Hà Nội

Gần 470.000 trường hợp đề nghị hưởng BHXH 1 lần trong 5 tháng đầu năm 2021

12-06-2021 11:47 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đây là thông tin được Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Đỗ Ngọc Thọ của BHXH Việt Nam cho biết tại Hội nghị giao ban công tác tháng 6/2021 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm

BHXH Việt Nam cho biết, đến ngày 31/5, tổng số người tham gia BHXH trên toàn quốc là trên 16,17 triệu người, tăng trên 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Riêng số tham gia BHXH bắt buộc trên 15 triệu người, giảm 25.811 người so với cuối năm 2020, BHXH tự nguyện là trên 1,12 triệu người, giảm 13.060 người; Số tham gia BH thất nghiệp là trên 13,3 triệu người, giảm 20.737 người.

Riêng BHYT có sự tăng trưởng hơn so với cùng kỳ và cuối năm 2020, với trên 87,77 triệu người tham gia đạt tỷ lệ bao phủ 89,9% dân số,

Theo Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ Dương Văn Hào, để đạt được kế hoạch mà BHXH Việt Nam đặt ra trong năm 2021, trong 7 tháng còn lại của năm, toàn quốc cần phát triển thêm 1.521.328 người tham gia BHXH; trên 944.000 người tham gia BH thất nghiệp và trên 2,16 triệu người tham gia BHYT. Do đó, trong thời gian tới, BHXH các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc BHXH tỉnh triển khai kế hoạch, chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia, giảm nợ đọng.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ cũng đề xuất 2 giải pháp mới hỗ trợ phát triển đối tượng. Hoạt động  này sẽ cần có sự phối hợp của Trung tâm Truyền thông, công nghệ thông tin và chăm sóc khách hàng. Tương tự, việc rà soát danh sách người lao động chưa tham gia BHXH theo dữ liệu được chia sẻ từ cơ quan Thuế, trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, có thể yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động lập báo cáo và chịu trách nhiệm về thông tin mình cung cấp, cơ quan BHXH sẽ hậu kiểm khi thiết lập lại giai đoạn bình thường...

Trong việc thực hiện chính sách BHYT, trong 5 tháng đầu năm, cả nước có trên 65 triệu lượt khám chữa bệnh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN vẫn còn xảy ra ở một số địa phương

Nhấn mạnh “sử dụng thẻ BHYT điện tử sẽ giúp ứng dụng VssID lan tỏa nhanh hơn” - ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và đa tuyến cũng chia sẻ một số băn khoăn từ phía cơ sở y tế khi chuyển sang sử dụng hình thức mới này. Nhiều cơ sở y tế lo ngại không có thẻ BHYT để “giữ” bệnh nhân không “tranh thu” đi KCB ở nơi khác khi chưa kết thúc đợt điều trị, hoặc “trốn” đóng viện phí; đi khám đồng thời ở nhiều nơi... Ông Đức đề xuất, cần bổ sung chức năng cảnh báo trên phần mềm Cổng tiếp nhận, bổ sung chức năng cập nhật trạng thái KCB của bệnh nhân...

Báo cáo kết quả giải quyết hưởng các chế độ BHXH trong thời gian qua, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Đỗ Ngọc Thọ  cho biết, trong 5 tháng đầu năm, số người đề nghị hưởng BHXH một lần vẫn có chiều hướng gia tăng. Trong tháng 5/2021, có 103.918 người hưởng BHXH một lần, nâng tổng số 5 tháng đầu năm lên 469.744 người. Số người giải quyết hưởng mới BH thất nghiệp tăng thêm 74.634 người trong tháng 5, lũy kế 5 tháng đầu năm là 295.989.

Tuy nhiên, những con số này cũng giảm so với cùng kỳ năm 2020, với số giảm tương ứng 65.897 người (16,32%) và 47.757 người (12,36%). Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BH thất nghiệp vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị như: giả mạo chứng từ, mua bán, cấp khống giấy tờ, khai khống hồ sơ hưởng chế độ...

Nguyên nhân một phần là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, người lao động bị mất việc làm, không có đủ thu nhập để đảm bảo cuộc sống; một phần khác là do BHXH một số địa phương thực hiện chưa nghiêm túc, chưa tuân thủ đầy đủ các quy trình nghiệp vụ, kiểm tra, rà soát, đối soát dữ liệu... Đặc biệt, ông Thọ phản ánh bức xúc của nhiều người lao động muốn chốt sổ BHXH để lấy một lần hoặc được giải quyết chế độ hưu trí nhưng lại đang “vướng” do doanh nghiệp vẫn còn đang nợ một số tháng tham gia BHXH, đề nghị BHXH Việt Nam có chỉ đạo tháo gỡ...         

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, để hoàn thành nhiệm vụ năm 2021, Tổng Giám đốc yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ theo nhiệm vụ của mình, nhanh chóng khắc phục các tồn tại đã nêu; triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BHTN, BHYT trong tháng 6 và những tháng tiếp theo.

Bên cạnh đó, kịp thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và diễn biến của dịch bệnh. Thực hiện phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc: rõ người, rõ việc, rõ quy trình trách nhiệm; rõ kết quả; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức; tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân. “Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta trong giai đoạn này là đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.

Bình Hoàng
Ý kiến của bạn