Hà Nội

Gần 760 nghìn lao động bị ảnh hưởng quyền lợi

11-12-2017 09:56 | Thời sự
google news

SKĐS - Bà Đàm Thị Hòa - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hà Nội cho biết, số tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tính hết tháng 11/2017 là 2.851 tỷ đồng.

Với số liệu này Hà Nội vẫn là địa phương có số nợ tiền BHXH cao nhất trong cả nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của 758.873 lao động.

Việc khởi kiện doanh nghiêp nợ bảo hiểm còn nhiều vướng mắc

Tính đến hết tháng 11/2017, BHXH TP Hà Nội đã thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được 29.752 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong năm 2017, BHXH TP đã phát triển thêm được 9.644 doanh nghiệp (DN), nâng tổng số đơn vị, tổ chức, DN trên địa bàn tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp lên 73.754 đơn vị. Mặc dù đã đạt được kết quả khả quan như vậy, song số tiền nợ đọng BHXH, BHYT trên địa bàn Hà Nội tính đến hết tháng 11/2017 còn rất lớn, lên tới trên 2.850 tỷ đồng, chiếm 8,47% kế hoạch thu.

Hà Nội nợ đọng bảo hiểm cao nhất nước

Đánh giá của BHXH Hà Nội cho thấy, nguyên nhân của tình trạng trên là việc có “khoảng trống” pháp lý trong tố tụng dân sự các vụ án nợ BHXH. Công tác khởi kiện DN nợ BHXH ra tòa án hiện nay đang gặp khó khăn, vướng mắc.

Từ tháng 1/2016 đến hết tháng 11/2017, cơ quan BHXH đã bàn giao hồ sơ của 492 đơn vị nợ đề nghị tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Nhưng đến nay chưa có vụ án về nợ BHXH được tòa án thụ lý, giải quyết do các vướng mắc về quy định pháp luật.

Cũng theo bà Đàm Thị Hòa, thực trạng làm ăn thua lỗ của một số DN khiến việc trả nợ BHXH khó khăn. Vẫn nhiều chủ DN chây ỳ, cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, đóng không đủ số người đang làm việc theo quy định. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người lao động về chính sách BHXH, BHYT còn hạn chế, không dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi bản thân.

Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm hành chính về BHXH, BHYT còn hạn chế, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2015 chưa có hiệu lực. Không chỉ Hà Nội, cả nước vẫn chưa hoàn thiện hệ thống liên thông dữ liệu về quản lý DN, lao động và BHXH.

Với tình hình này, BHXH Hà Nội khó có thể hoàn thành chỉ tiêu nợ do BHXH Việt Nam giao 4,04% năm 2017.

Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp quyết liệt

Theo BHXH Hà Nội, nhằm giảm nợ BHXH và hạn chế trục lợi BHYT, toàn hệ thống BHXH Hà Nội sẽ thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, như phân tích, phân loại DN nợ BHXH, BHYT theo loại hình sản xuất, kinh doanh, số tháng nợ, xác định nguyên nhân nợ. Trên cơ sở đó đề xuất và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực thực hiện đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về lao động, BHXH, BHYT.

Đối chiếu và thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đến đơn vị sử dụng lao động, trên cơ sở đó có hình thức đôn đốc thu nợ phù hợp; Yêu cầu từng cán bộ chuyên quản thu đôn đốc, nhắc nhở đơn vị nộp BHXH hằng tháng, trong đó chú trọng các đơn vị nợ phát sinh, nợ từ 1 đến dưới 3 tháng, nhằm giảm thiểu nợ khó đòi, kéo dài. Gửi thông báo nợ BHXH đến đơn vị có số nợ từ 2 tháng trở lên, lập biên bản đôn đốc về việc đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; gửi văn bản đôn đốc 15 ngày/1 lần; thanh, kiểm tra đối các đơn vị nợ BHXH, BHYT.

Đồng thời BHXH Hà Nội cũng đẩy mạnh thanh, kiểm tra liên ngành đối với các đơn vị nợ BHXH; tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Công an, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động thành phố, Cục Thuế thành phố, BHXH TP Hà Nội.

Với các cơ sở y tế, BHXH Hà Nội đề nghị giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh BHYT nâng cao trách nhiệm việc quản lý sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT, việc đề nghị thanh toán BHYT các chi phí khám chữa bệnh không đúng quy định, nhất là thực hiện không đúng, không đủ quy trình chuyên môn do Bộ Y tế quy định.

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, phổ biến quy định tại Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.


Nguyễn Nam
Ý kiến của bạn