Gần 70 tuổi có con mà vẫn là người già không nơi nương tựa, cuộc đời nghèo khó, cơ cực đầy nước mắt

15-06-2022 09:02 | Nhịp cầu Nhân ái
google news

SKĐS - Bà Quý toàn gặp bất hạnh, sống trong đói khổ, cơ cực, bệnh tật nên thiếu thốn đủ đường.

Tên là Quý nhưng cuộc đời chưa một ngày sung sướng

Bà Nguyễn Thị Quý (sinh năm 1955) trú tại xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng bà vẫn phải vật lộn mưu sinh với rổ rau mua đầu chợ, bán cuối chợ.

Bà Quý mổ côi mẹ lúc mới 11 tháng tuổi, khi còn chưa biết đi, biết nói. Nhưng bà vẫn may mắn có quãng thời gian êm đềm khi được một người họ hàng góa chồng ở Từ Sơn (Bắc Ninh), không có con đón về làm con gái nuôi.

Lớn lên bà Quý đi lấy chồng, hơn 20 tuổi thì sinh được cô con gái. Nhưng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" nên người chồng bỏ đi lấy vợ khác, bỏ lại hai mẹ con bơ vơ trở về với mẹ nuôi.

Bà Quý đi làm thuê khắp làng, ai thuê gì thì làm nấy, vạ vật mấy chục năm… cho tới khi dạt về Bắc Giang.

Chấm ống tay áo thấm giọt nước mắt lăn xuống đôi gò má sạm đen, nhăn nheo, bà Quý than rằng, mẹ bà đặt cho con cái tên Quý có ý nghĩa là quý giá, theo nghĩa Hán Việt là phú quý, giàu sang, sung túc nhưng với bà Quý đã đi gần hết cuộc đời mà chưa một ngày sung sướng.

Có một người đàn bà bị săn đuổi  - Ảnh 2.

Bà Quý bên ngôi nhà mới được chính quyền và bà con trong thôn hỗ trợ xây dựng, còn đang nợ tiền công. thợ.

Nước mắt và nụ cười cuối con đường

Con gái bà Quý lấy chồng ở Bắc Giang, bà Quý theo con gái về thôn Giành cũ ở cùng. Nhưng vợ chồng con gái sống với nhau không hạnh phúc và cuối cùng ly hôn. Con gái bà để cho chồng nuôi hai con, bươn chải đi làm ăn ở đâu mà tới giờ vẫn chưa về. 

Từ khi con gái bỏ đi, bà Quý mất chỗ nương dựa bỗng trở thành người già cô đơn không nơi nương tựa trong thôn. Ở cái tuổi gần đất xa trời bà đang phải chống chọi với đói nghèo, bệnh tật mãn tính nhiều và khó chữa nên trông tiều tụy già trước tuổi rất nhiều.

Biết hoàn cảnh chật vật, khó khăn của bà Quý, một gia đình có vườn đồi cho bà ở nhờ bên chái chuồng lợn. Hàng ngày bà Quý trồng rau bên vệ đường rồi hái bán, hay mua mớ rau rẻ chỗ này đem về bán chỗ khác cao hơn để kiếm sống. Gần đây chủ vườn đồi bán được cơ ngơi, thương tình hoàn cảnh của bà Quý nên họ cho bà 25m2 đất ở cuối vườn để dựng lều ở tạm.

Năm 2021 trong phong trào xóa đói giảm nghèo của xã Quý Sơn, UBND xã phát động trích quỹ người nghèo hỗ trợ bà Quý được 3 triệu đồng, thôn giúp được 2 triệu đồng, cộng với người dân trong thôn và hội viên các chi hội đóng góp, rồi huyện hỗ trợ 20 triệu đồng, nên bà Quý có được 30 triệu đồng để xóa nhà tạm và có chỗ ở ổn định.

Nhưng cái nhà cấp 4 có 25m2 xây xong đã tốn ngót 50 triệu đồng, khiến bà Quý nợ thợ tiền công. May mà thợ người làng cũng thông cảm cho bà. 

Chính quyền cũng có hỗ trợ cho những người già nghèo khổ mà không có lương hưu, nhưng bà Quý chưa đủ 70 tuổi nên chưa được hưởng. 

Bà Quý tâm sự rằng muốn nghỉ ngơi lắm rồi, nhưng nghỉ thì lấy đâu ra tiền mà sống, mà chữa bệnh? Mỗi lần mệt mỏi, chân đau nhức mà vẫn phải tập tễnh lê đi hái rau, đi chợ, bởi không làm thì bị đói. Tiền kiếm ra chưa ấm túi áo thì đã phải chi tiêu ngay.

Rất mong các nhà hảo tâm chia sẻ, giúp đỡ để bà Quý được ấm cái bụng, có được nụ cười những ngày cuối đời.

Ông Ngô Quang Ngơn, Phụ trách Hội Người cao tuổi và Hội Cựu chiến binh (thôn Giành cũ, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngan, tỉnh Bắc Giang):

Gần 70 tuổi có con mà vẫn là người già không nơi nương tựa, cuộc đời nghèo khó, cơ cực đầy nước mắt - Ảnh 2.

Ông Ngô Quang Ngơn

Cuộc sống của bà Quý nhặt nhạnh đồng nào hay đồng ấy. Ngày Tết ông Táo thì đi nhận mã từ đại lý về bán lại cho bà con. Hết vụ thì chạy chợ mua mớ rau, bó chè rẻ chỗ này đem bán sang chỗ khác kiếm vài đồng cạch. Ai thuê gì thì làm nấy và được trả công ống gạo, hoặc ít đồng lẻ.

Bà Quý hiện được xếp vào hộ nghèo neo đơn, chính quyền thôn xác định bà Quý là hộ nghèo bền vững, không thể thoát nghèo. Đi chấm điểm hộ nghèo thì nhà bà Quý chẳng có cái gì để mà chấm.

Vừa qua chính quyền thôn, xã, các hội của thôn đã giúp bà Quý xây được ngôi nhà cấp 4, lợp fibro xi măng. Nhưng với 30 triệu đồng cả chính quyền cho và người dân đóng góp, còn hỗ trợ mỗi người 1 ngày công thì bà Quý vẫn không có đủ tiền để làm cái nhà và phải nợ gần nửa số tiền làm nhà. Rất mong các nhà hảo tâm giúp đỡ hỗ trợ cho trường hợp người già không nơi nương tựa đáng thương của bà Quý.

Ông Diệp Minh Hòa, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Giành cũ: "Hoàn cảnh của bà Quý rất đáng thương và khó khăn. Hồi trước bà Quý còn ở nhờ chái chuồng lợn trong trang trại của một gia đình thôn bên. Khi họ bán đi thì cho bà ấy 25m2 ở cuối vườn để dựng lều ở tạm.

Gần 70 tuổi có con mà vẫn là người già không nơi nương tựa, cuộc đời nghèo khó, cơ cực đầy nước mắt - Ảnh 3.

Ông Diệp Minh Hòa.

Con gái bà Quý không ở gần để chăm sóc mẹ già đau ốm. Bà được chính quyền thôn, xã và dân làng dịp này đùm bọc, giúp đỡ mới có được 30 triệu để xây ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, mái fibro xi măng để tránh mưa gió, nắng nôi. Tiền làm nhà dù bà con hỗ trợ thì bà Quý vẫn phải nợ lại bà con.

Những dịp lễ tết địa phương lo tết cho người nghèo thì bà Quý cũng được phát thêm vài trăm ngàn đồng.

Mọi sự giúp đỡ gia đình bà Quý - Mã số 763 xin gửi về:

1. Bà Nguyễn Thị Quý ở thôn Giàng, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay nhân ái/Giadinh.net.vn. Đề gửi: Mã số 763

3. Ủng hộ trực tiếp Chương trình "Vòng tay Nhân ái", tại Tòa soạn Báo Gia đình và Xã hội. Địa chỉ tầng 11, Tòa nhà Tổng cục DS-KHHGĐ, ngõ số 8, Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (đối diện Bến xe Mỹ Đình). Đề gửi: Mã số 763

Mọi thắc mắc, xin gửi tới email phuongthuangdxh@gmail.com. Điện thoại: 0975 839 126.

4. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank):

Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 125.000.058.110, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.

5. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank):

Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 061.100.191.1287, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.

Đề gửi Mã Số 763

Nỗi xót xa của gia đình nghèo bố chấn thương nặng, con tử vong vì tai nạn giao thôngNỗi xót xa của gia đình nghèo bố chấn thương nặng, con tử vong vì tai nạn giao thông

SKĐS - Con mất ngay khi vào viện, chồng giờ vẫn nằm hôn mê sau tai nạn chưa tỉnh hẳn, chị Thương đứng ngồi không yên khi gia đình không có tiền điều trị. Chi phí càng tốn kém hơn khi chồng chị lại không có bảo hiểm.

Xem thêm video đang được quan tâm

Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng.


Ngọc Hà
Ý kiến của bạn