Đây là thông tin được ThS. Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đưa ra tại hội thảo chia sẻ thông tin về tình hình sử dụng rượu bia ở vùng dân tộc thiểu số do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam tổ chức.
Theo ThS. Bảo, phân tích sơ bộ về tình hình sử dụng rượu bia trong các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy, tỉ lệ sử dụng rượu bia ở cả nam và nữ hầu hết cao hơn so với dân tộc Kinh. Năm 2015, gần 50% nam giới trưởng thành của Việt Nam đã uống rượu bia ở mức nguy hại; đáng lưu ý, tỉ lệ uống ở mức nguy hại gia tăng qua các năm. Trong khi đó, rượu bia là chất nguy hại với sức khỏe, có thể gây rối loạn thần kinh, gây ung thư, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh tiêu hóa, tổn thương hệ miễn dịch,…
“Rượu bia là chất gây ung thư đối với người, uống ở mức độ nào cũng có thể gây ung thư và uống càng nhiều thì nguy cơ ung thư càng tăng. Sự phát triển của ung thư thường xuất hiện sau khi bắt đầu uống từ 2 năm trở đi, thậm chí ngay cả sau khi đã cai rượu” – ThS. Bảo nói.
Rươụ bia gây nhiều tác hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
ThS.BS Phạm Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cũng cho biết, chi tiêu cho rượu bia chiếm một phần thu nhập cá nhân cũng như ngân sách của hộ gia đình, và giảm chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu như giáo dục, y tế và thực phẩm.
"Chi tiêu cơ bản (thực phẩm, y tế, giáo dục) ở các hộ uống rượu bia thấp hơn so với các hộ khác ở hầu hết các nhóm chi tiêu. Thay vì mua rượu bia, số tiền đó có thể mua gạo, mua thẻ bảo hiểm y tế cho các thành viên trong gia đình và mua sữa cho trẻ em...."- ThS. Hoàng Anh cho hay.
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị, cần sớm ban hành Luật phòng chống tác hại rượu bia, tập trung vào các nội dung như kiểm soát quảng cáo rượu bia, đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội phát triển và chưa được kiểm soát hiệu quả; kiểm soát sử dụng rượu bia ở trẻ em; phòng chống uống rượu bia khi lái xe; quản lý rượu tự nấu, rượu thủ công...
Trước thực trạng có nhiều vụ ngộ độc rượu bia trong thời gian gần đây, các bác sĩ khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe, người dân không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngaỳ với nam, một đơn vị cồn/ngày với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Tuyệt đối không uống rượu pha bằng cồn công nghiệp, cồn y tế hoặc rượu có hàm lượng methanol. Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng....