Hà Nội

Gần 65 triệu người Việt dùng Facebook; cần có quy định xử lý tin giả, tin "độc" trên mạng

06-07-2019 07:09 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, thực hiện Quy hoạch báo chí, Bộ sẽ làm việc với từng tờ báo của các Hội, làm việc với TP.HCM; Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để sắp xếp các cơ quan báo chí. Tinh thần Quy hoạch báo chí không chỉ sắp xếp, mà còn là cơ chế chính sách phát triển báo chí ...

Đã cấp 23.402 thẻ nhà báo, thực hiện Quy hoạch báo chí

Ngày 5/7, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, Bộ Thông tin – Truyền thông cho biết, hiện cả nước có 844 báo, tạp chí in; 24 báo, tạp chí điện tử độc lập. Bộ đã cấp 23.402 thẻ nhà báo tính đến hết tháng 6/2019.

Bộ đã ban hành Kế hoạch số 1738/KH-BTTTT triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, rà soát, cấp lại giấy phép hoạt động của các cơ quan báo chí, đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch báo chí, các quy định của pháp luật và tránh tình trạng “báo hóa” tạp chí.

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, thực hiện Quy hoạch báo chí, Bộ sẽ làm việc với từng tờ báo của các Hội, làm việc với TP.HCM; Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để sắp xếp các cơ quan báo chí. Tinh thần Quy hoạch báo chí không chỉ sắp xếp, mà còn là cơ chế chính sách phát triển báo chí nhằm nâng cao năng lực của 6 cơ quan báo chí, truyền thông chủ lực đa phương tiện; là đào tạo nhân lực báo chí, giải quyết tốt các phát sinh về thực hiện quy hoạch báo chí. Giải quyết các tồn tại báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin tổng hợp, xa dời tôn chỉ, tư nhân hóa, khoán bài, khoán view, làm tiền doanh nghiệp, sự tuân thủ pháp luật Việt Nam của các mạng xã hội nước ngoài.

Vấn đề nữa là cần có quy định về xử lý tin giả, tin xấu độc trên mạng. Xây dựng cơ chế, giao nhiệm vụ cho báo chí kèm theo điều kiện đảm bảo thực hiện cơ chế đặt hàng cho báo chí. Báo chí cách mạng phải được hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước. Đề ra chính sách để kết nối nhà mạng và báo điện tử, xây dựng platform cung cấp nội dung trên không gian mạng cho các báo nhằm hỗ trợ báo chí dùng công nghệ để phát triển.

Nguồn tài chính dành cho đào tạo báo chí theo hướng chất lượng cao, giải Báo chí quốc gia, giải Sách quốc gia tăng 6 lần trong năm nay; Hỗ trợ các Bộ xây dựng truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí tránh khủng hoảng truyền thông.

Cần có quy định về xử lý tin giả, tin xấu độc trên mạng. Ảnh minh họa.

Hơn 3.000 cuộc tấn công mạng

Theo Bộ TT-TT, trong lĩnh vực an toàn an ninh mạng, trong 6 tháng đầu năm 2019, ghi nhận 3.159 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 45,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các cuộc tấn công có 968 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface), 635 cuộc tấn công cài cắm mã độc (Malware), 1.556 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing).

Số liệu cho thấy tình hình bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam đã chuyển biến, đặc biệt các chiến dịch xử lý mã độc ở Hà Nội, TPHCM thời gian qua đã có những hiệu quả nhất định. Ngoài ra, số lượng địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma (botnet) là hơn 4,3 triệu địa chỉ, giảm 34,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Thứ hạng của Việt Nam trong các bảng xếp hạng quốc tế về an toàn an ninh mạng cũng có những cải thiện đáng kể. Theo dự thảo Báo cáo Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu của ITU ngày 27/3/2018, Việt Nam xếp thứ 50 trên tổng số 175 hạng của 194 quốc gia, đã tăng 50 hạng so với năm 2017.

Hiện có khoảng 60-65 triệu người Việt sử dụng Facebook, 30 triệu người dùng Youtube, 46,7 triệu người dùng Zalo, 4,8 triệu người dùng Mocha (Zalo và Mocha là các mạng xã hội trong nước). Công cụ tìm kiếm Google chiếm 93,6% thị phần, Cốc cốc chiếm 3,06% thị phần. Trình duyệt Chrome chiếm gần 64% thị phần, Cốc cốc 16,44%, Safari 8,77%, Firefox 3,39%. Đối với công cụ phòng chống mã độc, BKAV chiếm 85% thị phần đối với thị trường cá nhân. Còn đối với thị trường nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam có một số lượng khách hàng không đáng kể.

Trong lĩnh vực viễn thông, tổng số thuê bao di động đạt 134,5 triệu thuê bao so với gần 120 triệu thuê bao cùng kỳ năm 2018; tổng số thuê bao di động băng rộng (3G, 4G) đạt hơn 51 triệu thuê bao. Tổng số thuê bao điện thoại cố định đạt hơn 4 triệu thuê bao...


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn