Gần 700 vũ khí đánh chặn châu Âu bất lực trước 'cơn lũ' hỏa lực Nga

07-07-2025 16:26 | Quốc tế
google news

SKĐS - Với khả năng sản xuất tới hơn 1.000 tên lửa đạn đạo mỗi năm, Nga đang tạo ra một thách thức cho hệ thống phòng thủ của châu Âu.

Trong khi đó, tổng kho dự trữ tên lửa đánh chặn của các nước NATO tại châu lục này vẫn ở mức hạn chế, khiến nhiều chuyên gia lo ngại rằng lục địa già có thể không đủ sức chống đỡ một cuộc tấn công quy mô lớn từ Moscow nếu xung đột lan rộng.

Gần 700 vũ khí đánh chặn châu Âu bất lực trước 'cơn lũ' hỏa lực Nga- Ảnh 1.

Tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M của Nga. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga)

Theo báo cáo mới nhất từ chuyên gia phân tích quốc phòng Fabian Hoffmann của Đại học Oslo và Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine (HUR), Nga hiện sản xuất khoảng 840–1.020 tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung mỗi năm.

Con số này bao gồm những loại vũ khí như 9M723 Iskander-M phóng từ mặt đất và tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal được phóng từ tiêm kích MiG-31. Cả hai đều đã được sử dụng thường xuyên trong xung đột tại Ukraine với sức công phá lớn và độ chính xác cao.

Điều đáng nói là sản lượng tên lửa của Nga đã tăng mạnh chỉ trong vòng một năm. Cuối năm 2024, Moscow chỉ sản xuất khoảng 600–700 quả/năm, nhưng đến giữa năm 2025, con số này đã vượt mốc 1.000. Nguyên nhân chính là việc mở rộng quy mô tại các nhà máy như Votkinsk, nơi đã tuyển thêm hàng nghìn công nhân kể từ 2022.

Trong khi đó, tại châu Âu, bất chấp việc triển khai nhiều hệ thống phòng không hiện đại, lại đang bị tụt lại phía sau. Các hệ thống đánh chặn như PAC-3 MSE, PAC-2 GEM-T (thuộc Patriot của Mỹ) và Aster 30 (do Pháp–Italia phát triển) tuy mạnh mẽ, nhưng số lượng còn hạn chế.

Dự kiến đến cuối năm 2025, tổng lượng tên lửa đánh chặn trong kho của châu Âu sẽ chỉ đạt khoảng 1.070–1.130 quả. Trong thực tế, con số có thể còn thấp hơn do nhu cầu huấn luyện, kiểm tra và phân tán trên diện rộng.

Tình thế càng trở nên đáng lo ngại khi xét đến chiến thuật "2 đấu 1", tức mỗi tên lửa tấn công cần ít nhất hai tên lửa đánh chặn để đảm bảo khả năng tiêu diệt. Với hơn 800 tên lửa có thể được Nga đồng loạt phóng đi, số lượng đánh chặn hiện tại rõ ràng là không đủ.

Hệ thống Patriot đã từng thể hiện hiệu quả nhất định trong các vụ đánh chặn Kinzhal tại Ukraine, nhưng kết quả vẫn rất biến động, có lúc bắn rơi được hai trong ba tên lửa, nhưng cũng từng để lọt một quả gây thiệt hại.

Thực tế cũng cho thấy "lá chắn" phòng không của châu Âu không được triển khai đồng đều. Đức, Pháp, Ba Lan và Romania hiện có các khẩu đội Patriot và Aster bảo vệ các khu vực chiến lược. Tuy nhiên, các quốc gia vùng Baltic, như Estonia, Latvia và Lithuania, gần như trống trải trước các cuộc tấn công tầm ngắn từ Kaliningrad. Ở khu vực Balkan hay Nam Âu như Hy Lạp và Bulgaria, tình hình cũng không khả quan do địa hình phức tạp và thiếu đầu tư.

"Sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu" (European Sky Shield Initiative) do Đức phát động từ năm 2022 với mục tiêu xây dựng mạng lưới phòng không chung đang gặp nhiều rào cản. Dù đã có 24 quốc gia tham gia, bao gồm cả cam kết mới nhất của Thụy Điển mua 7 hệ thống IRIS-T SLM, tiến độ vẫn chậm và còn vướng mắc về tài chính lẫn ưu tiên quốc gia khác nhau. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng hiệu quả thực sự của chương trình này khó có thể thấy rõ trước năm 2026.

Không chỉ thiếu tên lửa đánh chặn, châu Âu còn phụ thuộc nhiều vào công nghệ cảnh báo sớm của Mỹ. Hệ thống vệ tinh hồng ngoại SBIRS của Mỹ là công cụ chủ chốt để phát hiện các vụ phóng tên lửa, đồng thời chia sẻ dữ liệu cho NATO. Nếu kênh liên lạc này bị gián đoạn, châu Âu gần như "mù" trước các đòn tấn công. Liên minh châu Âu đã công bố kế hoạch phát triển hệ thống vệ tinh độc lập, nhưng phải tới năm 2030 mới có thể triển khai.

Trong khi đó, phía Nga không ngừng tăng tốc. Nhà máy Votkinsk đang đạt công suất sản xuất hơn 700 quả Iskander mỗi năm. Tên lửa Kinzhal với khả năng bay nhanh gấp 10 lần âm thanh và thay đổi quỹ đạo bay, hiện là thử thách lớn nhất cho mọi hệ thống đánh chặn hiện tại.

Các nâng cấp như tích hợp trí tuệ nhân tạo, cảm biến mới, hay thậm chí vũ khí laser đang được nghiên cứu, nhưng phải ít nhất đến năm 2028 mới có thể triển khai trên diện rộng.

Ngoài các yếu tố kỹ thuật, vấn đề còn nằm ở cấu trúc chỉ huy. Hệ thống kiểm soát không quân NATO đặt tại Ramstein (Đức) là đầu mối chia sẻ dữ liệu, nhưng mỗi quốc gia thành viên vẫn giữ quyền kiểm soát riêng với các hệ thống phòng không của mình. Điều này khiến phản ứng trong tình huống khẩn cấp dễ bị chậm trễ. Một cuộc tập trận vào năm 2023 cho thấy phải mất tới 15 phút để được phép khai hỏa, đủ để một tên lửa siêu thanh băng qua vài trăm kilomét.

Gần 700 vũ khí đánh chặn châu Âu bất lực trước 'cơn lũ' hỏa lực Nga- Ảnh 2.NATO gấp rút 'vá' lỗ hổng phòng không

SKĐS - Liên minh quân sự NATO đang dồn nguồn lực lớn vào việc tăng cường hệ thống phòng không, một trong những mắt xích yếu nhất trong năng lực phòng thủ của phương Tây hiện nay.


Xuân Minh
(theo Bulgarian Military)
Ý kiến của bạn