Gần 70% người bệnh đái tháo đường tại Việt Nam không biết đang mang căn bệnh nhiều nguy cơ

21-09-2018 08:06 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Việt Nam hiện có 3,5 triệu người (độ tuổi từ 20-79) mắc bệnh này nhưng có tới 69,9% không biết mình bị bệnh. Cứ 8 người, sẽ có một người trưởng thành ở Việt Nam bị tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường.

Thông tin tại buổi toạ đàm “ Quản lý bệnh đái tháo đường ở tuyến y tế cơ sở” do Bộ Y tế và Hội Khoa học Kinh tế y tế Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, bệnh đái tháo đường đang gia tăng với một tốc độ khủng khiếp trên khắp thế giới. Hiện nay, thế giới có 9,1% số người mắc và dự tính đến năm 2045 sẽ tăng lên 11,7%.

Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận… Người đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp hai lần. Người mắc đái tháo đường tuýp 2 nếu không được phát hiện sớm để điều trị sẽ dẫn đến những biến chứng của bệnh.

Một bệnh nhân bị biến chứng của bệnh tiểu đường phải cắt cụt chi đang được chăm sóc tại Bệnh viện Nội tiết trung ương

Tại buổi toạ đàm, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh thông tin, thống kê cho thấy, cả nước hiện có 3,5 triệu người (độ tuổi từ 20-79) mắc bệnh này nhưng có tới 69,9% không biết mình bị bệnh. Cứ 8 người, sẽ có một người trưởng thành ở Việt Nam bị tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường.

85% chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm như: tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân đái tháo đường... Có đến 80% người bệnh đái tháo đường chết do biến chứng tim mạch. Bên cạnh đó, họ có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn người bình thường 2-4 lần. 20% người bệnh đái tháo đường bị bệnh thận, gây suy thận, có thể phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Nguy hiểm là vậy, nhưng theo các chuyên gia y tế có tới 70% trường hợp đái tháo đường type 2 có thể dự phòng hoặc làm chậm xuất hiện bệnh bằng việc tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và tăng cường vận động, tập thể dục.

Để quản lý và điều trị đái tháo đường hiệu quả, tăng cường năng lực cho y tế cơ sở là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành y tế. Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, đã nỗ lực để đưa các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường quản lý tại trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Tuy vậy, trên cả nước mới có chỉ có 28,9% người bệnh bị đái tháo đường được quản lý tại các cơ sở y tế, trong khi số chưa được quản lý theo số liệu thống kê mới nhất năm 2015 là 71,1%. Tuy nhiên, y tế cơ sở vẫn còn rất nhiều khoảng trống trong triển khai nội dung này.

Hiện hướng dẫn quản lý đái tháo đường tại trạm y tế xã chưa được cập nhật theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chung đã được Bộ Y tế ban hành. Hầu hết trạm y tế thiếu thuốc trong danh mục, đặc biệt các thuốc điều trị đái tháo đường. Việc Isulin – một lọai thuốc điều trị tiểu đường cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 cũng không được sử dụng tại trạm y tế xã là một hạn chế để y tế tuyến này thu hút người dân đến điều trị.

Về thực hiện dịch vụ chuyên môn kỹ thuật, đa số các trạm y tế xã chưa thực hiện phát hiện sớm, chẩn đoán, quản lý đái tháo đường. Chỉ một số ít trạm y tế thực hiện quản lý đái tháo đường với số lượng bệnh nhân rất hạn chế

Việc thiếu bác sĩ, điều dưỡng về chuyên khoa nội tiết ở nhiều cơ sở y tế; cán bộ y tế còn thiếu kinh nghiệm lâm sàng trong khám sàng lọc, điều trị, quản lý đái tháo đường khiến người dân vượt tuyến, bỏ qua các trạm y tế xã/phường

Hiện nay, y tế cơ sở chỉ có thể quản lý và điều trị cho những bệnh nhân mắc đái tháo đường ổn định, chưa có hoặc có biến chứng nhẹ, thời gian bị đái tháo đường dưới 10 năm; đã có phác đồ điều trị isulin rõ ràng, ổn định… Vì thế, để có thể điều trị isulin tại tuyến y tế cơ sở đạt hiệu quả và an toàn, cần tăng cường đào tạo cho nhân viên y tế, cung cấp các loại thuốc tốt và sự hỗ trợ của tuyến trên.

Ngành y tế đã nỗ lực để đưa các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường quản lý tại trạm y tế xã, phường

ThS Trương Lê Vân Ngọc, Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2019, 100% trạm y tế được đào tạo điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường; đến năm 2020, ít nhất 40% trạm y tế điều trị, quản lý đái tháo đường.

Nếu phát huy hiệu quả vai trò quản lý đái tháo đường tại 11 nghìn trạm y tế xã, Việt Nam sẽ sớm đạt được mục tiêu quản lý điều trị bệnh đái tháo đường.


Thái Bình
Ý kiến của bạn