Gần 700 người dân 'sập bẫy' nhân viên ngân hàng giả mạo

08-04-2023 10:03 | Pháp luật

SKĐS - Các đối tượng lập trang web giả mạo ngân hàng để nâng mức thẻ tín dụng, khiến gần 700 người sập bẫy, mất trắng hàng chục tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" bằng hình thức giả danh nhân viên ngân hàng và gửi đường link trang web giả mạo ngân hàng nâng hạn mức thẻ tín dụng để chiếm đoạt tiền.

Gần 700 người dân 'sập bẫy' nhân viên ngân hàng giả mạo - Ảnh 1.

Các bị can Phạm Minh Quỳnh, Nguyễn Quốc Bảo, Phạm Ngọc Phong, Cấn Minh Phương.

Các nghi phạm bị khởi tố gồm Phạm Minh Quỳnh (SN 1995, trú tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế), Nguyễn Quốc Bảo (SN 1992, trú tại xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), Phạm Ngọc Phong (SN 1992, ở phường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội), Cấn Minh Phương (SN1993, trú tại xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Theo tài liệu từ cơ quan công an, vào khoảng tháng 9/2022, Nguyễn Quốc Bảo quen một người trên mạng xã hội. Người này hướng dẫn cho Bảo việc lừa đảo bằng cách giả danh nhân viên ngân hàng nâng hạn mức thẻ tín dụng và giới thiệu Cấn Minh Phương để hỗ trợ cho Bảo.

Sau đó, Bảo trao đổi với Phạm Ngọc Phong để tìm người lập trình trang web giả mạo ngân hàng. Qua tìm hiểu Phong biết Phạm Minh Quỳnh, là lập trình viên tự do nên đã đặt cho Quỳnh lập trình trang web giả mạo ngân hàng. Đến khoảng đầu tháng 10/2022, Quỳnh lập trình xong code trang web bán cho Phong với giá 10 triệu đồng và hướng dẫn Phong cách quản lý, sử dụng. Sau đó, Bảo thuê một căn nhà Hà Nội để thực hiện hành vi lừa đảo.

Gần 700 người dân 'sập bẫy' nhân viên ngân hàng giả mạo - Ảnh 3.

Tang vật thu giữ.

Phương được Bảo giao nhiệm vụ thuê người để đào tạo cách gọi điện thoại giả danh nhân viên ngân hàng dưới dạng số tổng đài, đồng thời hướng dẫn cho các nghi phạm cách thức gọi điện thoại giả danh nhân viên ngân hàng theo kịch bản có sẵn.

Bảo mua thông tin cá nhân của khách hàng sử dụng thẻ tín dụng ngân hàng trên mạng xã hội và cung cấp cho các nghi phạm gọi điện theo danh sách này. Khi người bị hại cung cấp thông tin cá nhân, các nghi phạm gửi cho Nguyễn Quốc Bảo.

Bảo sử dụng các tài khoản Zalo “ảo” kết bạn với người bị hại giới thiệu là nhân viên ngân hàng và hướng dẫn người bị hại nhập các thông tin cá nhân, số thẻ tín dụng và các mặt của CMND/CCCD.

Khi người bị hại nhập các thông tin này trên trang web thì các thông tin sẽ tự động gửi về Bot Telegram có tên là “Tiền về” được đấu nối tự động qua API với trang web do đối tượng Phạm Ngọc Phong quản lý. Sau đó, Phạm Ngọc Phong đặt hàng mua thẻ game, điện thoại di động, Macbook,…trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như TIKI, TopZone,...

Để thực hiện giao dịch ngân hàng sẽ tự động gửi mã OTP giao dịch về số điện thoại của người bị hại. Nguyễn Quốc Bảo sẽ tiếp tục sử dụng tài khoản Zalo “ảo” để yêu cầu bị hại nhập mã OTP vào trên trang web giả mạo để hoàn thành việc chiếm đoạt tiền trong thẻ. Sau đó, Bảo chặn tài khoản Zalo và cắt liên lạc với người bị hại.

Hiện Công an huyện Lộc Hà đang tiếp tục phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao - Bộ Công an đấu tranh mở rộng, xử lý nghiêm minh, triệt để theo quy định của pháp luật. Đến nay, đã xác định được khoảng gần 700 người bị hại với số tiền chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

Chiêu thức lừa đảo "con bị tai nạn đang cấp cứu, chuyển tiền gấp", bệnh viện hướng dẫn người dân cách để không "sập bẫy"Chiêu thức lừa đảo 'con bị tai nạn đang cấp cứu, chuyển tiền gấp', bệnh viện hướng dẫn người dân cách để không 'sập bẫy'

SKĐS - Sau khi nhập số tài khoản và ngân hàng thụ hưởng, tên đơn vị thụ hưởng là tên của Bệnh viện sẽ hiện lên. Với những số tài khoản không hiển thị tên đơn vị thụ hưởng là Bệnh viện thì cần phải cảnh giác ngay.


Nguyễn Sơn
Ý kiến của bạn