Gần 500 quán cà phê miễn phí cho khách đến Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột

10-03-2023 21:43 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) lần thứ 8 năm 2023 diễn ra từ ngày 10 đến 14/3 với nhiều điểm nhấn quan trọng, nhiều chương trình hấp dẫn và ấn tượng với du khách.

Điểm đến của cà phê thế giới

Trong 5 ngày diễn ra Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 có gần 20 hoạt động chính như: Lễ khai mạc (20h ngày 10/3) với chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới"; Lễ bế mạc (20h ngày 14/3) với chủ đề "Buôn Ma Thuột, thành phố cà phê - Nơi khởi nguồn sáng tạo"; Hội chợ triển lãm cà phê; Lễ hội đường phố; Lễ hội đua voi; Chương trình nghệ thuật khát vọng Đam San; Thi nhà nông đua tài; Pha chế cà phê đặc sản Việt Nam; Hội thi chế tác mỹ nghệ từ cây cà phê…

Nhiều điểm nhấn tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột - Ảnh 1.

Hình ảnh tổng duyệt đêm khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần 8 năm 2023.

Theo Ban tổ chức lễ hội, dấu ấn khác biệt và sâu đậm nhất của lễ hội lần này so với các lần trước được thể hiện ngay trong đêm khai mạc (20h ngày 10/3). Với nhiều tiết mục nghệ thuật ấn tượng sẽ thể hiện tinh thần sáng tạo, đổi mới để lan tỏa, giới thiệu văn hóa cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng, đặc sản cà phê Việt Nam nói chung đến bạn bè thế giới. Qua đó, khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế; tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê ở Việt Nam.

Qua đêm khai mạc, người dân trong nước và quốc tế sẽ thấu hiểu hơn về cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam, tượng trưng những tinh túy, đậm chất Tây Nguyên, chính những hạt cà phê sẽ mang hương hoa đại ngàn lan tỏa tỏa đi muôn nơi.

Sân khấu đêm khai mạc sẽ là một bản kiến trúc tổng hòa được lấy cảm hứng chủ đạo từ những hạt cà phê, trong đó có 5 hạt cà phê lớn trang điểm trên sân khấu thể hiện khát vọng lan tỏa cà phê Buôn Ma Thuột ra 5 châu.

Nhiều điểm nhấn tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột - Ảnh 3.

Nhiều chương trình đặc sắc tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột.

Hai bên sân khấu mô phỏng mái nhà dài - kiến trúc đặc trưng của đồng bào Ê Đê trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ. Mặt tiền sân khấu mô phỏng sông Sêrêpôk dòng sông lịch sử, văn hóa và kết nối.

Điểm nhấn quan trọng nữa ở Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần 8 năm 2023 là chương trình pha cà phê đặc sản Việt Nam. Hội thi này nhằm phát hiện, tôn vinh, quảng bá hình ảnh các tài năng xuất sắc trong pha chế cà phê; tạo động lực cho người pha chế cà phê không ngừng luyện tập, nâng cao kỹ năng và sự sáng tạo để tạo ra thức uống cà phê hảo hạng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và thế giới.

Trong khuôn khổ lễ hội, Hội thi Nhà nông đua tài với chủ đề "Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu" sẽ tôn vinh những người trồng cà phê quanh năm cần mẫn. Hội thi nhằm lan tỏa kiến thức khoa học kỹ thuật về canh tác cà phê thông minh đến nhiều bà con nông dân trên cả nước. Những kiến thức quan trọng trong việc trồng cà phê sẽ được các nhà nông đưa ra thi tài như: Kiến thức trồng mới và tái canh cà phê; Cách tưới nước cho cây cà phê; Cách bón phân cho cây cà phê; Cách trồng xen trong vườn cà phê...

Mang hương vị cà phê Việt đến mọi người

Các chương trình khác trong lễ hội như: Hội chợ triển lãm cà phê; Lễ hội đường phố; Lễ hội đua voi; Chương trình nghệ thuật khát vọng Đam San; Thi chế tác mỹ nghệ từ cây cà phê…cũng sẽ giúp cho người dân trong nước và thế giới hiểu sâu sắc thêm về đất và người Tây Nguyên.

Nhiều điểm nhấn tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột - Ảnh 4.

Nhiều gian hàng triển lãm nhằm tôn vinh cà phê và người trồng cà phê. (Ảnh: Hương Giang)

Đặc biệt cuộc thi chế tác mỹ nghệ từ cây cà phê sẽ thu hút gần 100 nghệ nhân chế tác sản phẩm mỹ nghệ các tỉnh khu vực Tây Nguyên về tham dự. Hội thi không chỉ để các nghệ nhân gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về chế tác sản phẩm mỹ nghệ đa dạng từ cây cà phê mà còn góp phần truyền thông nâng cao giá trị của cây cà phê, không chỉ có hạt cà phê mà còn cả thân, gốc của cây cà phê sau khi hết chu kỳ canh tác, đã già cỗi vẫn có thể sử dụng.

Để hương vị cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng, cà phê Việt Nam nói chung đến với nhiều người, trong lễ hội lần này sẽ có gần 500 quán cà phê phục vụ miễn phí tất cả mọi người, trong đó nhiều nhất tập trung ở Buôn Ma Thuột.

Nhiều điểm nhấn tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột - Ảnh 5.

Nhiều tuyến đường sẽ được phân luồng giao thông lại để tránh ách tắc trong Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột.

Phân luồng giao thông để tránh kẹt xe

Để không xảy ra tình trạng kẹt xe trong những ngày lễ hội, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã ban hành quy định cách lưu thông các phương tiện. Theo đó, các phương tiện lưu thông trên tuyến Quốc lộ 14 từ tỉnh Gia Lai đi Đắk Nông và ngược lại, phải đi theo hướng đường: Nguyễn Văn Linh - 10 tháng 3 - 30 tháng 4 - Võ Văn Kiệt và ngược lại.

Các phương tiện lưu thông trên tuyến Quốc lộ 14 (từ vòng xoay Nhà máy Bia Sài Gòn đến Vòng xoay Km3) phải rẽ vào các tuyến đường ngang giao với Quốc lộ 14. Các phương lưu thông trên các tuyến Quốc lộ 26, 27 từ phía TP.Nha Trang Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng) đi Gia Lai phải đi theo hướng đường: Nguyễn Văn Cừ - rẽ phải vào đường nối từ Lê Vụ đến Nguyễn Văn Cừ (bên hông UBND phường Tân Lập) - Lê Vụ - Nguyễn Chí Thanh - Nguyễn Văn Linh (QL14).

Ngoài ra tùy tình hình thực tế tổ chức phân luồng từ xa đối với một số phương tiện từ Nha Trang theo hướng rẽ phải vào đường liên xã Ea Tu ra Quốc lộ 14. Từ phía tỉnh Gia Lai đi Nha Trang, Đà Lạt thì đi theo hướng đường: Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Chí Thanh - Lê Vụ - hẻm 119 Nguyễn Văn Cừ (rẽ trái) - Nguyễn Văn Cừ (QL26). Từ phía Nha Trang, Đà Lạt đi Đắk Nông và ngước lại phải theo hướng: Nguyễn Văn Cừ - rẽ trái vào đường Võ Thị Sáu - Trần Quý Cáp - Mai Thị Lựu - Y Wang - Lê Duẩn (QL14) - Võ Văn Kiệt (QL14) và ngược lại.

Các phương tiện lưu thông trong nội thành Buôn Ma Thuột, từ Bến xe phía Nam Đắk Lắk về Ngã Sáu thì đi theo hướng: Lê Duẩn - Phạm Hồng Thái - Đinh Tiên Hoàng - Hùng Vương - A Ma Khê - Đinh Núp - A Ma Jhao - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Văn Cừ. Từ Hà Huy Tập về Ngã sáu, thì đi theo hướng: Y Moan Ê'Nuôl - 10 tháng 3 - 30 tháng 4. Từ Phan Chu Trinh về Ngã Sáu, thì đi theo hướng: Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Diệu, Trần Phú.

Cấm tạm thời các phương tiện lưu thông trên tuyến đường trong thời gian đoàn diễu hành Lễ hội (từ 15h30' đến 17h30' ngày 10/3/2023) gồm: Đường Lê Duẩn (đoạn từ Nguyễn Công Trứ đến vòng xoay Ngã Sáu); đường Nguyễn Tất Thành (đoạn Ngã sáu đến Vòng xoay Km3); đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ Nguyễn Tất Thành đến Trường Chinh); đường Trường Chinh (từ Trần Hưng Đạo đến Quảng trường 10 tháng 3) và đường Nguyễn Đình Chiểu (đoạn từ Nguyễn Tất Thành đến Bảo tàng Thế giới cà phê).

Trong thời gian diễn ra lễ khai mạc và bế mạc cấm tạm thời các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường gồm: đường Nguyễn Tất Thành (đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Vòng xoay Km3); đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ Nguyễn Tất Thành đến Trường Chinh); đường Trường Chinh (từ Trần Hưng Đạo đến Quảng trường 10 tháng 3).


Hưng-Anh
Ý kiến của bạn