Gần 4.500 người đi du học bằng tiền ngân sách chưa trở về nước làm việc

17-10-2023 07:31 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến hết năm 2022, số lượng học viên mà Bộ GD&ĐT cử đi học bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2022 có khoảng 7.186 người tốt nghiệp, về nước.

Bộ GD&ĐT cho biết, giai đoạn 2013-2022, Bộ GD&ĐT đã cử 11.657 người (4.049 người đi học tiến sĩ, 1.877 người đi học bậc thạc sĩ, 5.070 học sinh đi học đại học và 661 thực tập sinh) đi học ở nước ngoài tại hơn 40 nước trên thế giới. Trong số đó số lượng giảng viên, viên chức tại các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng được cử đi học ở nước ngoài là 3.535 người (3.225 người đi học tiến sĩ, 258 người đi học bậc thạc sĩ, 52 thực tập sinh). Đến hết năm 2022 đã có khoảng 7.186 người tốt nghiệp, về nước.

Như vậy, so với số lượng học viên mà Bộ GD&ĐT cử đi học bằng ngân sách nhà nước thì 4.471 người chưa trở về nước làm việc.

Theo Bộ GD&ĐT, trong giai đoạn 2013 - 2022, có 18 thỏa thuận và điều ước quốc tế có hiệu lực  làm căn cứ cho việc tiếp nhận lưu học sinh (LHS) nước ngoài diện Hiệp định và đã  thực hiện tiếp nhận 12.482 LHS vào học tập ở các trình độ đại học, sau đại học và  thực tập tiếng Việt. Số lượng LHS nước ngoài nói chung đang học tập tại Việt Nam  khoảng 20.000 LHS, trong đó LHS diện Hiệp định gần 4.000 người, chủ yếu LHS  Lào, Campuchia.

Còn gần 4.500 người đi du học bằng ngân sách nhà nước chưa trở về nước làm việc - Ảnh 1.

Giai đoạn 2013-2022, Bộ GD&ĐT đã cử 11.657 người đi học ở nước ngoài tại hơn 40 nước trên thế giới. Ảnh minh họa

Chính phủ đã ban hành các quy định xử lý bồi hoàn chi phí đào tạo đối với du học sinh đi học ở nước ngoài có sử dụng ngân sách nhà nước tại các Nghị định: Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (Nghị định số 101/2017/NĐ-CP); Nghị định số 143/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo (Nghị định số 143/2013/NĐ-CP); Nghị định số 86/2021/NĐ-CP.

Đối với du học sinh có cơ quan công tác thuộc diện bồi hoàn chi phí đào tạo sẽ do cơ quan quản lý trực tiếp của du học sinh thực hiện xử lý và thu hồi chi phí. Đối với du học sinh không có cơ quan công tác sẽ do cơ quan nhà nước cấp học bổng cho du học sinh thực hiện xử lý và thu hồi chi phí.

Du học sinh được học bổng ngân sách nhà nước do Bộ GD&ĐT quản lý về cơ bản học xong về nước, một số không hoàn thành khóa học hoặc đã tốt nghiệp nhưng xin thôi việc hoặc chuyển cơ quan công tác.

Du học sinh ở lại nước ngoài chủ yếu là du học sinh học bổng khác và du học sinh tự túc. Du học sinh học bổng khác và du học sinh tự túc chiếm khoảng 97% trong tổng số khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam đang học tại nước ngoài theo thống kê năm học 2019-2020.

Trong danh sách du học sinh phải bồi hoàn hiện nay, tỷ lệ thu hồi chi phí đào tạo đạt khoảng 40% do có du học sinh không có khả năng hoàn trả hoặc xin hoàn trả dần.

Đối với trường hợp chưa thu hồi được chi phí, Bộ GD&ĐT thường xuyên có văn bản nhắc nhở cơ quan quản lý trực tiếp của du học sinh, phối hợp các cơ quan có liên quan, Đại sứ quán Việt Nam nước sở tại, địa phương nơi du học sinh cư trú, cung cấp thông tin cho Cục A03 - Bộ Công an để yêu cầu du học sinh bồi hoàn.

Về đề xuất giải pháp thu hồi chi phí đào tạo đối với du học sinh học bổng ngân sách nhà nước, Bộ GD&ĐT cho biết: Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về bồi hoàn chi phí đào tạo tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP. Cụ thể, bổ sung quy định cho phép du học sinh hoàn trả chi phí theo nhiều đợt phù hợp hoàn cảnh của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, bổ sung thêm chế tài xử phạt đối với trường hợp không chấp hành quyết định bồi hoàn chi phí đào tạo.

Việc bổ sung các chế tài xử phạt cần có sự phối hợp của các cơ quan có liên quan.

Sau khi Nghị định số 101/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung, các đối tượng phải bồi hoàn khác được quy định tại các Nghị định số 143/2013/NĐ-CP, Nghị định số 86/2021/NĐ-CP sẽ được điều chỉnh cho phù hợp, thống nhất.

Ngoài việc bổ sung thêm quy định thu hồi chi phí đào tạo, cần có giải pháp thu hút du học sinh về nước công tác. Theo đó cần triển khai các cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương về trọng dụng, đãi ngộ đối với trí thức trẻ nói chung và đội ngũ du học nói riêng.

Đồng thời, cải thiện môi trường nghiên cứu, làm việc trong nước theo hướng hiện đại, công bằng, lành mạnh và bảo đảm điều kiện làm việc thuận lợi; bố trí nguồn kinh phí thỏa đáng để thực hiện các chính sách thu hút và đãi ngộ nhân tài như trả lương, phụ cấp, nhà ở, điều kiện làm việc, xây dựng quy định hỗ trợ tài năng, khen thưởng, vinh danh, cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, ...

Chuyên gia giáo dục chia sẻ cách chống "sốc" cho tân sinh viênChuyên gia giáo dục chia sẻ cách chống 'sốc' cho tân sinh viên

SKĐS - Chuẩn bị vào đại học, tân sinh viên sẽ phải đối mặt với một "thế giới mới" khác xa so với cuộc sống phổ thông trước đây. Để giúp các em giảm cảm giác lo lắng, không bỡ ngỡ và lạc lõng trước môi trường học tập mới, chuyên gia giáo dục khuyên gì?


ĐV
Ý kiến của bạn