Gần 700.000 học sinh ở 4 địa phương được tẩy giun miễn phí

29-11-2016 19:39 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chiến dịch tẩy giun hàng loạt diễn ra trong 2 ngày (28 và 29/11) cho khoảng 700.000 học sinh tiểu học tại 4 tỉnh gồm Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ và Nghệ An.

Trong 2 ngày 28-29/11, ngành y tế tỉnh Hòa Bình tổ chức cho tất cả học sinh các tiểu học trên địa bàn tỉnh uống thuốc tẩy giun miễn phí đợt 2 năm 2016.

Đây là hoạt động nằm trong Dự án “Phòng chống các bệnh giun truyền qua đường đất thông qua cải thiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân” được Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế và Tổ chức Đông Tây Hội ngộ triển khai tại 4 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An trong năm nay. Như vậy sẽ có hàng chục nghìn học sinh miền núi được tẩy giun miễn phí.

Chiến dịch tẩy giun hàng loạt diễn ra trong 2 ngày (28 và 29/11) cho khoảng 700.000 học sinh tiểu học tại 4 tỉnh gồm Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ và Nghệ An.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính tại nước ta có hơn 8,5 triệu trẻ em bị nhiễm hoặc có nguy cơ bị nhiễm các loại giun truyền qua đất như giun đua, giun, giun tóc, giun móc. Bị nhiễm giun truyền qua đất là do điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân kém, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi- nơi có tỷ lệ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn thấp; vẫn thói quen sử dụng phân tươi để bón ruộng; ít có thói quen rửa tay bằng xà phòng hoặc không sử dụng giầy, dép, dụng cụ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất.

Đặc biệt, tỉ lệ nhiễm giun ở trẻ em miền núi ở lứa tuổi 2 - 5 tuổi rất cao. Theo khảo sát, tỷ lệ nhiễm trẻ nhiễm giun tại Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An thuộc diện cao nhất các tỉnh miền Bắc nên Bộ Y tế lựa chọn 4 tỉnh này để triển khai Dự án phòng chống các bệnh giun truyền qua đường đất.

Chị Bùi Thị Hằng, nhân viên y tế Trường Tiểu học Hạ Bì, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình cho biế, mỗi năm trường tôi tổ chức tẩy giun 2 lần cho các học sinh từ khối lớp 1 đến khối lớp 5, tức là từ 6 đến 11 tuổi, để phòng tránh các bệnh do giun sán gây ra trong đó phòng chống suy dinh dưỡng cho học sinh miền núi. Nguồn kinh phí tổ chức cho Bộ Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng tài trợ. Các em học sinh không phải đóng tiền

Ông Bùi Văn Phón, Giám đốc Trung tâm phòng chống bệnh sốt rét và ký sinh trùng tỉnh Hòa Bình cho biết thêm, thực hiện Dự án của Bộ Y tế, việc tẩy giun đợt 1 vào giữa năm nay đã có hơn 69.000 học sinh tiểu học ở tỉnh Hòa Bình được uống thuốc tẩy giun miễn phí và trong 2 ngày 28 và 29/11 đã cấp gần 72 liều thuốc tẩy giun cho các trường tiểu học để thực hiện đợt 2.

Học sinh trường tiểu học Hạ Bì được uống thuốc  tẩy giun miễn phí sáng ngày 29/11

“Tại Hòa Bình thì thuốc tẩy giun được Viện Sốt rét- Ký sinh trùng Côn trùng trung ương cấp miễn phí đến 2020. Theo khảo sát của Viện tại 2 điểm trường thì thì tỷ lệ trẻ nhiễm giun tại Hòa Bình là 6,4%, tuy nhiên, tỷ lệ của toàn tỉnh chắc sẽ còn cao hơn vì nơi khảo sát chưa phải vùng lõm về nhiễm giun”- ông Phón nói

Theo các chuyên gia nhiễm giun có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em. Nhiễm giun đũa cấp tính có thể gây tắc ruột, giun chui ống mật. Nhiễm giun mãn tính làm cản trở việc hấp thụ chất dinh dưỡng, dẫn đến thiếu máu, suy dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em.

Vì vậy, mục tiêu của dự án là giảm tỷ lệ nhiễm các bệnh giun truyền qua đất, nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên, cán bộ y tế và cộng đồng về phòng chống các bệnh giun truyền qua đất và cải thiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, góp phần thực hiện phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Theo ông Trần Công Đại, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới, để phòng chống nhiễm giun cần duy trì thói quen vệ sinh cá nhân, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và đặc biệt tẩy giun định kỳ.

Ông Đại cũng cho biết, tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, sau 5 năm tẩy giun định kỳ cho các nhóm nguy cơ cao, gồm: trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học, phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ, nếu tỷ lệ nhiễm giun chỉ còn dưới 1% thì không cần thực hiện chiến dịch tẩy giun. Nếu tỷ lệ này từ 1% đến dưới 10% thì chỉ cần tẩy 2 năm/ lần. Nếu từ 10% đến dưới 20% thì tẩy giun 1 năm/ lần; từ 20% đến 30% cần tẩy giun 2 lần/ năm và nếu tỷ lệ trên 50% thì tẩy giun 3 lần/ 1 năm.

Việc thực hiện chiến lược tẩy giun theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới giúp định hướng cho việc ưu tiên các nguồn lực để đảm bảo việc phòng, chống nhiễm giun ở Việt Nam đạt hiệu quả cao nhất.


Thái Bình
Ý kiến của bạn