân vẫn tiếp tục được điều trị thuốc ARV đầy đủ và liên tục”.

Biểu dương các tập thể, cá nhân, điển hình đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống HIV/AIDS trong thời gian qua

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020, kết thúc AIDS vào năm 2030, vẫn còn rất nhiều thách thức. Bên cạnh thách thức về nguồn viện trợ quốc tế đang cắt giảm cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS nói chung và cho công tác điều trị HIV nói riêng, thì việc đưa người nhiễm HIV vào điều trị ARV sớm vẫn là thách thức lớn. Làm thế nào để người nhiễm HIV thuộc nhóm quần thể  “ẩn” như nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người tiêm chích ma túy… được tiếp cận sớm với các biện pháp dự phòng và điều trị thuốc ARV. Kết quả nghiên cứu của Trường đại học Y Hà Nội cho thấy, nếu không được can thiệp dự phòng thì trong số 100 người nam quan hệ tình dục đồng giới chưa nhiễm HIV thì sau một năm sẽ có 7 người chuyển nhiễm HIV. Do đó, song song với việc mở rộng điều trị thuốc ARV, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho quần thể có nguy cơ cao nhiễm HIV như nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ…. Hiệu quả dự phòng nhiễm HIV của PrEP nếu tuân thủ tốt lên đến từ 95- 97%.

Phát biểu tại hội nghị, ông Ông Trương Quốc Cường- Thứ trưởng Bộ Y tế đã cảm ơn sự  giúp đỡ quý báu về chuyên môn, kỹ thuật cũng như tài chính của các tổ chức quốc tế trong việc mở rộng chương trình chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam và mong muốn các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong cuộc chiến cam go này. Thứ trưởng cũng đề nghị các đại biểu cần chia sẻ một cách thẳng thắn các quan điểm, đề xuất những giải pháp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo sự bền vững của chương trình, nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị HIV/AIDS và đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm đạt được mục tiêu, kết thúc đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.


Thu Hương
Ý kiến của bạn